Thứ hai 09/09/2024 15:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Lựa chọn đăng cai ASIAD 18 mang tầm vóc thời đại:

Bài 1: Sự kiện nâng tầm đất nước

22:19 | 06/04/2014

(Xây dựng) - Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) được tổ chức 4 năm một lần với sự tham gia của các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực và được coi là sự kiện thể thao lớn thứ hai thế giới, sau Thế vận hội Olympic.


Nước chủ nhà Việt Nam đủ tiềm lực để tổ chức thành công Asiad 2019

Đăng cai tổ chức ASIAD là vinh dự lớn lao, không phải quốc nào cũng có cơ hội. Với chủ trương đúng đắn, bước đi bài bản của ngành thể thao nước nhà cùng với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Việt Nam đã thành công trong việc đăng cai ngày hội trọng đại ấy. Đăng cai tổ chức ASIAD 18 là một lựa chọn mang tầm vóc thời đại, hứa hẹn mang lại cho Việt Nam những thành công không thể định lượng bằng tiền.

Sự kiện nâng tầm đất nước

Trong thời đại xã hội hóa toàn cầu, thể thao là chiếc cầu nối quan trọng để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước đến với bè bạn 5 châu. Việt Nam đã có những vận động viên đạt trình độ quốc tế, đẳng cấp châu lục và là một trong những cường quốc thể thao của khu vực Đông Nam Á, vì vậy việc dành được quyền đăng cai tổ chức đại hội thể thao châu Á không chỉ tạo động lực phát triển ngành thể thao trong nước mà còn giúp nâng tầm hình ảnh, vị thế  Việt Nam trên không chỉ ở châu Á mà còn với cả thế giới.

Chiến thắng của uy tín

Trước tiên phải nói rằng, Việt Nam dành được quyền đăng cai ASIAD 18 là nhờ vào uy tín đất nước đã tạo dựng được trong suốt những năm qua và trong cả quá trình vận động đăng cai.

Để giành quyền tổ chức ASIAD 18, từ năm 2011 Tổng cục Thể dục Thể thao, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã xây dựng Đề án đăng ngày hội thể thao trọng đại này. Tham gia cuộc đua, ngoài Việt Nam còn có Indonesia và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, do những bất ổn về kinh tế, chính trị cũng như khu vực Trung Đông trong giai đoạn này tiềm ẩn nhiều biến động, nên UAE đã xin rút lui.

Vòng cuối cùng, tuy chỉ còn 2 nước là Việt Nam và Indonesia tranh đua quyền đăng cai, tuy nhiên chiến thắng trong đợt bỏ phiếu quyết định là không đơn giản. Ngoài thế mạnh là một đất nước có thực lực kinh tế tốt, Indonesia còn có lợi thế là nước đã từng tổ chức thành công một kỳ ASIAD trước đó, vào năm 1962 cùng với sự vận động hành lang nghiêm túc cho chức chủ nhà của kỳ đại hội thể thao châu lục sẽ diễn ra vào năm 2019.

Tuy nhiên, Việt Nam đã chiến thắng thuyết phục sau vòng bỏ phiếu quyết định này với số lượng phiếu bầu nhiều hơn gấp 2 lần so với nước bạn (29 so với 14). Bởi ngoài những yếu tố về cơ sở vật chất, năng lực lãnh đạo, kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao lớn, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có sự đảm bảo về an ninh tốt nhất thế giới với Hà Nội là Thủ đô hòa bình của nhân loại, một đất nước với nền văn hóa phong phú, đa dạng, nơi có những địa danh du lịch tầm vóc thế giới...

Cụ thể hóa lựa chọn này, Hội đồng Olympic châu Á đã ký hợp đồng thành phố đăng cai với Ủy ban Olympic Việt Nam (Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam) và TP Hà Nội (Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc). Đây là lần đầu tiên Việt Nam được quyền đăng cai một kỳ ASIAD.

Niềm tin chấn hưng dân tộc

Việt Nam là một đất nước có bề dày lịch sử, có truyền thống văn hóa lâu đời và là một quốc gia ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Tổ chức ASIAD là cơ hội hiếm hoi để chúng ta khẳng định hơn nữa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên châu lục.

Thể thao là ngành đặc biệt cần đến những phong trào, sự kiện để tạo sự hưởng ứng rộng khắp của các tầng lớp người dân. Tổ chức đại hội là cơ hội để huy động tiềm năng đất nước một cách tổng lực, nâng cao vị thế của đất nước, giúp phát triển, thu hút đầu tư, du lịch, quảng bá về nhiều mặt như kinh tế, xã hội.

Tổ chức Đại hội tại Việt Nam, người dân trong nước sẽ có cơ hội nhiều hơn để hưởng thụ về mặt tinh thần, chứng kiến các CĐV ưu tú nhất của các quốc gia châu Á về tranh tài. Niềm tự tôn dân tộc, về quê hương đất nước cũng như về truyền thống lịch sử dân tộc theo đó mà lớn lên. Sẽ là thành tựu lớn lao khi ASIAD tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong phong trào rèn luyện thể thao ở các đơn vị, các địa phương. Đó cũng chính là "Dân cường, nước thịnh" - Điều mà sinh thời, Bác Hồ luôn ao ước và mong mỏi ở các thế hệ sau.

Ông Wei Ji Zhong, Phó Chủ tịch danh dự Hội đồng Olympic châu Á (OCA) cho rằng: Nếu việc đăng cai ASIAD đã được người dân đồng tình, ủng hộ thì bất kỳ chính sách phát triển gì sau đó do Chính phủ đưa ra cũng tạo được uy tín. Chính vì vậy,  chính phủ nên nắm lấy cơ hội đăng cai ASIAD để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác trong đời sống của đất nước.

Cũng chính vì thế mà GS.TS Dương Nghiệp Chí - người rất tâm huyết với nền thể thao nước nhà đã bày tỏ rằng, chúng ta nên dùng việc tổ chức Asian Games để chấn hưng tinh thần dân tộc nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là đến năm 2020, đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp, như mục tiêu mà Đảng đã đề ra.

Bảo Tường - Trần Đình Hà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load