Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đang tiến hành điều chỉnh theo nhiệm vụ được phê duyệt tháng 11/2012. Điều đó phù hợp với xu thế tất yếu của quá trình đô thị hóa, là quá trình phát triển của hệ thống đô thị có mối quan hệ mật thiết trong một không gian vùng và cả nước. Trong mối quan hệ đó, sự phân công để từng tỉnh phát huy thế mạnh là một việc hết sức quan trọng. Là một tỉnh trong vùng, mô hình phát triển và những điểm nhấn liên kết là những vấn đề mà Bắc Ninh cần phải đặt ra.
Trước hết, theo chiều thuận, mô hình phát triển của từng tỉnh phụ thuộc vào việc chọn mô hình phát triển của vùng. Tuy vậy, từ thực tế phát triển của từng địa phương có thể xem xét theo chiều ngược lại sao cho có được một kịch bản tối ưu nhất. Theo một cách khác, quy luật phát triển đô thị phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế và ngược lại. Từ luận điểm này, tôi rất tâm đắc với đề xuất của PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, về “Mô hình không gian lai ghép”. Theo đó, hình thành vùng đô thị trung tâm gồm Hà Nội - Bắc Ninh - Vĩnh Phúc tạo thành tam giác tăng trưởng kinh tế với quy mô 10 - 15 triệu dân; các hành lang hướng tâm (hình sao) gồm Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang. Với mô hình này, Bắc Ninh không là đô thị vệ tinh của Hà Nội như một số quan điểm trước đây mà sẽ là một đô thị đối trọng, phát triển bình đẳng theo sự phân công vùng, chia sẻ với Hà Nội những áp lực về dân số, giao thông, môi trường,… đồng thời phát huy thế mạnh để cộng lực với Thủ đô và các tỉnh xung quanh về công nghiệp, dịch vụ v.v...
Ông Cao Văn Hà |
Như vậy có thể thấy, trong vùng Thủ đô, Bắc Ninh sẽ là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ. Với tỷ trọng kinh tế công nghiệp hơn 77%, Bắc Ninh đang gần tới đích là một tỉnh công nghiệp. Hướng tới đô thị sinh thái, tỉnh cần lựa chọn công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ và mô hình các khu công nghiệp tập trung – đô thị, loại bỏ và chuyển đổi dần các cụm công nghiệp vừa và nhỏ không thân thiện với môi trường.
Công nghiệp thì đã rõ, nhưng về dịch vụ, bằng những phân tích khoa học, chúng tôi đã có ý kiến tham gia Quy hoạch vùng Thủ đô, rằng Bắc Ninh không thể chỉ là một tỉnh công nghiệp như bản phác thảo mà hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một khu vực dịch vụ phát triển năng động. Với truyền thống văn hiến và khoa bảng đặc sắc vào bậc nhất, lại liền kề với Hà Nội, phát triển dịch vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sẽ là phương án tối ưu trong bất kỳ kịnh bản phát triển nào. “Đi tắt đón đầu”, Bắc Ninh đã chủ động quy hoạch hai KĐT đại học với hơn 1.000ha, và đến nay đã có 19 trường đại học, trong đó có nhiều trường đại học lớn của quốc gia đang tiến hành chuẩn bị đầu tư.
Loại hình dịch vụ thứ hai là du lịch văn hóa cũng là một thế mạnh. Với bảy đặc trưng văn hóa đặc sắc (Văn hóa lịch sử - Cách mạng, tâm linh, quan họ, khoa bảng, làng nghề, lễ hội, kiến trúc) và những chữ "Tổ" gắn với những di tích lịch sử hết sức độc đáo (Thủy Tổ Việt Nam và di tích Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương; Tổ phát tích phật giáo vào Việt Nam và di tích Chùa Dâu, Nam giao học Tổ và di tích Lăng và đền thờ Sĩ Nhiếp, Tổ quân khí và di tích Lăng và đền thờ Cao Lỗ Vương; Lý Thái Tổ và Đền Đô - Khu Lăng Sơn cấm địa nhà Lý, Thủy Tổ Quan họ và Khu di tích làng Diềm…) cùng với hơn 1.300 di tích lịch sử, trong đó gần 500 di tích được xếp hạng, Bắc Ninh xứng đáng được quy hoạch để đầu tư và thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Nhằm khai thác thế mạnh đó, Quy hoạch vùng tỉnh và Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh cũng xác định 3 trọng điểm du lịch là: Bắc Ninh - Từ Sơn; Thuận Thành, Gia Bình và dải xanh sông Đuống, sông Cầu. Các cụm di tích đều đã được lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, theo đó vừa có thái độ bảo tồn, tôn tạo các di tích, vừa định hướng phát huy giá trị di tích, đồng thời tạo ra các không gian lễ hội, mua sắm, trong đó xác định các không gian thu hút đầu tư một số khu vui chơi giải trí tầm cỡ kết hợp với du lịch sinh thái và y tế - nghỉ dưỡng. Loại hình dịch vụ thứ ba cũng đang được tính đến là dịch vụ trung chuyển hàng hóa (Lôgicstic).
