Ngày 26/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức buổi làm việc để nghe Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) giới thiệu mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc |
Dự và chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.
Đô thị thông minh là ứng dụng công nghệ thông tin, cách mạng 4.0 vào mọi hoạt động của đời sống kinh tế xã hội để nâng cao năng lực quản lý điều hành nhà nước, tạo ra môi trường năng động cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và người dân được hưởng các dịch vụ thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đô thị thông minh là một mô hình được xây dựng trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tập trung kết nối qua hệ thống internet để thu thập dữ liệu, tối ưu hóa tất cả các hoạt động, dịch vụ phục vụ người dân tốt hơn, đồng thời làm thay đổi phương thức chỉ đạo, quản lý và điều hành một cách thông minh và hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Người dân được thụ hưởng một môi trường sống và làm việc tốt hơn. Doanh nghiệp được tạo điều kiện để phát triển, nâng cao năng suất và hiệu quả lao động, kinh tế xã hội được phát triển bền vững.
Vì vậy, việc triển khai Đề án xây dựng Đô thị thông minh tỉnh Yên Bái là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Đây là bước đột phá trong ứng dụng cách mạng 4.0 vào công tác quản lý điều hành và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng đến xây dựng tỉnh Yên Bái đi đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh để nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế, xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Cùng với đó, mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng tỉnh Yên Bái hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng để cải thiện về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.
Quang cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) đã giới thiệu mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái. Đây là mô hình tổng thể cho đô thị thông minh được kết nối và số hóa từ các số liệu từ đó đưa ra báo cáo, đánh giá và đưa ra những cảnh báo để nhà quản lý tham khảo. Đồng thời tạo ra nhiều ứng dụng, tiện ích phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau như người dân, du khách, doanh nghiệp, người khuyết tật...
Lãnh đạo thành phố Yên Bái phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, đa số các đại biểu thống nhất với với mục tiêu của đề án, đồng thời thảo luận, đóng góp ý kiến các về đề như: Nguồn nhân lực vận hành hệ thống; việc cung cấp, cập nhật thông tin; tính trung thực về số liệu; nguồn lực đầu tư và duy trì thường xuyên hệ thống, thiết bị, đường truyền, vấn đề bảo mật thông tin…
Đánh giá cao mục tiêu Đề án đô thị thông minh đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn AIC Group có nhiều chuyên gia tiếp cận từ nhiều góc độ, phối hợp với tỉnh Yên Bái để tư vấn cho Yên Bái xây dựng mô hình đô thị thông minh có hiệu quả. Để xây dựng mô hình đô thị thông minh. trước tiên phải xác định được bản quy hoạch chi tiết, xác định được danh mục các dự án đầu tư, thứ tự các dự án ưu tiên đầu tư, phương thức đầu tư và nguồn lực đầu tư; các chủ thể tham gia vào từng dự án đầu tư. Để Đề án đi vào thực tiễn, hiệu quả cao, yêu cầu phải được xây dựng một cách đồng bộ, chuẩn hóa; đầu tư đến đâu vận hành tới đó; cần tận dụng, nâng cấp hạ tầng có sẵn và xác định lĩnh vực ưu tiên...
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao đơn vị tư vấn đã xây dựng Đề án với các nội dung, mục tiêu phù hợp với sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Yên Bái trong tương lai.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với mục tiêu của Đề án, đồng thời nhấn mạnh, trước mắt đến năm 2020, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực: Xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh, trung tâm điều hành đô thị thông minh, trong đó tập trung 3 nhóm, đó là: Điều hành của cấp ủy chính quyền, giáo dục, y tế. Trên cơ sở nguồn lực của tỉnh, có thể xem xét xây dựng đô thị thông minh toàn thành phố hoặc có thể cấp độ là một phường.
Giao UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện Đề án trên cơ sở ý kiến của các đại biểu để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào đầu tháng 5/2019. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan liên quan, tư vấn xây dựng các dự án thành phần, cân đối nguồn lực để đảm bảo tính khả thi cho Đề án.
Với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà đề nghị ngay sau hội nghị này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng về việc triển khai xây dựng Đề án đô thị thông minh; Giao Tổ công tác và Tổ giúp việc triển khai Đề án đô thị thông minh tỉnh Yên Bái xây dựng kế hoạch chi tiết, đảm bảo tiến độ cho các hợp phần của Đề án.
Theo Tiến Lập - Hiền Trang/Yenbai.gov.vn