Thứ ba 19/03/2024 13:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bài toán phát triển công nghiệp vật liệu để ngành cơ khí bứt tốc

14:17 | 23/03/2023

Vật liệu đầu vào là một trong những điểm yếu của ngành cơ khí Việt Nam, nhất là khi các doanh nghiệp nội địa chưa thể sản xuất được những vật liệu chất lượng cao.

Theo tính toán, để hoàn thiện một chiếc ôtô cần có khoảng 30.000 chi tiết khác nhau, hầu hết chi tiết, linh kiện này đều là sản phẩm của ngành cơ khí. Tuy vậy, theo các chuyên gia, những chi tiết này không chỉ được làm bằng những vật liệu thông thường như thép, nhôm, inox, nhựa, đồng… mà còn có thép đặc biệt, inox có độ bền cao, nhựa siêu nhẹ.

Để phát triển ngành cơ khí, tự chủ được các nguồn nguyên liệu, vật liệu chất lượng cao là yếu tố quyết định. Thế nhưng, ngành cơ khí trong nước lại đang phải đau đầu giải các bài toán khó khi chưa thể tìm được các nguồn vật liệu phù hợp mà phải nhập khẩu. Chính vì vậy, để ngành cơ khí bứt tốc, tự chủ về vật liệu cũng là điều rất quan trọng.

Đầu vào cho nền công nghiệp hiện đại

Các ngành công nghiệp vật liệu có vai trò đặc biệt quan trọng với sản xuất, là điều kiện cần thiết để phát triển nền công nghiệp hiện đại, vì đây là yếu tố tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, là cơ sở phát triển cho nhiều ngành, nghề và sản phẩm mới. Theo đó, vật liệu công nghiệp là nguyên liệu đầu vào cho các thị trường sản xuất hàng hóa, đặc biệt là ngành công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, điện tử, hóa dẻo, công nghệ cao…

Tuy vậy, sản xuất vật liệu đang là một điểm nghẽn khi mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hàng tỷ USD vật liệu từ các nước về làm đầu vào cho ngành công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo. Điển hình như thép, Việt Nam vẫn chưa sản xuất được các loại thép hợp kim chất lượng cao, phục vụ cho các ngành như ôtô, xe máy, sản xuất máy móc, thiết bị, linh kiện điện thoại…

Trong báo cáo về “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", Bộ Công Thương đánh giá năng lực sản xuất thép của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa thể cung cấp đủ nhu cầu thép cho toàn bộ nền kinh tế.

Bài toán phát triển công nghiệp vật liệu để ngành cơ khí bứt tốc
Bộ Công Thương đánh giá năng lực sản xuất thép của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa thể cung cấp đủ nhu cầu thép cho toàn bộ nền kinh tế. Ảnh: Việt Linh.

Năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam được Bộ Công Thương nhìn nhận là khá thấp khi phần lớn các nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều nhà máy có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và có nguy cơ tác động đến môi trường.

Theo Bộ Công Thương, công nghiệp hoá trước hết được xác định bởi sự phát triển nhanh và bền vững của các ngành công nghiệp nền tảng, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ngành thép cung cấp nguyên vật liệu đầu vào quan trọng nhất cho các ngành sản xuất, chế tạo, đặc biệt là các ngành như cơ khí, công nghiệp đóng tàu, sản xuất ôtô xe máy, sản xuất đồ gia dụng, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp điện...

Vì thế, tự chủ về sản xuất thép trong nước là yêu cầu tất yếu của việc tự chủ nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, phát triển ngành công nghiệp cơ khí, tiêu dùng của người dân, cũng như quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá cơ sở vật chất quốc gia.

Tiềm năng của ngành công nghiệp vật liệu

Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng là nước có tiềm năng phát triển mạnh công nghiệp vật liệu. Việt Nam có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn sắt, trên 11 tỷ tấn tài nguyên bauxit - alumin nhôm (lớn thứ hai trên thế giới) để sản xuất hợp kim nhôm nhằm đáp ứng đủ cho nhu cầu của các ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, trữ lượng vonfram cũng đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc); công nghiệp vật liệu đồng cũng có sản lượng khoảng 30.000-40.000 tấn/năm; luyện thiếc đạt khoảng 3.000 tấn/năm; sản lượng chì kim loại thương phẩm 25.000 tấn/năm và kẽm kim loại thương phẩm 30.000 tấn/năm…

Sản xuất vật liệu công nghiệp có quy mô càng lớn thì giá thành càng rẻ, lợi nhuận và giá trị gia tăng càng cao. Do đó, nếu sản xuất với số lượng lớn, vật liệu đầu vào cho ngành công nghiệp cơ khí càng có lợi thế cạnh tranh. Điều này gián tiếp thúc đẩy ngành cơ khí phát triển, gia tăng năng lực cạnh tranh.

Để làm được điều này, cần lựa chọn được những lĩnh vực mà thị trường trong nước và quốc tế có nhu cầu lớn, sản phẩm kết tinh, chứa đựng hàm lượng khoa học - công nghệ cao. Khi đó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế nhanh chóng cho các nhà sản xuất trong nước và cung cấp các loại vật liệu công nghiệp cho cả các nhà sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Bài toán phát triển công nghiệp vật liệu để ngành cơ khí bứt tốc
Bài toán phát triển công nghiệp vật liệu để ngành cơ khí bứt tốc
Phát triển sản xuất vật liệu công nghiệp sẽ góp phần giảm mạnh nhập khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: Việt Linh.

Phát triển sản xuất vật liệu công nghiệp sẽ góp phần giảm mạnh nhập khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là biện pháp khắc phục được tình trạng xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô giá rẻ; qua đó sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao khả năng gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm nguồn lực cho đất nước cả trước mắt lẫn lâu dài.

Trong chiến lược phát triển công nghiệp của mình những năm 1970-1980, Hàn Quốc đã lựa chọn gang thép và ôtô là 2 ngành công nghiệp nền tảng, quan trọng bậc nhất để phát triển. Một ngành thuộc lĩnh vực vật liệu, một ngành thuộc lĩnh vực cơ khí, chế biến, chế tạo. Theo lý giải, quốc gia này lựa chọn sản xuất gang thép vì đây là nền tảng của toàn bộ ngành công nghiệp - sản xuất bất cứ sản phẩm nào cũng cần phải có sắt và hóa dầu. Còn với ngành ôtô, để làm ra chiếc ôtô cần tới khoảng 30.000 linh kiện, chi tiết, nên để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, vật tư linh kiện thì trước hết cần tập trung vào ôtô.

Đến nay, Hàn Quốc là một trong những quốc gia sản xuất ôtô hàng đầu thế giới và cũng là nơi xuất khẩu những loại vật liệu, linh kiện có chất lượng hàng đầu.

Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dù xuất phát điểm với nền công nghiệp nhỏ lẻ, lạc hậu và trình độ khoa học công nghệ thấp, đến nay, các sản phẩm của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn cao trong nước và quốc tế, có kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm. Tuy vậy, các sản phẩm thép ngày nay đòi hỏi chất lượng ngày càng cao và đa dạng chủng loại, do đó, cần nắm bắt kịp nhu cầu, hướng tới sản xuất phù hợp.

Ông đề xuất Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có cơ chế ưu tiên phát triển các cơ sở gia công, chế tạo chi tiết, cấu kiện, phụ tùng có sử dụng thép nội địa làm nguyên liệu cho các ngành, lĩnh vực khác.

Theo Trần Nguyễn - Ảnh: Việt Linh/Zingnews.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load