(Xây dựng) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc báo cáo sơ kết 5 năm tình hình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Về nội dung này, Bộ Xây dựng đã có 2 văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Văn bản số 3092/BXD-QLN ngày 10/12/2018 Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2018 và giai đoạn 2016 - 2018 và Văn bản số 616/BXD-QLN ngày 29/3/2019 về tham gia ý kiến đối với Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Tại 2 văn bản nêu trên, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo nhiều nội dung theo Đề cương yêu cầu của Ban Kinh tế Trung ương đã được Ngân hàng Nhà nước tổng hợp vào Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng báo cáo bổ sung, cập nhật các số liệu liên quan đến hết tháng 6/2019 như sau:
Về Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ: Theo tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến tháng 6/2019, cả nước đã thực hiện hỗ trợ cho khoảng 93.750 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở, với tổng số vốn đã cho vay khoảng 2.344 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch của cả Chương trình. Quyết định này chỉ hỗ trợ người dân bằng hình thức cho vay tối đa là 25 triệu đồng/hộ. Mức vay này không đủ để người dân làm nhà, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa. Do vậy, tiến độ thực hiện Chương trình còn chậm so với yêu cầu.
Về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ: Theo báo cáo của 13 tỉnh, thành phố tham gia chương trình, tính đến hết tháng 6/2019, các địa phương này đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 17.219 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt (đạt 76%), với tổng số vốn đã giải ngân là khoảng 645 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 237 tỷ đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 188 tỷ đồng và các nguồn vốn khác ước tính khoảng 220 tỷ đồng (trong đó có hơn 1.100 hộ gia đình được hỗ trợ theo dự án Hợp phần 1 – Hỗ trợ xây nhà chống chịu bão, lụt). Hiện nay, có 6 địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ, gồm: Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và TP Đà Nẵng; các địa phương còn lại gồm: Bình Định và Thừa Thiên Huế; Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi sẽ hoàn thành trong năm 2020.
Về Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long: Giai đoạn 2 được thực hiện trong 8 năm (từ năm 2008 - 2015) trên địa bàn 7 địa phương, gồm các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Kết thúc giai đoạn 2, các địa phương đã hoàn thành xây dựng được 129 cụm, tuyến và 49 bờ bao khu dân cư có sẵn; đảm bảo cho 51.654 hộ có chỗ ở ổn định an toàn (trong đó, có 29.299 hộ trong cụm, tuyến dân cư và 22.355 hộ trong các bờ bao).
Tổng số nguồn vốn đã thực hiện giai đoạn này là 3.269,073 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 1.383,033 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đầu tư tôn nền diện tích nhà ở là 995,488 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam để kè chống sạt lở và xây dựng bãi rác là 164 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội để làm nhà ở là 726,54 tỷ đồng.
Sau khi kết thúc giai đoạn 2 (vào cuối năm 2015), theo đề nghị của các địa phương, đồng thời để triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ngày 14/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 714/QĐ-TTg về việc phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018 - 2020. Đến nay, các địa phương đang triển khai thực hiện Quyết định này. Dự kiến có 4 tỉnh gồm: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang bổ sung 49 cụm tuyến dân cư để di dời khoảng 13.000 hộ, với kinh phí thực hiện khoảng 3.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương; có 1 địa phương là tỉnh Tiền Giang xây dựng bổ sung 10 bờ bao khu dân cư có sẵn với tổng chiều dài 56,5km, dự kiến vốn xây dựng là 88 tỷ đồng để đảm bảo an toàn cho khoảng 6.400 hộ dân sống ổn định trong bờ bao.
Theo Quyết định 714/QĐ-TTg thì các địa phương phải chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho đầu tư xây dựng bổ sung cụm, tuyến dân cư. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương tham gia Chương trình là những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn nên việc thực hiện Quyết định này còn chậm so với tiến độ.
Về chương trình phát triển nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP: Tính đến hết tháng 6/2019, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 204 dự án với quy mô khoảng 84.900 căn hộ tương ứng với khoảng 4,245 triệu m2 nhà ở. Tuy nhiên, do Chương trình hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội không có trong danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương tại Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, nên việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho Chương trình này đang gặp nhiều khó khăn. Đến nay vốn ngân sách mới bố trí được cho Ngân hàng Chính sách xã hội 1.262,069 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Văn bản số 4177/NHCS-KHNV ngày 03/11/2016) cho cả giai đoạn 2018 - 2020. Do vậy, các địa phương không có nguồn vốn để tiếp tục thực hiện
Bộ Xây dựng đề nghị Quốc hội bổ sung danh mục các Chương trình hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội vào trong danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương tại Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, bố trí nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho các địa phương trong việc xây dựng cụm, tuyến dân cư để đảm bảo an toàn chỗ ở cho người dân tại các khu vực sạt lở, ngập lũ thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đối khí hậu theo Nghị quyết 120/NQ-CP; bố trí nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các chính sách nhà ở xã hội và cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội, các Ngân hàng thương mại tham gia cho vay nhà ở xã hội.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ vì người nghèo do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quản lý với nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao chất lượng nhà ở của các hộ gia đình.
Đề nghị các địa phương chủ động triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các chương trình, chính sách nêu trên theo nguyên tắc huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau; đồng thời lồng ghép vào các chương trình khác như Chương trình Nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững để bảo đảm có thêm nguồn lực thực hiện và tránh đầu tư dàn trải.
Trên đây là báo cáo của Bộ Xây dựng về Báo cáo sơ kết 5 năm tình hình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Khánh An
Theo