Thứ ba 23/04/2024 22:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bắc Kạn: Sẽ kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ

10:46 | 19/10/2021

(Xây dựng) - Nhằm phát huy lợi thế, đẩy mạnh công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, mới đây, ông Nguyễn Đăng Bình - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

bac kan se kiem tra thuong xuyen dot xuat cac co so che bien go
Các sản phẩm như ván dán, đũa gỗ,... là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh Bắc Kạn.

Bắc Kạn là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp của tỉnh là trên 417.538ha (chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên). Trong giai đoạn 2016-2020, công nghiệp chế biến (trong đó có chế biến gỗ) tăng trưởng bình quân 16,64%; cơ cấu nhóm ngành chế biến gỗ (tre, nứa) tăng từ 21,65% năm 2015 lên 36,72% năm 2020 trong tổng giá trị gia tăng ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số dự án lớn về chế biến gỗ đã được đầu tư xây dựng, vận hành; các sản phẩm như ván dán, đũa gỗ,... là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn nhiều bất cập trong công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa chủ rừng, cơ sở sơ chế và nhà máy chế biến gỗ; còn tình trạng khai thác gỗ tròn chưa đến tuổi khai thác; các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể chưa thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định,... hoạt động không bền vững, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để ngành Công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh Bắc Kạn phát triển ổn định, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong Chỉ thị số 12 ban hành ngày 5/10/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương rà soát quy hoạch, quản lý các vùng nguyên liệu, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho phát triển công nghiệp chế biến lâm sản phù hợp với nhu cầu của thị trường; tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện liên doanh liên kết giữa cơ sở chế biến gỗ với hộ trồng rừng để thực hiện việc cấp chứng nhận tiêu chuẩn rừng (FSC). Thời gian thực hiện xong trong quý IV/2021.

Thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ việc khai thác gỗ tròn chưa đến tuổi khai thác; nghiên cứu tham mưu xây dựng phương án huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đường lâm nghiệp phục vụ công tác khai thác, vận chuyển nguyên liệu phục vụ cho các cơ sở chế biến lâm sản.

Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh chủ động, phối hợp với ngành Thuế, các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, chế biến của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm về khối lượng và sản lượng gỗ đã xác nhận, cung cấp cho cơ quan thuế làm căn cứ tính thuế, xác nhận hồ sơ vận chuyển lâm sản để tránh tình trạng quay vòng hồ sơ vận chuyển, mua bán lâm sản.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương thực hiện hỗ trợ trong lĩnh vực lâm nghiệp (liên kết chuỗi đối với lĩnh vực trồng rừng gắn với chế biến gỗ rừng trồng) theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HDND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng Đề án phát triển công nghiệp chế biến tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp chế biến gỗ phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và nhu cầu thị trường (thời gian thực hiện xong trong quý IV/2021); hỗ trợ cơ sở sản xuất trong kết nối cung cầu, hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến gỗ theo Chương trình khuyến công phù hợp với định hướng đổi mới công nghệ; đầu mối tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất và lưu thông sản phẩm gỗ.

Chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát phương án phát triển và xây dựng các cụm công nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, trong hỗ trợ thực hiện chuỗi liên kết.

Cục Thuế tỉnh chỉ đạo Chi cục Thuế các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chế độ kế toán trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ mua bán gỗ, kê khai lâm sản, các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, xây dựng Đề án quản lý thuế đối với các hoạt động sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện xong trong quý IV/2021.

Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về việc sử dụng đất, thuê đất để sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế về việc sử dụng đất, thuê đất và công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong việc vận chuyển, kinh doanh gỗ và các sản phẩm từ gỗ trên địa bàn tỉnh theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện công tác kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ về nguồn gốc, xuất xứ gỗ, hóa đơn, chứng từ,... theo quy định.

UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến và thu mua sản phẩm gỗ rừng trồng; bảo vệ và phát triển rừng, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả các hành vi phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; nghiên cứu thực hiện đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở chế biến gỗ mới phải gắn với vùng nguyên liệu và sử dụng đất đúng quy định pháp luật.

Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng nhấn mạnh: Quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm, kiên quyết đình chỉ hoạt động, đóng cửa cơ sở không có đăng ký kinh doanh, buộc tháo dỡ máy móc, thiết bị, nhà xưởng đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định, không chứng minh được nguồn gốc lâm sản hợp pháp; xử lý nghiêm cơ sở sử dụng, lấn chiếm đất trái quy định, các cơ sở chế biến gỗ gây ô nhiễm môi trường.

Yêu cầu các chủ cơ sở, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng đất, bảo vệ môi trường và chế độ hóa đơn, chứng từ trong sản xuất kinh doanh; chủ động liên kết với các bên liên quan để thực hiện sản xuất theo chu trình khép kín từ khâu trồng rừng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Có cam kết không thu mua gỗ tròn đối với rừng trồng chưa đủ tuổi khai thác và gỗ rừng tự nhiên với UBND các huyện, thành phố.

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load