Khi cơn mưa đầu tuần khiến cả TP.HCM ngập chìm trong biển nước, dư luận lại một lần nữa đặt câu hỏi về các giải pháp chống ngập mà thành phố này đã triển khai suốt thời gian qua.
Thực ra, chuyện TP.HCM ngập nặng sau những cơn mưa lớn không phải quá lạ. Nhưng khi chứng kiến giao thông Sài Gòn dường như tê liệt sau cơn mưa chiều thứ Hai, khi hàng ngàn chiếc xe ngập chìm trong biển nước, khi hàng loạt chuyến bay phải tạm hoãn vì mưa quá lớn…, thì rõ ràng, TP.HCM đã thất bại trong chống ngập. Thậm chí, càng chống càng ngập, ngập do mưa lớn và ngập cả do triều cường. Ảnh hưởng đến đời sống dân sinh là một chuyện, tình trạng ngập lụt kéo dài còn tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Ngập nước, tắc đường, kẹt xe đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân Hà Nội, Sài Gòn khi vào mùa mưa bão
Có quá nhiều lý giải cho việc TP.HCM cứ mưa là ngập. Do quy hoạch, do tầm nhìn, do lấp sông lấp cống, do mật độ dân cư quá lớn... Đó là sự thật không phải bàn cãi. Cũng bởi hiểu được điều đó, nên thời gian qua, TP.HCM đã ra sức chống ngập. Chỉ có điều, vì không thành công, nên ngập vẫn hoàn ngập. Và giờ đây, Thành phố lại đang tiếp tục có các chương trình chống ngập mới được triển khai.
Mới đây thôi, Dự án “Giải quyết ngập do triều” giai đoạn I có vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng cùng Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố giai đoạn II, vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng đã và đang tiếp tục được triển khai, nhằm chống ngập cho Thành phố, cũng như giúp cải thiện môi trường.
Đặc biệt, sau cơn mưa vào các ngày 26/8 và 11/9, khiến một số khu vực sân đỗ máy bay ở Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bị ngập, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã yêu cầu bằng mọi cách chống ngập cho Tân Sơn Nhất. “Phải làm sao để giảm tối đa tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông, đem lại sự thuận tiện, an toàn cho người dân, du khách khi đến sân bay. Đừng để người dân phải xách va ly từ ngoài đường đi cả mấy km vào sân bay vì tắc đường, vì ngập”. Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.
Thậm chí, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khoá X, vừa diễn ra tại TP.HCM, Chương trình giảm ngập nước đã trở thành một đề mục chính của 7 chương trình đột phá của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020.
Chưa biết các đề án chống ngập đó sẽ đi tới đâu, giải quyết được bao nhiêu phần trăm tình trạng ngập úng ở TP.HCM mỗi khi mưa lớn và triều cường, chỉ biết rằng, người dân TP.HCM sau thời gian dài chờ đợi, dường như đang chấp nhận “sống chung” với ngập nước, với tắc đường trong sự mệt mỏi và thiếu tin tưởng vào các chương trình chống ngập của Thành phố.
Nhưng Sài Gòn không phải là ngoại lệ. Điệp khúc cứ mưa lớn là ngập cũng trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” ngay tại Thủ đô Hà Nội. Ngập nước, tắc đường, kẹt xe đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân Thủ đô khi vào mùa mưa bão.
Câu chuyện nằm ở chỗ, hàng ngàn, thậm chí là hàng chục ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước đã được cả hai thành phố lớn nhất cả nước chi ra để chống ngập, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó. Nguyên nhân là gì? Giải pháp thế nào? Chi tiền đầu tư như vậy có phải là một sự lãng phí và kém hiệu quả hay không? Cần làm gì để người dân không phải mãi chịu cảnh đường phố thành sông?...
Rất nhiều câu hỏi đang đặt ra và cần được trả lời thấu đáo, cũng như có giải pháp hiệu quả để triển khai trong thực tế. Người dân đang trông chờ điều đó, chứ không thể mãi chịu cảnh “thất thủ” trong cơn mưa được nữa!
Theo Thanh Hà/Báo Đầu tư
Theo