Những ngày gần đây, người dân xã Phú Lâm (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) rất bức xúc vì trên cánh đồng họ đang canh tác yên ổn từ bao đời nay sắp mọc lên một nhà máy xử lý rác thải. Điều đáng nói, nhà máy này nằm cách khu dân cư, trường học, đình, đền... khoảng 500m.
Nhiều người dân xã Phú Lâm tỏ ra bức xúc trước những mập mờ của chính quyền địa phương.
Dân chưa bàn, chưa biết…
Theo phản ánh của một số hộ dân ở thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm: Khoảng cuối tháng 8/2013, người dân thấy cán bộ xã ra đo đạc ruộng hai lúa đang đến thời kỳ trổ bông. Thấy khó hiểu, người dân hỏi mới biết đất ruộng của họ sẽ bị thu hồi để làm nhà máy xử lý rác thải. Bức xúc vì "không được bàn, không được làm, không được kiểm tra...", gần 40 hộ dân tập trung lên Nhà văn hóa thôn Tam Tảo để hỏi về dự án. Lúc này, cán bộ thôn cũng không hề hay biết về dự án. Người dân lại tập trung tại UBND xã, thì mới được thông báo một vài thông tin về dự án. Theo đó, ngày 29/8/2013, Đảng ủy xã Phú Lâm ban hành Nghị quyết số 63-NQ/ĐU trong đó có nội dung: Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về xây dựng mỗi huyện từ 1 - 2 bãi rác thí điểm sử dụng công nghệ lò đốt tại một số xã, phường, thị trấn, chủ trương của huyện về thu hồi đất để xây dựng điểm công nghệ lò đốt rác thải hợp vệ sinh khu Đồng Khánh (thôn Tam Tảo). Ngày 11/9/2013, UBND tỉnh Bắc Ninh có Văn bản số 1874/UBND-XDCB, trong đó có nội dung: Đồng ý cho UBND huyện Tiên Du khảo sát địa điểm tại khu đất xã Phú Lâm, có diện tích khoảng 3,5ha, để lập dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Tiên Du; nâng cấp cải tạo đường vào khu xử lý chiều dài khoảng 850m.
Tìm hiểu thực tế phóng viên nhận thấy, cách địa điểm định đặt nhà máy xử lý rác thải chỉ cách khu dân cư, một trường tiểu học, khu di tích Đền thờ phụ quốc Lý Công Uẩn... trong bán kính chừng 500m. Hàng ngày, có đến hàng nghìn học sinh tiểu học, cấp 2, cấp 3 đi học qua khu vực này.
Mập mờ “lách luật”
Tại Điều 79, Luật Bảo vệ môi trường và Điều 8, Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ quy định rõ việc “xây dựng các trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải rắn phải phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch quản lý chất thải rắn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Thế nhưng, tại Thông báo số 55/TB-UBND ngày 27/9/2013 của UBND tỉnh Bắc Ninh nêu: Khẩn trương tiến hành các thủ tục thu hồi đất, bồi thường GPMB, đánh giá tác động môi trường, lập dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải đối với các khu vực đã có văn bản cho phép khảo sát địa điểm của Chủ tịch UBND tỉnh (cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, cấp bách) đảm bảo có mặt bằng sạch trong thời gian sớm nhất.
Cũng tại Báo cáo số 67/BC-UBND ngày 10/10/2013 của UBND huyện Tiên Du gửi UBND tỉnh, trong đó có nội dung: “Các ngày 01 và 02/9/2013, UBND huyện Tiên Du đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa đoàn công tác xã Phú Lâm đi tham quan nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại Thái Bình và Bắc Giang… Sau buổi tham quan, một số đồng chí đề nghị nên đưa nhà máy về vị trí phía gần đê sông Ngũ Huyện Khê… Ngày 01/10/2013, tại buổi tiếp dân định kỳ của UBND huyện Tiên Du, có khoảng 500 công dân thôn Tam Tảo đã đến nêu những băn khoăn và kiến nghị chuyển việc xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của huyện ra khỏi khu vực Đồng Khánh…”.
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hội - Trưởng phòng TN&MT huyện Tiên Du cho biết: Điều kiện để chúng tôi chọn vị trí xây dựng nhà máy được áp dụng theo Thông tư số 02/2010/TT-BXD ngày 05/02/2010 của Bộ Xây dựng Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “Các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị”, theo Thông tư thì khoảng cách xây dựng chỉ cần đủ 500m là được.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt trước đó thì nhà máy rác thải nằm ở thị trấn Lim, tuy nhiên quy hoạch thì đây là vùng lõi đô thị, do vậy không nên đặt ở đây mà phải đi khảo sát ở địa điểm khác. Do đây là dự án cấp bách nên UBND tỉnh đã cho cơ chế đặc thù, có thể khảo sát thực hiện dự án trước, sau này điều chỉnh quy hoạch sau.
Khi nói về việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất hai lúa, ông Hội cho rằng: “Khi thu hồi đất hai lúa, tất nhiên tỉnh phải báo cáo, xin phép Chính phủ. Hiện giờ cũng chưa biết là có được phép thực hiện được hay không?...”.
Luật sư Phạm Hồng Sơn - Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Qua xem xét vụ việc cho thấy điều kiện để UBND huyện chọn vị trí gần khu dân cư để xây dựng nhà máy xử lý rác thải như trên được căn cứ theo Thông tư số 02/2010/TT-BXD ngày 05/02/2010 của Bộ Xây dựng Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “Các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị” là chưa đúng về bản chất. Bởi Thông tư số 02 của Bộ Xây dựng nhằm áp dụng quy chuẩn kỹ thuật hạ tầng đô thị ở khu dân cư đô thị (thành phố, thị xã…) còn tại các vùng nông thôn phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn được nêu rõ tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn, mã số QCVN 14:2009/BXD theo Thông tư số 32/2009/TT-BXD ngày 10/9/2009 của Bộ Xây dựng. Cụ thể theo quy chuẩn của Thông tư 32 thì, khoảng cách ly vệ sinh từ khu xử lý chất thải rắn đến khu dân cư > 3.000m và đến các công trình xây dựng khác > 1.000m. Vì vậy, UBND huyện không thể “đánh tráo khái niệm” để từ đó áp dụng sai quy chuẩn, không phù hợp với thực tế.
Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh sớm vào cuộc làm rõ phản ánh của người dân, và cần xem xét tính khả thi của việc xây dựng nhà máy này.
Vũ Chiến
Theo