Bài 1: Hỗn độn “đại công trường” lò gạch
Việc xóa bỏ lò gạch thủ công ở Hưng Hà nói riêng và ở Thái Bình nói chung hiện gặp nhiều khó khăn, từ ý thức của người dân, cũng như những khó khăn trong việc triển khai hoạt động mang tính chất cưỡng chế của chính quyền địa phương.
Việc xóa bỏ lò gạch thủ công là một thách thức lớn đối với tỉnh Thái Bình.
"Chúng tôi lơ đi là họ đốt"
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Minh Chính - Trưởng phòng Công Thương huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết: "Hưng Hà đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu các chủ lò dừng sản xuất gạch thủ công, ngừng đốt. Do đó, hầu hết các lò đã ngừng đốt, song chưa bị tháo dỡ. Chính những lò không bị tháo dỡ này, chúng tôi mà lơ đi một chút, chủ lò lại tiến hành đốt".
Theo ông Chính, việc tổ chức tháo dỡ lò gạch thủ công (trong đó nhiều lò ống đứng cao vài ba chục mét) là khá tốn kém và không hề đơn giản. Vì bản thân chủ lò không tự giác phá dỡ tài sản của mình, trong khi chính quyền thì không đủ lực lượng cũng như kinh phí để tổ chức thực hiện. "Các bác yêu cầu dừng đốt gạch thì chúng tôi dừng, nhưng việc tháo dỡ thì chúng tôi không làm được. Nếu muốn phá dỡ, thì các bác tự tiến hành nấy", ông Chính nhắc lại lời một chủ lò gạch khi ông cùng đoàn kiểm tra của huyện Hưng Hà đi đốc thúc việc xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện.
Hiện nay, chi phí tháo dỡ lò gạch thủ công ống đứng, tính trung bình cũng vào khoảng 10 - 15 triệu đ/lò. Việc tháo dỡ khó tiến hành bằng thủ công, mà cần có sự can thiệp của máy móc. Đối với các chủ lò, việc tự mình bỏ tiền để phá huỷ tài sản đầu tư hàng trăm triệu đồng, dường như là điều khó xảy ra. Hơn nữa, nếu phá huỷ, đồng nghĩa họ mất nguồn thu nhập chính. Trong khi đó, còn lò, họ còn lợi dụng lúc "tranh tối tranh sáng" đốt trộm lò nào "bỏ túi" lò đó. Và đó cũng là nguyên do hiện vẫn còn những lò gạch ở xã Đoan Hùng nhả khói.
Trong báo cáo gửi Sở Xây dựng Thái Bình ngày 28/11/2011, UBND huyện Hưng Hà đã nghiêm túc nêu lên một trong những nguyên nhân tồn tại cơ bản của tình trạng đun, đốt gạch thủ công tràn lan trên địa bàn huyện, đó là: "Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số cơ sở chưa kiên quyết và không liên tục. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện (giải tỏa lò gạch thủ công - PV) chưa được giải quyết triệt để, thiếu cương quyết, ngại va chạm và trông chờ, ỷ lại cấp trên".
Cũng chính vì tồn tại đó mà mới đây UBND huyện Hưng Hà đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt do 2 Phó chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc xóa bỏ lò gạch thủ công, đặc biệt đối với 2 xã trọng điểm là Tân Tiến và Đoan Hùng. Huyện hạ quyết tâm đến 31/12/2011 sẽ chấm dứt toàn bộ hiện tượng đốt gạch thủ công trên địa bàn huyện. Sau thời gian này, khả năng cưỡng chế tổng thể sẽ được thực hiện.
Cần sự vào cuộc của tất cả các ngành
Thời hạn của Chính phủ, Bộ xây dựng, tỉnh Thái Bình đã hết, nhưng hiện nay trên toàn tỉnh Thái Bình vẫn còn 465 lò gạch thủ công đang tồn tại (con số này năm 2010 là 757 lò). Việc hình thành nhiều lò gạch thủ công ở Thái Bình xuất phát từ nhu cầu xây dựng kiến thiết của người dân địa phương và của cả những tỉnh thành lân cận từ cuối những năm 1990, và đặc biệt bùng phát vào những năm 2006 - 2008. Thời điểm này, giá cả VLXD leo thang, giá gạch tuynel tăng đến 100%. Do đó, người dân đã tiến hành đốt gạch thủ công tràn lan, như một trong những nghề mang lợi ích kinh tế nhãn tiền.
Các lò gạch thủ công ở Thái Bình đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động và không tuân thủ theo bất kỳ quy định nào về sản xuất gạch đất sét nung nên đã gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân. "Thái Bình không có mỏ đất sét, nên đất bãi ven sông, đất ruộng bị người dân triệt để đưa vào sản xuất gạch thủ công. Do đó, nó đã phá vỡ mặt bằng canh tác nông nghiệp, ảnh hưởng xấu đến năng suất cây trồng, hoa màu. Mặt khác, việc sản xuất gạch thủ công còn gây lãng phí đến tài nguyên đất, vi phạm nghiêm trọng đến Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường và Luật Bảo vệ đê điều...", ông Phạm Văn Hiền - Phó giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình phân tích.
Đến nay, toàn tỉnh Thái Bình chưa có một địa phương nào thành công trong việc tổ chức cưỡng chế phá bỏ lò gạch thủ công, nên theo ông Phó giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình, việc tiến hành xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh cần có sự tham gia thực hiện nghiêm túc và đồng bộ của nhiều ban ngành, chứ không chỉ là nhiệm vụ của riêng Sở Xây dựng và chính quyền địa phương như hiện nay. Bởi việc sản xuất gạch thủ công liên quan đến việc sử dụng tài nguyên đất, thuộc lĩnh vực quản lý của Sở TN&MT hoặc như tiến hành kiểm tra việc đăng ký SXKD theo Luật Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý của Sở KH&ĐT, và các lĩnh vực khác như thuế tài nguyên (sử dụng đất), thuế bảo vệ môi trường... liên quan đến ngành thuế.
Đã quá hạn một năm so với thời hạn cuối cùng mà Thủ tướng Chính phủ đề ra trong Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg cũng như chỉ đạo của Bộ Xây dựng trong Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD, song việc xóa bỏ lò gạch thủ công ở Thái Bình dường như còn rất nhiều cái "khó" và cũng khó hoàn thành trong năm 2011 này. Và "cuộc chiến" xóa lò gạch thủ công ở quê lúa, vẫn bỏ ngỏ hồi kết.
Trần Triều Phong
Theo baoxaydung.com.vn