Thứ sáu 26/04/2024 05:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bắc Kạn: “Đột phá” làm dự án thủy điện

10:29 | 27/08/2022

(Xây dựng) - Chỉ riêng một ngày cuối năm 2021, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký quyết định chấp thuận nhà đầu tư dự án thủy điện gần bằng số công trình của 10 năm trước đó cộng lại.

bac kan dot pha lam du an thuy dien
Sông Cầu từng bị trơ đáy sau khi Nhà máy thủy điện Thác Giiềng tỉnh Bắc Kạn chạy thử vào cuối tháng 02/2021.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 3 con sông là: Sông Cầu, sông Năng và sông Bắc Giang cùng với một số con suối tuy dòng chảy không lớn, nhưng lại duy trì lượng nước quanh năm. Vì vậy Bắc Kạn có nhiều tiềm năng cho xây dựng, phát triển các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa.

Năm 2010, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 2461, phê duyệt Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ gồm có 24 dự án với tổng công suất lắp máy 41,2MW. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phát triển thuỷ điện bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn công trình, hài hoà các lợi ích và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và sinh hoạt, Bắc Kạn đã loại khỏi quy hoạch 17 dự án có quy mô công suất nhỏ hơn 3MW không đảm bảo phù hợp các tiêu chuẩn theo quy định.

Tính đến năm 2020, tỉnh Bắc Kạn có 8 dự án thủy điện được quy hoạch với tổng công suất lắp máy 37,2MW gồm các thủy điện: Tà Làng, Nặm Cắt, Thượng Ân, Thác Giềng 1, Thác Giềng 2, Pác Cáp, Sông Năng, Khuổi Nộc (trong đó có các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng là Tà Làng, Nặm Cắt và Thượng Ân).

Năm 2021 trở thành năm mang tính “đột phá” của tỉnh Bắc Kạn khi chỉ trong 1 ngày cuối cùng của năm, lãnh đạo tỉnh này đã ký quyết định chấp thuận nhà đầu tư dự án thủy điện gần bằng số công trình của 10 năm trước đó cộng lại.

6 dự án thủy điện có cùng một ngày “khai sinh” 31/12/2021 tại Bắc Kạn gồm: Dự án Thủy điện Khuổi Nộc 2, tại xã Lương Thượng, huyện Na Rì của Công ty Cổ phần Đầu tư Bắc Kạn; Dự án Thủy điện Khuổi Thốc tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông của Công ty Cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn; Dự án Thủy điện Nậm Cắt 2 tại xã Đông Phong, huyện Bạch Thông và Dự án Thủy điện Công Bằng tại xã Công Bằng, huyện Pắc Nặm của Công ty Cổ phần Thủy điện 69; Dự án Thủy điện Mỹ Thanh tại xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông của Công ty Thủy điện Mỹ Thanh; Dự án Thủy điện Pắc Nặm tại xã Bằng Thành, Xuân La, An Thắng thuộc huyện Pắc Nặm của Công ty Cổ phần Thủy điện Pắc Nặm.

Được biết, giai đoạn 2010-2018, Bắc Kạn chỉ có vài nhà đầu tư triển khai 4 dự án thủy điện nhỏ trên tổng số 7 vị trí nằm trong quy hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Hiện nay, một số dự án thủy điện chỉ mới xây dựng hoàn thành cũng đã gây ra tác động môi trường rất lớn. Thủy điện Thác Giềng 1 (phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn) trong quá trình chạy thử, tích nước không theo quy trình, làm cho sông Cầu bị cạn kiệt. Thủy điện Pác Cáp (huyện Na Rì) có vùng ngập nước rộng gây ảnh hưởng tới việc đi lại của nhân dân, phát sinh nhiều khiếu nại, kiến nghị tập thể về đền bù, giải tỏa mặt bằng và mất sinh kế khi đất sản xuất ngập nước. Công ty Cổ phần Thủy điện Sử Pán 1 cũng tự ý tác động hơn 3,3ha đất rừng sản xuất mà chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, chuyển đổi. Sau đó, đơn vị này cũng đã bị Sở Tài Nguyên và Môi trường Bắc Kạn xử phạt 30 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng của diện tích đất rừng sản xuất trước khi vi phạm.

Bên cạnh đó, nhiều bất cập cũng đã nảy sinh: Ví như tại địa bàn huyện Ba Bể, Công ty TNHH MTV Thủy điện Hòa Bình Xanh Bắc Kạn đã đề xuất dự án thủy điện Sông Năng trên địa phận xã Bành Trạch. Trong quá trình thẩm định dự án này, các ngành chức năng đã có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể; ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy sông Năng và hoạt động canh tác nông nghiệp khu vực hạ lưu.

Hoặc trên đoạn sông Cầu ngắn từ thành phố Bắc Kạn tới huyện Chợ Mới có tới 4 đề xuất dự án đầu tư thủy điện nhỏ cũng gây nhiều băn khoăn về việc bảo đảm dòng chảy tối thiểu phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, Dự án Thủy điện Khuổi Nộc 2 ở xã Lương Thượng, huyện Na Rì được nhiều người cho rằng thực chất là để thực hiện khai thác khoáng sản (chủ yếu là vàng) vốn là tài nguyên sẵn có tại đây…

Không những thế, những dự án thủy điện đòi hỏi vốn tới vài trăm tỷ đồng, nhưng có tới 4/6 dự án lại được giao cho các doanh nghiệp vừa mới thành lập trước đó năm, bảy tháng. Cụ thể như: Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Bắc Kạn (chủ đầu tư Dự án Thủy điện Khuổi Nộc 2), thành lập ngày 16/6/2021 với mã số doanh nghiệp 4700284403 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn cấp. Như vậy, doanh nghiệp mới được thành lập hơn 6 tháng trước khi nhận quyết định chấp thuận đầu tư.

Tương tự, Công ty Cổ phần Thủy điện 69 (chủ đầu tư Dự án Thủy điện Nậm Cắt 2 và Dự án Thủy điện Công Bằng) mới thành lập ngày 21/5/2021. Mã số doanh nghiệp 4700284139 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn cấp; tức là chưa được 7 tháng, nhưng đã được giao trọng trách 2 dự án thủy điện ở Bắc Kạn.

Nhiều tháng tuổi hơn là trường hợp Công ty Cổ phần Thủy điện Mỹ Thanh (chủ đầu tư Dự án Thủy điện Mỹ Thanh) và Công ty Cổ phần Thủy điện Pắc Nặm (chủ đầu tư Dự án Thủy điện Pắc Nặm) thành lập ngày 24/3/2021. Đáng chú ý là Công ty Cổ phần Thủy điện Mỹ Thanh và Công ty Cổ phần Thủy điện Pắc Nặm có chung một người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Bình.

Theo tiến độ được UBND tỉnh Bắc Kạn chấp thuận hồi tháng 7/2022, các dự án thủy điện nói trên sẽ hoàn thành và phát điện thương mại vào năm 2024 và 2025. Tuy nhiên, nhiều người đã và đang lo ngại bước “đột phá” này khó có thể hoàn thành như kỳ vọng, bởi năng lực nhà đầu tư cũng như mục đích đầu tư dự án không phải chỉ là làm thủy điện.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load