(Xây dựng) - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD quy định khá cụ thể về yêu cầu phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với quy hoạch, tuy nhiên trong Luật, Nghị định lại không đề cập đến PCCC trong các nguyên tắc lập, nội dung của đồ án Quy hoạch chung, phân khu, chi tiết, quy định quản lý và các nội dung liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị, không gian ngầm đô thị. Đây là một lỗ hổng pháp lý – cần luật hóa để yêu cầu các địa phương thực hiện công tác tích hợp PCCC vào trong đồ án quy hoạch.
Hệ thống hạ tầng giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại nhiều địa phương còn bất cập, hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH). |
Còn nhiều bất cập trong công tác PCCC
Qua Báo cáo của Công an Thành phố Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 30 khu đô thị (gồm 12 quận, 17 huyện và 01 thị xã), 08 khu công nghiệp và 01 khu công nghệ cao đã được lắp đặt hệ thống trụ nước chữa cháy đạt tỷ lệ 100% (hiện có 3.482 trụ nước chữa cháy trong khu đô thị và 722 trụ nước chữa cháy trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao), 16 bể nước chữa cháy (từ 50m3 trở lên), 11 hố thu nước chữa cháy của thành phố (chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành), bể nước của các cơ sở có 3.046 bể (khối tích trên 10 m3 trở lên), 3.493 nguồn nước tự nhiên như: Ao, hồ, sông, kênh, mương.
Theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013, điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 06/4/2021 thì tổng cộng trụ nước theo quy hoạch đến năm 2030 Thủ đô cần có 3.000 trụ nước chữa cháy. Thực tế hiện nay, Thủ đô đã cơ bản đáp ứng theo quy hoạch, hiện có 3.482 trụ nước chữa cháy. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng nguồn nước có một số khó khăn vướng mắc như sau:
Hiện nay trên địa bàn Thành phố có nhiều tuyến đường, phố có chiều rộng lớn, có giải phân cách cứng với mật độ người và phương tiện tham gia giao thông lớn đã lắp đặt trụ nước chữa cháy chỉ một bên đường hoặc hai bên đường nhưng không đảm bảo khoảng cách giữa các trụ nước chữa cháy, khi có cháy xảy ra đối với nhà dân, cơ quan, doanh nghiệp ở một trong hai bên đường này rất khó khăn cho việc khai thác và sử dụng nguồn nước chữa cháy.
Tại các khu vực đô thị cũ, khu vực đô thị mở rộng từ khu vực nông thôn tập trung... chưa được đầu tư trụ PCCC. Mặt khác giao thông phục vụ PCCC tại các khu vực này cũng chưa được đảm bảo. Việc thi công lắp đặt trụ cấp nước chữa cháy tại một số khu đô thị cũ, khu vực dân cư ngõ xóm rất khó khăn về mặt bằng thi công. Các ao, hồ phần lớn tận dụng mặt bằng sẵn có để lấy nước, chưa có mặt bằng, bến bãi lấy nước để đảm bảo tiếp cận các phương tiện PCCC.
Vẫn còn tình trạng mất cắp, làm hư hỏng các bộ phận của trụ nước chữa cháy (nắp bịt, ty trụ, ngoàm, khớp nối vòi), việc họp chợ, bày ván hàng hóa, để vật liệu, trông coi xe ... đã làm che chắn, gây khó khăn cho việc tiếp cận, lấy nước từ trụ nước chữa cháy.
Việc duy trì, xây dựng bể nước chữa cháy trong các khu tập thể, chung cư, khu dân cư cũ không thực hiện được; Vẫn còn có khu công nghiệp chưa lắp đặt đầy đủ các trụ nước chữa cháy và chưa đạt yêu cầu theo quy định.
Công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng, khai thác, sử dụng và đầu tư xây dựng các công trình cấp nước chữa cháy do nhiều đơn vị thực hiện dẫn tới bất cập trong công tác quản lý và vận hành hệ thống cấp nước PCCC.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch xây dựng liên quan đến phòng cháy chữa cháy vẫn còn những hạn chế cần điều chỉnh. Một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch cho rằng, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD quy định khá cụ thể về yêu cầu PCCC đối với quy hoạch, tuy nhiên trong Luật, Nghị định lại không đề cập đến PCCC trong các nguyên tắc lập, nội dung của đồ án Quy hoạch chung, phân khu, chi tiết, quy định quản lý và các nội dung liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị, không gian ngầm đô thị (Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009 và các Nghị định liên quan 37/2010/NĐ-CP; 44/2015/NĐ-CP). Đây là một lỗ hổng pháp lý – cần luật hóa để yêu cầu các địa phương thực hiện công tác tích hợp PCCC vào trong đồ án quy hoạch.
Đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết: Căn cứ quy định tại Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 (trước đó là Điều 15 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014) của Chính phủ, thì Đồ án quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị (các tài liệu và bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đối với khu công nghiệp quy mô trên 20 ha, tỷ lệ 1/500 đối với các trường hợp còn lại phải được Cơ quan Cảnh sát PCCC góp ý về giải pháp phòng cháy và chữa cháy bằng văn bản; cơ quan phê duyệt quy hoạch đối với đồ án quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị khi đã có văn bản góp ý về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC; Đồng thời, công trình hạ tầng của khu đô thị, khu công nghiệp phải được cơ quan Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) thẩm duyệt thiết kế về PCCC trước khi thi công xây dựng và kiểm tra kết quả nghiệm thu và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC trước khi đưa vào sử dụng. Theo thống kế, từ năm 2009 đến nay, cơ quan cảnh sát PCCC và CNCH đã thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với 01 công trình hạ tầng cấp nước chữa cháy trong khu công nghiệp, 703 công trình hạ tầng cấp nước đô thị; nghiệm thu về PCCC đối với 02 công trình hạ tầng cấp nước chữa cháy cho khu công nghiệp và 20 công trình hạ tầng cấp nước cho khu đô thị.
Những nội dung thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với hạ tầng khu đô thị được quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020, cụ thể như sau:
Địa điểm xây dựng công trình, cụm công trình, bố trí các khu đất, các lô nhà phải bảo đảm chống cháy lan, giảm đến tối thiểu tác hại của nhiệt, khói bụi, khí độc do đám cháy sinh ra đối với các khu vực dân cư và công trình xung quanh.
Hệ thống giao thông, khoảng trống phải đủ kích thước và tải trọng bảo đảm cho phương tiện chữa cháy cơ giới triển khai các hoạt động chữa cháy.
Phải có nguồn nước chữa cháy; hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp điện bảo đảm phục vụ các hoạt động chữa cháy, thông tin báo cháy.
Bố trí địa điểm xây dựng doanh trại cho đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phải theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về PCCC và CNCH
Tại Văn bản số 408/BC-CP của Chính phủ ngày 14/10/2021 gửi Quốc hội Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Chính phủ đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau:
Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về PCCC và CNCH, trọng tâm là hoàn thiện dự thảo một số dự án Luật có liên quan đến công tác PCCC và CNCH để trình Quốc hội xem xét thông qua. Ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC. Chỉ đạo các Bộ tiếp tục hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH. Rà soát, ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về PCCC và CNCH theo kế hoạch xây dựng trong giai đoạn 2020-2025.
Hoàn thành Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng bộ với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, bất cập về giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc…phục vụ công tác chữa cháy, CNCH. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC và CNCH, huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để đầu tư, xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, hóa chất phục vụ công tác PCCC và CNCH.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra về PCCC và CNCH, khắc phục các vi phạm, thiếu sót đối với công trình chưa bảo đảm an toàn PCCC. Trọng tâm là chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành Nghị quyết quy định việc xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực; ban hành quy định bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Rà soát, đánh giá, phân loại địa bàn trọng điểm, khu dân cư, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao cần phải tăng cường công tác quản lý về PCCC và CNCH để có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ. Chỉ đạo Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, xử lý các công trình đang tồn tại vi phạm pháp luật về PCCC.
Để khắc phục một số khó khăn, bất cập trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước, Đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) đề xuất một số giải pháp như sau:
Bộ Công an và Bộ Xây dựng đang phối hợp tổ chức tổng kết 12 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BXD-BCA hướng dẫn cấp nước PCCC tại đô thị và khu công nghiệp để ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BXD-BCA nhằm tháo gỡ những bất cập, hạn chế trong việc cấp nước chữa cháy.
Các cơ quan phê duyệt quy hoạch trước khi phê duyệt Đề án quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị phải có văn bản góp ý về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH để bảo đảm tính thống nhất giữa quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng giao thông, nguồn nước trong tổng thể quy hoạch đáp ứng yêu cầu PCCC.
Chủ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, khu công nghiệp phải tuân thủ quy định: Hạ tầng kỹ thuật về PCCC của khu đô thị, khu công nghiệp phải được cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH thẩm duyệt thiết kế trước khi thi công xây dựng và kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC trước khi đưa hạ tầng khu đô thị, khu công nghiệp vào sử dụng bảo đảm theo đúng quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020.
Đối với các khu dân cư, chung cư, khu tập thể cũ chưa bảo đảm về nguồn nước phục vụ chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực, cần thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực.
Chúng tôi cho rằng, các quy định về công tác PCCC đã được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm và ban hành nhiều văn bản quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, một số vấn đề về công tác PCCC cần phải được quy định trong Luật, Nghị định về trách nhiệm của Chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn, các cơ quan quản lý Nhà nước khi để xảy ra tình trạng cháy nổ.
Khánh Hòa
Theo