Là nơi giao nhau của hai hành lang kinh tế Bắc Nam - Đông Tây với QL1, QL18, QL3, vành đai 4 của Hà Nội và cự lỵ gần với các trung tâm lớn, các cảng hàng không và cảng biển quốc tế, Bắc Ninh đã chủ động dự trữ quỹ đất để quy hoạch cảng nội địa với quy mô vùng, có tính khả thi cao trong trung hạn và dài hạn.
Vấn đề thứ hai cần đặt ra với Bắc Ninh là sự chia sẻ áp lực về dân số cho Hà Nội. Điều này phù hợp với nhu cầu “giãn dân số” của Hà Nội và nhu cầu cần “nén” ở khu vực trung tâm của Bắc Ninh. Bắc Ninh đang thiếu quy mô và mật độ dân số, đó là một điểm yếu cho việc phát triển dịch vụ. Xét về quy luật phát triển đô thị người ta hay chọn mô hình “đô thị nén” là vì thế. Tuy nhiên, mức độ nén thế nào là điều phải tính toán để vẫn đảm bảo là một đô thị có môi trường sống tốt, tránh được những vấn nạn về môi trường, về tắc nghẽn giao thông và sự tranh chấp về không gian sống... Điều này đặt ra cho Bắc Ninh phải quy hoạch các khu đô thị cao tầng kết hợp hài hòa với các khu trung tầng và thấp tầng, quy hoạch các không gian sinh thái theo phương châm bảo tồn, phát huy các triền sông, núi sót và hệ thống cây xanh, mặt nước nông nghiệp ở vùng ngoại vi, trong đó đặc biệt chú ý đến mô hình không gian ”trong nội có ngoại, trong ngoại có nội" như quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy về quy hoạch đô thị.
Vấn đề thứ ba, là hệ quả của hai vấn đề trên, Bắc Ninh rất phù hợp để quy hoạch thành một trung tâm tổ chức các sự kiện quốc gia và quốc tế như: Hội thảo, hội nghị, quảng bá - triển lãm, du lịch - lễ hội, thể dục - thể thao v.v..
Từ những vấn đề trên, một số nhóm dự án quan trọng cấp vùng Thủ đô cần đề xuất và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên theo hai giai đoạn (đến năm 2020 và sau năm 2020) bao gồm: Đường trục chính liên đô thị 295C và đường sắt cao tốc đô thị Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang (giai đoạn đầu cần kết nối Hà Nội - Bắc Ninh); đường vành đai 4 gắn với một số khu ở cao tầng nhằm giãn dân số cho Hà Nội; hoàn thành tuyến QL18 và đường sắt Hà Nội - Bắc Ninh - Cái Lân; Khu đô thị Đại học; Khu liên hợp thể thao Bắc Ninh (có một số công trình phục vụ Asiad 18); Khu vui chơi giải trí quy mô lớn gắn với một số trọng điểm du lịch; một số bệnh viện khu vực gắn với loại hình dich vụ y tế - nghỉ dưỡng; một số khu đô thị mới kiểu mẫu; cảng nội địa; nâng cấp các nút giao thông quan trọng từ đồng mức thành khác mức và tuyến đường sắt cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long…
Phân công hợp lý, định hướng chính xác với tầm nhìn xa trông rộng và sự điều phối chặt chẽ là những kỳ vọng của nhân dân trong vùng và cả nước về đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô. Bài viết này mong muốn đóng góp ý kiến từ phía những người làm công tác quy hoạch của địa phương để có thêm sự luận bàn về vai trò của tỉnh Bắc Ninh trong Vùng Thủ đô, tỉnh đã được định hướng trở thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2020 của thế kỷ XXI. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng “Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ là vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương" như mục tiêu quy hoạch đặt ra.
Cao Văn Hà
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh
Chủ tịch hội xây dựng Bắc Ninh.
Theo