Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp với tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị “Đánh giá hiện trạng và giải pháp tổng thể cấp nước nông thôn cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vùng ĐBSCL hiện có khoảng 13 triệu dân sống ở khu vực nông thôn. Trong những năm qua, với sự đầu tư từ Trung ương và địa phương, hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân, đến nay đã có 98% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 55% nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia; trong đó khoảng 8 triệu người (chiếm 61%) được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung, 5 triệu người (39%) sử dụng nước quy mô hộ gia đình,…
Thời gian gần đây, diễn biến thời tiết rất bất thường, cực đoan của khí hậu, nguồn nước, xâm nhập mặn trên diện rộng vùng ĐBSCL. Theo đó, mùa khô năm 2019 - 2020 có khoảng 96.000 hộ (tương đương 430.000 người dân) đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh.
Kênh khô cạn nước ở nhiều tỉnh ĐBSCL khiến việc sinh hoạt, đời sống, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ. |
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, giải pháp cấp nước cho vùng ĐBSCL là sẽ thực hiện các công trình có sự bàn bạc thống nhất giữa các tỉnh bằng việc nạo vét sông, kênh, rạch,...
Riêng nước sạch phục vụ người dân vùng nông thôn là nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước tập trung. Trước mắt, các tỉnh rà soát lập bản đồ dùng nước tại hộ gia đình, trong đó đưa ra nhu cầu dùng nước cụ thể như: nơi cấp nước tập trung, nơi không cấp nước tập trung…
Để giải quyết tốt nhu cầu dùng nước sinh hoạt cho 96.000 hộ trong 3 năm ở khu vực ĐBSCL, lãnh đạo Bộ NN&PTNT lưu ý các tỉnh tăng công suất các nhà máy nước tập trung để mở rộng đường ống dẫn nước; tăng cường khoan giếng theo hình thức tập trung tại những nơi không thể kéo nguồn nước đến; xây bể chứa nước tại hộ;...
Các địa phương cần có đánh giá đầy đủ, toàn diện về hiện trạng tình hình cấp nước nông thôn, đi kèm với những khó khăn, tồn tại và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới một cách căn cơ, bền vững và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. |
Ông Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho rằng nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt của hạn mặn năm nay là do lượng nước mưa ít, nước từ dòng Mekong đổ về yếu, nguồn nước ngọt không đủ cung cho cả sinh hoạt và sản xuất. Chưa kể, sự thiếu vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước; một phần chủ quan của chính quyền nhiều địa phương và người dân trong vấn đề trữ nước nước sinh hoạt ứng phó hạn hán, mặn xâm nhập.
Theo ông Quyết, để đạt được 100% hộ dân nông thôn có nước sinh hoạt theo quy chuẩn thì cần nguồn vốn rất lớn, trên 1.000 tỷ đồng đầu tư, xây dựng các hệ thống, công trình phục vụ và cung cấp nước. Vì thế, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Trung ương cần hỗ trợ 60% vốn, tỉnh đối ứng 40% vốn để đầu tư xây dựng các công trình chứa nước, ứng phó với hạn mặn.
Ông Quyết cũng đề nghị các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL bằng nhiều hình thức cả về vốn vay và trang thiết bị vật tư. Tổng cục Thủy lợi và các đơn vị trực thuộc Bộ tham mưu cho Bộ NN&PTNT chậm thực hiện việc cổ phần hóa tất cả các Trung tâm nước trong khu vực ĐBSCL.
Cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân Sóc Trăng. |
Nhiều đại biểu các địa phương cũng nhấn mạnh về giải pháp xây hồ chứa, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt,… kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; ổn định hoạt động của các Trung tâm nước sạch trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu giai đoạn và thực hiện vai trò an sinh xã hội, ứng phó thiên tai trong hoạt động cung cấp nước nông thôn…
Theo Cao Xuân Lương/Dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/xa-hoi/ban-giai-phap-cap-nuoc-sach-cho-vung-dbscl-20200528103033950.htm