Thứ ba 10/09/2024 05:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Bản tin Audio pháp luật - số 58

19:27 | 09/01/2017

(Xây dựng) - Bản tin Audio pháp luật ngày 9/1 gồm những nội dung chính sau: Thủ tướng mong muốn tỉnh địa đầu Cao Bằng phát triển '3 nhất'; Tập trung vào 3 nhóm chính sách giảm nghèo; Năm 2017 được Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương hành chính”.

Sáng 9/1, làm việc với tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tỉnh phải phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển xanh nhất, sạch nhất và toàn diện nhất về kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh ở vùng địa đầu phía Bắc Tổ quốc.


Thủ tướng mong muốn Cao Bằng là địa phương thành công điển hình về mô hình phát triển xanh dựa trên 3 trụ cột: nông nghiệp, du lịch và thương mại cửa khẩu.

Ghi nhận nỗ lực của Cao Bằng trong việc phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh đến kết quả giảm 3,92% hộ nghèo trong thời gian qua; thu ngân sách tăng bình quân 18% mỗi năm. Tuy nhiên, Thủ tướng bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở về tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Hiện, Cao Bằng là một trong 3 tỉnh có hộ nghèo cao nhất cả nước.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ đầu năm, chọn lựa một số lĩnh vực ưu tiên để tập trung chỉ đạo để “làm đâu ra đó”, không nên cứ bàn mãi mà không hành động.

Tỉnh cần nghiên cứu quy hoạch tái phân bổ dân cư theo hướng tập trung để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí, nguồn lực đầu tư Nhà nước cũng như khả năng cung ứng dịch vụ công; Đưa ra những quyết sách và chương trình hành động nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa, xóa bỏ tư duy tự cung tự cấp.

Tập trung vào 3 nhóm chính sách giảm nghèo

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; trong đó yêu cầu tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; Hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; Phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Trong giai đoạn 2011-2015, mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 4,25% (năm 2015). Tuy nhiên, công tác giảm nghèo còn nhiều khó khăn, thách thức, vẫn còn nhiều nơi tỷ lệ nghèo ở mức cao, lên tới 50%, cá biệt trên 60-70%. Chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống, nhiều chính sách chưa khuyến khích người nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo; cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp còn nhiều hạn chế…

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Năm 2017 được Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương hành chính”

Năm 2017 được TP Hà Nội chọn chủ đề là “Năm kỷ cương hành chính” - một nhiệm vụ không mới vì năm 2013, Hà Nội cũng đã thực hiện chủ đề này. Tuy nhiên lần này yêu cầu, quyết tâm đòi hỏi phải cao hơn. Với tinh thần quyết liệt và quyết tâm đổi mới, theo hướng 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả, rõ quy trình, rõ trách nhiệm”, “một việc – một đầu mối xuyên suốt”.

Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, đây là sự thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo TP trong nỗ lực xây dựng chính quyền Thủ đô thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân” nhằm tạo bước đột phá mới, tiến tới hoàn thành mục tiêu cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 là “Xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, đảm bảo liên thông, đồng bộ, thống nhất và hội nhập quốc tế”.

Báo điện tử Xây dựng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load