Một vụ án về “tranh chấp lối đi chung” tưởng như rất đơn giản vậy mà đã kéo dài gần 7 năm, qua 4 lần xét xử - kể cả giám đốc thẩm. Án càng sửa… càng cho thấy có dấu hiệu thiếu khách quan và thiên lệch. Đồng thời, bị đơn đã gửi “Đơn kêu cứu khẩn cấp” đến nhiều cấp lãnh đạo và báo chí, cho rằng đã có sự “giả mạo chứng cứ” trong lần xét xử cấp sơ thẩm vòng 2. Xem ra, vụ kiện sẽ còn “nhiều tập” và chưa biết đâu là hồi kết!
Nhìn bề ngoài, căn nhà số 91 Lý Tự Trọng, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM khá đẹp và yên tĩnh nhưng bên trong ngôi nhà ấy chứa đựng quá nhiều chuyện phức tạp về “số phận pháp lý” của nó.
Ngược dòng thời gian, ngày 24/02/1973, Sở Thiết kế Sài Gòn cấp Giấy phép xây dựng số 83.TK/BT cho bà Phạm Thị Bênh và bà Phạm Thị Thái với quy mô 1 trệt + 2 lầu; chiều rộng 4,2m, chiều dài 21,85m, tổng diện tích sử dụng 282,8m2. Tháng 8/1986, bà Bênh và bà Thái bán toàn bộ tầng trệt cùng toàn bộ lầu 2 và sân thượng cho bà Trần Thị Kim Dung, họ chỉ giữ lại lầu 1 có diện tích 82,5m2 để sử dụng. Kể từ thời điểm này, chủ nhân đích thực từng tầng của ngôi nhà tiếp tục có sự thay đổi theo thời gian. Năm 1991, bà Trần Thị Kim Dung bán cho vợ chồng ông Trần Văn Bằng - Nguyễn Thị Lan toàn bộ tầng trệt + tầng 2 + sân thượng. Năm 2000, bà Lan và ông Bằng lại bán toàn bộ diện tích này cho vợ chồng ông Dương Sách Khang - Hà Thanh Yến. Ông Khang và bà Yến là chủ sở hữu hợp pháp từ đó cho đến nay. Tất cả các hợp đồng mua bán nói trên cùng với việc sang tên đổi chủ đều thực hiện đúng quy định của pháp luật. Về chủ sở hữu của lầu 1 diễn biến như sau: Ngày 25/01/2000, bà Phạm Thị Thái lập di chúc để lại 1/2 lầu 1 cho bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Ngày 18/4/2001, bà Thái qua đời, di chúc có hiệu lực pháp luật nên kể từ thời điểm này, bà Nguyệt được thừa kế di sản của bà Thái để lại. Đáng chú ý là, từ thời điểm 01/8/1986, khi việc mua bán được ký kết, thủ tục sang tên đổi chủ giữa bên bán là bà Bênh và bà Thái, bên mua là bà Trần Thị Kim Dung được hoàn tất thì quyền sử dụng chung về lối đi chính thức được thiết lập. Cụ thể, hợp đồng mua bán nhà được ký kết năm 1986 giữa bà Bênh, bà Thái (bên bán) và bà Dung (bên mua) có nội dung cam kết: “a/Gia đình người bán cho gia đình người mua được sử dụng cầu thang để lên lầu 2 và lầu 3; b/Gia đình người mua cho gia đình người bán được đi qua tầng trệt để lên lầu 1, c/Diện tích cầu thang sử dụng chung cho 2 hộ (bên mua và bên bán)”. Quyền sử dụng chung về lối đi này, trong tất cả các hợp đồng mua bán từ bà Dung bán cho bà Lan và ông Bằng, rồi từ bà Lan và ông Bằng bán tiếp cho ông Khang và bà Yến đều được ghi nhận thành một điều khoản cụ thể và rõ ràng.
