(Xây dựng) - Cùng trên vùng hải đảo Đông Bắc bộ, nơi hoạt động kinh tế du lịch sầm uất, đảo Cô Tô cầu cảng sập xệ, lớp bê tông bong tróc trơ những thanh sắt hoen rỉ, nom như bến chợ để ngư dân thu mua cá lạp xạp làm mắm; thì ở đảo Ngọc Vừng lại có một bến cảng quy mô lớn, đầu tư hàng trăm tỷ đồng “vô chủ” bỏ hoang đã gần 20 năm nay.
Cảng tàu du lịch Ngọc Vừng đầu tư xây dựng theo Quyết định số 2990/QĐ-UB ngày 26/8/2004 của UBND tỉnh Quảng Ninh. |
Cụ thể, cách đây trên 19 năm, ngày 20/5/2004 Sở Du lịch Quảng Ninh có Tờ trình số 211/TT-LD, trình UBND tỉnh Quảng Ninh, xin chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng Cảng tàu du lịch đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn. Ngày 01/6/2004, UBND tỉnh có Công văn số 1086/UB đồng ý về chủ trương để Sở Du lịch lập dự án đầu tư xây dựng Cảng tàu du lịch đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn nhằm góp phần phát triển tiềm năng du lịch trên đảo Ngọc Vừng. Công trình đầu tư công, bằng nguồn ngân sách phát triển hạ tầng du lịch Quốc gia.
Ngày 26/8/2004, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 2990/QĐ-UB phê duyệt dự án đầu tư giai đoại II đường và cảng tàu du lịch đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn gồm: Nối tiếp tuyến đường giai đoạn I tại Cống Yên, điểm cuối tuyến cảng tàu du lịch mới tại thôn Ngọc Nam. Chiều dài đường tuyến Lt2 =940m. Quy mô theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi. Bề rộng mặt đường Bn=9m, bề rộng mặt đường Bm=6m; kết cấu áo đường cứng, mặt đường đổ bê tông xi măng, trọng tải thông qua tuyến đường H13-X60, hệ thống tiêu thoát nước đồng bộ.
Bến cập tàu, chiều dài bến Lb =52m, đảm bảo cho 2 tàu cao tốc cỡ 250-300 ghế ngồi cập cầu cảng cùng một lúc. Cao trình đỉnh bến và đáy bến, đảm bảo cho tàu có mớn nước trên dưới 2,5m cập cảng thuận lợi an toàn, đảm bảo theo quy định bến cảng nội địa tiêu chuẩn Việt Nam.
Vùng nước trước bến rộng 6ha, nước sâu lặng sóng, đảm bảo cho các tàu du lịch neo đậu thuận tiện, trật tự, an toàn, văn minh. Đường dẫn ra bến Ldd =77,5m, bề rộng mặt đường Bm=9m, kết cấu mặt đường cứng bằng bê tông xi măng. Người và phương tiện lưu thông trên mặt bến thuận lợi, an toàn… còn có khoảng trống để bốc dỡ hàng hóa rời, hàng đóng bao kiện.
Các công trình phụ trợ gồm: Nhà điều hành bến, diện tích sàn Ss=260m2, kết cấu bê tông cột thép-gạch đá xây; Nhà chờ khách du lịch 1 tầng, diện tích Ss2= 150m2, kết cấu bê tông cột thép-gạch đá xây; tolet công cộng xây dựng kiểu cách khang trang; giếng khoan nước và bể chứa nước ngọt đủ nguồn nước sinh hoạt cho du khách và người phục vụ trên mặt bến. Cảng này còn có các hạng mục xây dựng đồng bộ như: Hệ thống điện chiếu sáng, tường bao rào che, phòng bảo vệ rộng 12m2; bãi đỗ ôtô rộng rãi, sân vườn tiểu cảnh khang trang, đẹp mắt. Tổng mức đầu tư công trình là 12 tỷ 4 trăm triệu đồng (thời giá năm 2000).
