Thứ năm 28/03/2024 17:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bán nhà lầu, rút tiết kiệm đổ tiền tỷ chờ ăn lãi suất cao

08:39 | 12/07/2020

Xu hướng chuyển tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng sang đầu tư trái phiếu DN và cổ phiếu gia tăng. Số lượng nhà đầu tư cá nhân đổ tiền vào trái phiếu DN và cổ phiếu ngày càng lớn, gây ra những lo ngại.

Chuyển hướng đầu tư

Vừa đến kỳ hạn tất toán số tiền gửi tiết kiệm 500 triệu đồng, anh Nguyễn Đình Hòa ở Kim Giang, Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết đã chuyển sang mua trái phiếu DN.

Theo anh Hòa, so với gửi tiết kiệm hiện nay thì lãi suất trái phiếu DN cao hơn hẳn. Anh Hòa tính toán, với 500 triệu anh chia ra mua trái phiếu của 5 DN đang phát hành với lãi suất từ 10,5%-11% và kỳ hạn 24 tháng. Nhận thức được rủi ro có thể xảy ra, anh Hòa cho rằng không nên “bỏ trứng vào một giỏ”. Chia nhỏ ra, nếu có rắc rối sẽ không bị thiệt hại lớn.

Theo anh Hòa, trên thị trường thứ cấp, mua bán trái phiếu DN cũng khá phát triển và ngày càng có nhiều người tham gia; vì vậy dễ dàng chuyển nhượng, không lo thanh khoản kém.

Cũng giống như anh Hòa, anh Lê Văn Tiến ở Xuân Thủy, Cầu Giấy (Hà Nội) đang chuyển dần tiền gửi tiết kiệm sang kênh đầu tư khác. Anh Tiến mua cả trái phiếu DN lẫn cổ phiếu. Trái phiếu và cổ phiếu anh mua chủ yếu của các DN bất động sản có tên tuổi, qua một công ty chứng khoán tư vấn. Anh Tiến cũng chia nhỏ số tiền để giảm thiểu rủi ro.

ban nha lau rut tiet kiem do tien ty cho an lai suat cao
Lãi suất ngân hàng đang không hấp dẫn bằng lãi từ trái phiếu và cổ phiếu

Xu hướng chuyển tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng sang đầu tư trái phiếu DN và cổ phiếu đang gia tăng. So với gửi tiết kiệm ngân hàng các kỳ hạn 18-36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ cao nhất hiện nay là 7,9%/năm, thì mua trái phiếu DN và cổ phiếu được cho là có lợi hơn hẳn.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, tổng lượng trái phiếu DN phát hành trong 6 tháng đầu năm nay ước tính 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỷ đồng, tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.

Không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp cũng sôi động hơn rất nhiều. Cụ thể, lượng trái phiếu DN niêm yết trên sàn Hà Nội đã tăng từ 14.200 tỷ đồng trong năm 2017 lên gần 36.000 tỷ đồng tính đến hết tháng 6/2020. Thanh khoản thị trường đang cải thiện với giá trị giao dịch tăng trung bình 80%/năm từ 2017 đến nay, bình quân khoảng 3.200 tỷ đồng/tháng.

SSI nhận định, trái phiếu DN đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi tiết kiệm. Trong 6 tháng đầu năm, không tính trái phiếu của các ngân hàng phát hành thì lãi suất bình quân trái phiếu DN dao động từ 10,1%-11,2%/năm với kỳ hạn tăng dần từ 12 đến 60 tháng.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận trái phiếu DN dễ dàng hơn thông qua các quầy giao dịch của các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán, đặt lệnh mua qua tài khoản chứng khoán. Mệnh giá trái phiếu được tách nhỏ đến từng triệu đồng, để phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân. Thời hạn đầu tư cũng rất linh hoạt nhờ trung gian thu xếp giao dịch hoặc cam kết mua lại từ các đại lý. Mức lãi suất cao hơn hẳn tiền gửi có sức hấp dẫn mạnh với các nhà đầu tư.

ban nha lau rut tiet kiem do tien ty cho an lai suat cao
Sở hữu trái phiếu DN đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đối mặt rủi ro về mất khả năng thanh toán

Ngoài ra, dòng tiền đang có sự chuyển dịch sang thị trường chứng khoán. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, trong tháng 6/2020 có 35.046 tài khoản chứng khoán mới được mở. Đây là con số cao kỷ lục, chủ yếu là tài khoản cá nhân. Dòng tiền nóng từ nhà đầu tư mới đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh sau cú sốc Covid-19. Hiện nhiều nhà đầu tư cá nhân bán bất động sản, rút tiền tiết kiệm ngân hàng để chuyển sang đầu tư chứng khoán.

Chấp nhận rủi ro

Đầu tháng 7 vừa qua, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm thêm từ 0,2-0,5 điểm phần trăm. Vì vậy, giới chuyên môn dự báo lượng tiền gửi tiết kiệm sẽ còn tiếp tục đổ vào trái phiếu DN và cổ phiếu trong quý 3 này. Với trái phiếu DN, một loạt công ty đẩy mạnh phát hành với lãi suất hấp dẫn trước khi các chính sách mới theo hướng siết chặt sắp được ban hành.

Lãi suất tiết kiệm giảm, về nguyên tắc sẽ có tác động tích cực cho thị trường chứng khoán. Mức lãi suất cao hơn hẳn tiền gửi có sức hấp dẫn mạnh với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, lợi nhuận cao thường đi kèm với rủi ro. Người ta vẫn nói, muốn “ăn ngon ngủ yên” thì mua trái phiếu, vì sẽ được thanh toán cả gốc lẫn lãi khi đến kỳ. Tuy nhiên, sở hữu trái phiếu DN hiện đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đối mặt với các rủi ro về mất khả năng thanh toán. Hiện tại, chưa có một đơn vị trung gian độc lập nào có uy tín đứng ra đánh giá xếp hạng DN, việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của các nhà đầu tư cá nhân.

SSI cho rằng, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ năng lực của tổ chức trung gian phân phối trong việc thực hiện cam kết mua lại trước hạn trái phiếu DN và mức phí phải chịu. Trong nhiều trường hợp, mức phí bán lại trái phiếu DN trước hạn có thể ăn mòn hết phần chênh lệch so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Với chứng khoán, dù thị trường tăng điểm nhưng thanh khoản lại giảm dần đều và thấp kỷ lục trong nửa đầu tháng 6/2020. Nếu thị trường không lấy lại đà tăng trưởng và đi xuống, nhà đầu tư mới sẽ thiệt hại nặng. Đây là điều đáng lo bởi xu hướng thị trường trong ngắn hạn vẫn còn rất bất ổn. Theo SSI, trong khi nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh đầu tư, thì nhà đầu tư tổ chức rất thận trọng. Lượng mở mới tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tổ chức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

Theo Trần Thủy/Vietnamnet.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load