Chủ nhật 26/01/2025 22:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Giải pháp nào cho vấn đề thiếu nước sinh hoạt của Sa Pa?

Bài 2: Nhà máy nước Sa Pa vẫn đang phải... cầu mưa

15:10 | 30/05/2019

(Xây dựng) - Gần 1 tháng sau sự cố thiếu nước sạch sinh hoạt cho thị trấn Sa Pa trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Chi nhánh Nhà máy nước Sa Pa vẫn đang phải... cầu mưa.

 
Ông Nguyễn Đình Nhã - Giám đốc Nhà máy nước Sa Pa xem xét nguồn cấp nước từ hồ Thác Bạc.

Nhà máy nước cần… mưa

Đặt chân lên Sa Pa vào những ngày giữa tháng 5, ít người có thể tưởng tượng chỉ vài tuần trước, thị trấn nhỏ bé này đã khốn khổ như thế nào vì thiếu nước sinh hoạt.

Thông tin của Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai cho biết, cả thị trấn Sa Pa chỉ có một nhà máy nước công suất 6.000m3/ngđ cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 10.000 dân địa phương và hàng triệu khách du lịch mỗi năm.

Hiện tại, Nhà máy nước Sa Pa đang sử dụng 5 nguồn cấp nước chính từ hồ Thác Bạc, Nhà Pha, Cửa Rừng, Suối Hồ 1 và Suối Hồ 2. Nhưng vào cuối tháng trước, 4/5 nguồn cấp nước cho Nhà máy nước Sa Pa đã bị cạn kiệt. Nguồn cấp nước thô duy nhất cho nhà máy ở khu vực Suối Hồ 2 cũng bị người dân địa phương chặn lại để phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp.

Không còn cách nào khác, UBND huyện Sa Pa đã phải huy động khoảng 500 triệu đồng nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp của người dân và kịp thời khắc phục tình trạng thiếu nước của Sa Pa trước khi bước vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5.

Đáng chú ý, dù chỉ diễn ra trong vài ngày ngắn ngủi, nhưng tình trạng thiếu nước cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc làm ăn của nhiều cơ sở kinh doanh tại Sa Pa. Một số cơ sở đã phải tạm ngừng nhận khách vì không có đủ nước, trong khi một số khác phải cắn răng bỏ hàng chục triệu đồng mua nước sạch mỗi ngày vì đã lỡ nhận khách.

Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước của Sa Pa trong thời gian qua?

Ông Ngô Thanh Phương - Chủ tịch HĐQT Cty CP Cấp nước Lào Cai, đơn vị cấp nước cho thị trấn Sa Pa khẳng định, khi xây dựng nhà máy công suất 6.000m3/ngđ, Cty đã tính đến sự phát triển của Sa Pa để đảm bảo nguồn nước thô cho nhà máy tầm nhìn đến năm 2020. Việc Sa Pa thiếu nước gay gắt trong thời gian qua nằm ngoài dự kiến về nhu cầu dùng nước và khả năng đảm bảo cung cấp nước nguồn cho nhà máy.

“Trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là vào mùa khô trong khoảng từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 - 5 năm sau, tình trạng thiếu nước thô cung cấp cho Nhà máy nước sạch Sa Pa vẫn thường xảy ra, nhưng chưa bao giờ gay gắt và khô hạn như năm nay. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể kể đến như biến đổi khí hậu, và sự ấm lên của trái đất, thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa thấp. Tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở Sa Pa cũng dẫn đến nhu cầu dùng nước tăng đột biến, cao điểm vào các dịp nghỉ lễ. Bên cạnh đó, diện tích bao phủ rừng không tăng hoặc tăng không đáng kể, dẫn đến nguồn sinh thủy chính cho các nguồn nước của nhà máy cũng không tăng lên”, ông Phương cho hay.

Theo chân ông Nguyễn Đình Nhã - Giám đốc Nhà máy Nước Sa Pa, PV Báo Xây dựng đã có dịp đến thăm 5 nguồn cấp nước cho “Thành phố trong sương” sau gần 1 tháng kể từ ngày xảy ra sự cố thiếu nước. Trái ngược với hình ảnh hùng vĩ thường ngày, thắng cảnh Thác Bạc không còn thu hút khách du lịch vì dòng nước đã cạn khô, chỉ còn những dòng chảy rả rích không đủ làm ướt những tảng đá nằm rải rác từ đỉnh núi xuống chân núi.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các khu vực suối Nhà Pha, Cửa Rừng và Suối Hồ 1. Tất cả các nguồn nước đều cạn khô, trừ Suối Hồ 2. Mặc dù vậy, nguồn nước tại Suối Hồ 2 cũng đang dần cạn kiệt và chỉ còn đủ sức duy trì hoạt động của Nhà máy Nước Sa Pa trong một thời gian ngắn.