Dự án đầu tư giai đoại II cảng tàu du lịch đảo Ngọc Vừng, công khai mời thầu. Đơn vị trúng thầu là Công ty xây dựng 319, Bộ Quốc phòng với giá trúng thầu là 10.688.967.000 đồng. Thời gian thi công là 285 ngày, kể từ khi ban hành quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu này vào ngày 09/6/2005 (tức là công trình hoàn thành vào khoảng tháng 3/2006).
Nhưng không hiểu sao, từ khi xây dựng xong công trình không thành lập Ban quản lý do Sở, ngành nào đó chủ quản, hoặc giao cho địa phương quản lý sử dụng, mà để phong sương từ đó đến nay, mưa nắng mỏi mòn, nhà cửa công trình xây dựng hoang phế, cầu cảng trơ trọi không người quản lý. Trong khi đó, xã đảo Ngọc Vừng rất cần một bến cảng phục vụ nhân dân hải đảo và khách du lịch; riêng 6 tháng đầu năm nay Ngọc Vừng đã đón gần 6.000 lượt du khách thập phương đến thăm đảo. Mới đây huyện phải đầu tư gần 6 tỷ đồng để xây dựng, khôi phục lại bến tàu cũ, một bến tàu quân sự xây dựng từ hồi kháng chiến chống Mỹ. Trong khi bến tàu mới, xây dựng quy mô mới, đầu tư theo thời giá vật liệu và nhân công hiện hành… phải tốn hàng trăm tỷ đồng lại bỏ hoang, thực mục xót xa?
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã gặp lãnh đạo huyện Vân Đồn để phản ánh thông tin này. Một lãnh đạo chủ chốt của huyện chia sẻ, huyện rất cần được tiếp quản công trình xây dựng này; và tỉnh cũng đã từng gợi ý bàn giao lại cho huyện khai thác sử dụng. Nhưng chỉ là “khẩu dụ”, không có pháp nhân nào đứng ra bàn giao, không có văn tự bàn giao cụ thể về khối lượng công trình và giá trị còn lại thì huyện không thể nhận “vo” một khối lượng tài sản đầu tư công lớn mà không có nguồn gốc, hồ sơ đánh giá tài sản cụ thể.
Các Sở Giao thông-Vận tải, Du Lịch, Văn hóa-Thông tin mà chúng tôi đến tìm hiểu cũng cho biết, trải qua nhiều năm, nhiều lần tách nhập Sở và nhiều thay đổi thế hệ cán bộ chức trách, có thể hồ sơ thất lạc, mất mát, nay không rõ Sở nào chủ quản. UBND xã Ngọc Vừng, UBND huyện Vân Đồn cũng không quản lý hồ sơ, bởi khi ấy Dự án của tỉnh, chưa có sự phối hợp quản lý đất đai xây dựng trên địa bàn như bây giờ, nên công trình tội nghiệp bị “vô chủ” bỏ hoang.
Nhìn bến cảng công trình bỏ hoang lãng phí, khi vùng hải đảo Đông Bắc bộ (Quảng Ninh) nhiều xã đảo cầu tàu-bến cảng còn thiếu, chưa được đầu tư xây dựng như: Bến cảng Cô Tô, một năm đón 22 vạn lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Thì bến cảng “vô chủ” bỏ hoang gần 20 năm nay tại thôn Ngọc Nam, xã đảo Ngọc Vừng, đang như cái gai cắm vào cơ thể, nhưng nhổ đi không được, để vậy thì đau…!
Cận cảnh, bến cảng “vô chủ” bỏ hoang gần hai thập kỷ trên đảo Ngọc Vừng:
Bến cập tàu đáy nước sâu, chiều dài bến 52m, đảm bảo cho 2 tàu cao tốc cập cảng neo đậu cùng một lúc.
Nhà điều hành bến công trình 2 tầng lầu diện tích sàn 260m2, từ khi xây dựng xong không thấy ai đến đây làm việc.
Nhà chờ khách bỏ hoang hư hỏng, nguy hiểm như chiếc “bẫy” người.
Khu vệ sinh công cộng kiến trúc kiểu cách, thiết bị vệ sinh tiên tiến, cảnh quan môi trường.
Du khách phơi nắng, đội mưa giữa trời mà nhà chờ bỏ hoang.
Vũ Phong Cầm
Theo