(Xây dựng) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định Ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội.
Công trình cao tầng khi xây dựng phải không làm gia tăng chất tải đối với hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khu vực và theo quy hoạch.
Quy chế này được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881 ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.
Việc quản lý, kiểm soát về quy hoạch, kiến trúc đối với các công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử, thành phố Hà Nội được thực hiện trên cơ sở đảm bảo đúng định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, quy định về hình thức, chi tiết kiến trúc của công trình cao tầng phải hiện đại, hài hòa với cảnh quan, kiến trúc khu vực, phù hợp với môi trường khí hậu. Vật liệu xây dựng cần có giải pháp ứng dụng các công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng hiện đại, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng; việc sử dụng vật liệu lớp vỏ công trình phải tuân thủ theo Quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.
Ngoài ra, chỉ tiêu sử dụng đất phải tuân thủ các quy định về khoảng lùi, mật độ xây dựng, dân số... theo quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành liên quan. Các yêu cầu về quy hoạch kiến trúc (khoảng lùi, diện tích không gian xanh...) tại các vị trí điểm nhấn đô thị; đảm bảo kết nối không gian thuận tiện và an toàn với các công trình giao thông ngầm, các công trình công cộng trên mặt đất, các công trình công cộng ngầm liền kề và kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm chung của đô thị.
Bố trí các không gian tiện ích công cộng, hạ tầng xã hội trong bản thân công trình để phục vụ dân cư khu vực; tạo không gian thoáng, thông tầng tại các tầng đế, kết nối không gian công cộng với không gian khu vực; không xây dựng rào chắn khuôn viên, đảm bảo sự liên kết giữa khuôn viên công trình với không gian công cộng đường phố.
Trường hợp công trình cao tầng nằm trên các đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị thì phải có đóng góp về không gian mở, cảnh quan chung của đô thị, tạo không gian mở, không gian phục vụ công cộng cho khu vực.
Bên cạnh đó, công trình cao tầng phải có lối tiếp cận thuận tiện cho người khuyết tật và bố trí các chỗ để xe riêng cho người khuyết tật. Khuyến khích dành quỹ đất của ô đất xây dựng công trình cao tầng để tăng các không gian mở, công viên cây xanh và công trình hạ tầng xã hội khác.
Phan Tuấn
Theo