Nhưng ở đời mấy ai đo lường hết chữ “ngờ”, nhất là sự chung đụng diễn ra trong một căn nhà vốn được thiết kế cho một gia đình nay phải chịu cảnh “chồng chung” giữa 2 hộ vào ra đụng chạm hàng ngày. Và khi “cơm không lành, canh không ngọt”, họ thưa nhau ra khu phố, rồi lên phường nhiều lần, nhưng mâu thuẫn giữa ông Khang và bà Nguyệt vẫn không được giải quyết rốt ráo. Vậy là họ kéo nhau ra tòa. Vụ kiện được TAND TP.HCM thụ lý lần đầu ngày 20/12/2004 (vì có yếu tố người nước ngoài với tư cách người có quyền lợi liên quan nên thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND TP), bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt đứng nguyên đơn, ông Dương Sách Khang là bị đơn. Hồ sơ vụ kiện cho thấy, bà Nguyệt thưa ông Khang gây khó khăn cho bà về giờ giấc đi về, hạn chế quyền sử dụng lối đi chung của bà nên bà yêu cầu ông Khang cho bà xây ngăn 1m bề ngang, dài 16,8m từ cửa mặt tiền đến chân cầu thang thuộc tầng trệt để làm lối đi lên cầu thang tầng 1. Trước tòa, ông Khang không chấp nhận yêu cầu này vì “toàn bộ tầng trệt tôi đã mua, đã sang tên hợp pháp nên tôi được toàn quyền sử dụng”. Ông Khang chỉ chấp nhận: “Tiếp tục duy trì và tạo điều kiện thuận lợi cho bà Nguyệt được sử dụng lối đi ở tầng trệt…”. Bản án sơ thẩm số 04/2006/DS-ST, ngày 03/01/2006 của TAND TP.HCM tuyên: “Bác một phần yêu cầu của bà Nguyệt…; ghi nhận sự tự nguyện của ông Khang và bà Yến tiếp tục duy trì và tạo điều kiện thuận lợi cho bà Nguyệt được sử dụng lối đi ở tầng trệt trong điều kiện bình thường từ 6h đến 23h và những trường hợp cần thiết, đột xuất, bất thường khi bà Nguyệt có yêu cầu chính đáng”.
Không đồng ý với án sơ thẩm, bà Nguyệt kháng cáo. Ngày 09/6/2006, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm vụ kiện. Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử tuyên: “Không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyệt và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm”. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, 2 bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm nói trên đã hạn chế về quyền năng sử dụng lối đi chung của bà Nguyệt trong một số thời gian nhất định - cụ thể là từ sau 23h đến gần 6h ngày hôm sau. Thêm nữa, việc hạn chế quyền đi lại bình thường của bà Nguyệt trong quãng thời gian nói trên là không phù hợp với cam kết được ghi nhận tại các hợp đồng mua bán nhà ở do các bên tự nguyện ký kết. Có lẽ nhận rõ sai phạm này từ 2 bản án đã tuyên nên ngày 02/6/2009, Chánh án TANDTC ký Quyết định kháng nghị số 233/KN-DS với nội dung: “Tạm đình chỉ thi hành bản án” và “Đề nghị hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án dân sự phúc thẩm và sơ thẩm…”. Bốn tháng sau, ngày 02/10/2009, dưới sự chủ tọa của ông Trương Hòa Bình - Chánh án TANDTC - Hội đồng giám đốc thẩm gồm 10 vị thẩm phán đã ra Quyết định giám đốc thẩm số 35/2009/GĐT-DS, tuyên: “Hủy bản án phúc thẩm số 214/2006/DSPT, ngày 09/6/2006 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM và bản án số 04/2006/DSST, ngày 03/01/2006 của TAND TP.HCM…; Giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lại vụ án”.
Vậy là, kể từ ngày vụ án được thụ lý (20/12/2004), vòng quay tố tụng vụ tranh chấp một lối đi đã đi qua một quãng thời gian gần 5 năm để rồi giờ đây, nó lại tiếp tục một vòng quay mới với những tình tiết đầy bất ngờ và bị đương sự tố cáo “sử dụng chứng cứ giả”!.
Kỳ sau: Những nghi vấn về một bản án bị lệch.
Thiên Diễn
Theo baoxaydung.com.vn