Do điều kiện địa hình đặc biệt mà Sa Pa không thể khai thác nguồn nước ngầm và chỉ có thể trông chờ vào các nguồn nước mặt. Chính vì vậy, Giám đốc Nguyễn Đình Nha có nói vui với PV Báo Xây dựng rằng, Nhà máy Nước Sa Pa vẫn đang cầu mưa để có nguồn nước sử dụng thoải mái.

Giải quyết vấn đề thiếu nước như thế nào?

Bàn luận về câu chuyện thiếu nước ở Sa Pa trong thời gian qua, TS Đào Trọng Tứ - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu nhận định, giải pháp cốt lõi để giải quyết vấn đề của Sa Pa là xây dựng nguồn cung cấp nước ổn định cho các nhà máy.

Năm nay, Nhà máy Nước Sa Pa đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để giải quyết vấn đề nguồn cấp nước thô. Nhưng trong tương lai, khi tình hình biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục diễn biến cực đoan và tốc độ đô thị hóa cũng như lượng khách du lịch của Sa Pa cũng không ngừng tăng lên, Cty CP Cấp nước Lào Cai sẽ có những biện pháp nào để đảm bảo nguồn cấp nước cho các nhà máy?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Thanh Phương cho biết: Song song với việc xây dựng các hồ chứa nước, Cty CP Cấp nước Lào Cai đã đề nghị UBND tỉnh Lào Cai và UBND huyện Sa Pa có chương trình bảo vệ rừng đầu nguồn nhằm tạo nguồn sinh thủy. Hiện tại, Cty đã xây dựng hồ chứa nước Thác Bạc trữ lượng 270 nghìn m3. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất giải pháp chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây hoa màu trên 60ha ruộng lúa tại thôn Suối Hồ 2 để tránh chia sẻ nguồn nước với sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Cty cũng đang nghiên cứu trữ lượng nước tại suối Mường Hoa để có phương án bơm cấp cho Nhà máy Nước Sa Pa. Căn cứ vào quy hoạch dân cư đô thị Sa Pa trong tương lai, chúng tôi sẽ tính đến phương án xây dựng hồ chứa nước đảm bảo cấp nước ổn định tránh sự tác động bất thường của biến đổi khí hậu.

Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Cồn Cỏ (Quảng Trị): Dấu ấn năm 2024

    (Xây dựng) - Đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, là địa danh nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ; là “vọng gác tiền tiêu” nơi cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ. Năm 2024, Cồn Cỏ diễn ra nhiều sự kiện, dấu ấn lịch sử khó quên.

  • Đề xuất cơ chế đặc biệt phát triển đường sắt đô thị ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035

    (Xây dựng) – Vừa qua, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035.

  • Hà Nội: Điều chỉnh tổ chức giao thông phục vụ Chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Thăng Long 2025”

    (Xây dựng) – Ngày 24/1, Sở Giao thông vận tải có Thông báo số 158/TB-SGTVT về việc điều chỉnh tổ chức giao thông phục vụ tổ chức Chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Thăng Long 2025”, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

  • Giải bài toán sắm Tết thảnh thơi, vui xuân an nhàn cho các gia đình hiện đại

    (Xây dựng) - “Dẹp gánh” lo âu đặt đơn online hỏa tốc mà không có người giao hàng hay dành nhiều tiếng đồng hồ để vừa “chống chọi” với tắc đường vừa sắm Tết, những ngày này, các TTTM quy tụ hàng trăm thương hiệu uy tín từ thời trang, gia dụng đến quà bánh Tết được xem là ưu tiên hàng đầu, giúp các gia đình giải bài toán sắm Tết thảnh thơi với đa dạng trải nghiệm và không khí xuân ngập tràn.

  • Trần Vũ Bình – Quá nửa đời tận tụy với di sản Biệt động Sài Gòn

    (Xây dựng) - Nếu như thời chiến tranh, đội quân “Biệt động Sài Gòn” khiến cho kẻ thù chỉ vừa nghe tên thôi đã khiếp sợ, thì trong thời bình một con người thầm lặng, bình dị mang tên Trần Vũ Bình lại khiến cho bao nhiêu người phải “ngả mũ” cảm phục bởi sự nhẫn nại, hy sinh, dành trọn tâm huyết, tuổi trẻ để gìn giữ cho muôn đời sau chuỗi di sản vô cùng quý giá và không kém phần đặc biệt, gắn liền với những chiến tích hào hùng của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn năm ấy.

  • Nho Quan (Ninh Bình): Đạt kết quả trong đầu tư, xây dựng

    (Xây dựng) - Năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng huyện Nho Quan (Ninh Bình) đạt kết quả tích cực trong công tác đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 10/10 chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load