Thứ hai 07/10/2024 00:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Bàn về cơ chế “tháo gỡ” ùn tắc giao thông tại TP.Hồ Chí Minh

09:52 | 14/05/2017

(Xây dựng) - UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thực hiện các công trình, dự án nhằm giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu) để thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án do nhà đầu tư đề xuất, có tính khả thi cao, mang lại lợi ích cho xã hội, lợi ích cho nhà nước.


Ngày 11/5/2017, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về cơ chế thực hiện các dự án nhằm giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.

Cụ thể, các dự án mà TP.Hồ Chí Minh kiến nghị gồm: Dự án xây dựng đoạn tuyến Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu (tên cũ là cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai phía Đông) đến xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); dự án xây dựng đoạn tuyến Vành đai 2 (đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng); dự án xây dựng đoạn tuyến vành đai 2 (đoạn từ nút giao thông An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh); dự án xây dựng đường trên cao số 1; dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 22; dự án xây dựng cầu Cần Giờ; dự án đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh); dự án đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến KCN Hiệp Phước); dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4; dự án bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân bóng đá thuộc Công viên văn hóa Tao Đàn; dự án nạo vét, khai thông tuyến rạch Ông Nhiêu; dự án xây dựng Trung tâm điều khiển và hệ thống giao thông đô thị thông minh tại TP. Hồ Chí Minh.

 Bên cạnh đó, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ thực hiện theo lệnh khẩn cấp, cấp bách và cho phép UBND thành phố áp dụng hình thức chỉ định thầu (hình thức rút gọn) đối với bước lập dự án, khảo sát, thiết kế; và chỉ định thầu bước thi công xây dựng đối với dự án xây dựng cầu qua đảo Kim Cương (đường ven sông Sài Gòn, đoạn từ Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi đến đường Mai Chí Thọ); dự án xây dựng cầu vượt bằng thép tại ngã sáu công trường Dân Chủ.

 Theo UBND thành phố, trong thời gian qua, tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu trung tâm thành phố, các cửa ngõ thành phố  đang là những điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, ảnh hưởng rất lớn sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh vùng phụ cận. Việc hoàn thành nhanh các thủ tục để sớm triển khai đầu tư, hoàn thành các công trình, dự án sẽ góp phần giải quyết, kéo giảm ùn tắc giao thông các khu vực này là hết sức cần thiết, cấp bách.

Góp ý kiến về cơ chế thực hiện các dự án nhằm giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng cho rằng: Về sự phù hợp của các dự án với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành; căn cứ Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 08/4/2013 thì đa phần các dự án nêu tại văn bản số 1959/UBND-DA nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải của thành phố.

Riêng 02 dự án xây dựng cầu Cần Giờ và dự án xây dựng cầu qua đảo Kim Cương (đường ven sông Sài Gòn, đoạn từ Khu dân cư Thạch Mỹ Lợi đến đường Mai Chí Thọ) không nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh. Nhưng dự án cầu Cần Giờ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố tại Thông báo số 44/TB-VPCP ngày 25/01/2017 của Văn phòng Chính phủ, còn dự án cầu qua đảo Kim Cương chưa được đưa vào quy hoạch. Do đó đề nghị UBND TP.Hồ Chí Minh báo cáo về sự cần thiết đầu tư xây dựng cầu qua đảo Kim Cương để có cơ sở thực hiện thủ tục bổ sung 02 dự án nêu trên vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố theo quy định hiện hành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cũng theo văn bản phúc đáp Văn phòng Chính phủ của Bộ Xây dựng: Về đề nghị áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu) để thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án do nhà đầu tư đề xuất.

Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01/3/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lựa chọn sơ bộ dự án, lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đề nghị UBND TP.Hồ Chí Minh thực hiện thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về xây dựng.

Trường hợp trong quá trình thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án có xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật Đấu thầu thì đề nghị UBND TP.Hồ Chí Minh báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.

Về đề nghị áp dụng thực hiện theo lệnh khẩn cấp, cấp bách và áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với bước lập dự án, khảo sát, thiết kế và chỉ định thầu bước thi công xây dựng. Về nguyên tắc, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của UBND TP.Hồ Chí Minh trong việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố được triển khai thực hiện 02 dự án (nêu tại Mục 2 văn bản số 1959/UBND-DA) theo lệnh khẩn cấp, cấp bách. Tuy nhiên, để có thể được xem xét áp dụng theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 42 Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đề nghị UBND TP.Hồ Chí Minh làm rõ hơn nữa về tình trạng khẩn cấp, cấp bách phải đầu tư xây dựng 02 dự án nêu trên để cải thiện tình trạng quá tải, thường xuyên bị ùn tắc và mất an toàn giao thông tại khu vực xây dựng dự án.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép thực hiện, đề nghị UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 43 Nghị định 59/2015/NĐ-CP. Theo đó, đối với chủ trương xin được chỉ định thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 43 Nghị định 59/2015/NĐ-CP.

Thanh Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load