(Xây dựng) - Đền Cô Chín Thượng Ngàn thờ cô Chín Thượng Ngàn tọa lạc tại thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang là một di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh. Tương truyền, đây là một ngôi đền rất linh thiêng nên hàng năm người dân từ khắp mọi miền đất nước đã đổ về đây dâng hương, đăng, trà, quả, thực cầu may và ngợi ca công đức của tiền nhân.
Xe vận tải cỡ lớn của một công trường khai thác than quần đảo đêm ngày đang phá vỡ môi trường sống của nhân dân trong vùng di tích.
Ngôi đền nằm trên một ngọn núi bạt ngàn cây xanh với khung cảnh đầy chất thơ, tràn trề linh khí do công sức của rất nhiều thế hệ thập phương và người dân trong vùng gìn giữ tạo dựng đang ghi tên trên bản đồ du lịch của tỉnh ấy đang bị xâm hại.
Theo dòng người hành lễ, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã ghi nhận được hình ảnh đoạn đường dẫn lên khu Đền bị trồi sụt; có nhiều đoạn bong tróc bật lên thành từng mảng do xe vận tải cỡ lớn của một công trường khai thác than quần đảo đêm ngày. Khu di tích nằm trên đỉnh núi nên khi có mưa nhỏ hoặc không khí lạnh có sương mù, khiến người dân khi đi lên đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Người dân tại thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế còn cho biết thêm: Hoạt động khai thác than của Cty CP Khoáng Sản Bắc Giang không những gây ô nhiễm cho con đường hành lễ của du khách mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của bà con nơi đây.
“Mưa nhỏ thì còn đỡ, những ngày mưa to, đất đá trên đồi bị mưa xối xuống làm hỏng hết hoa màu, đã có trường hợp đá rơi trúng nhà dân, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao”, một người dân bức xúc bày tỏ.
Tại tuyến đường này, trước đó cũng đã có một vụ tai nạn thương tâm nguyên nhân từ xe vận tải công trường. Việc khai thác mỏ cũng đã dừng hoạt động một thời gian nhưng không lâu lâu lại bắt đầu hoạt động lại. Nỗi lo ngại của người dân sinh sống nơi đây lại tiếp tục…
Liên quan tới việc phá hủy đường giao thông và gây ô nhiễm môi trường sống của nhân dân khu vực xã Đông Sơn, ông Ngô Trí Dũng - Trưởng phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc giang cho biết: Sở đã nghe báo cáo về việc này. Giám đốc Sở đã chỉ đạo cho thành lập Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra. Sau khi có kết luận chính thức sẽ đưa ra mức xử lý cụ thể.
Nhân dân nơi đây vẫn đang chờ kết luận của Đoàn thanh tra này, cũng như cách xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Tạm thời chưa nói đến việc công ty này đã vi phạm những gì, nhưng rõ ràng việc khai thác than đã và đang có nguy cơ xâm hại đến một di tích, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Theo Điều 71, Luật Di sản văn hóa quy định: “Người nào vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa, các cơ quan pháp luật vào cuộc để ngăn chặn các hành vi xâm hại di tích Đền Cô Chín Thượng Ngàn.
Đền Cô Chín Thượng Ngàn theo dân gian, trước đây chỉ có Động Sơn Trang thờ tam vị Chúa Mường và Chúa Sơn Trang cùng một gian thờ bằng lá nứa thờ Vua Cha Ngọc Hoàng và Cô Chín Thượng. Đền mới được xây dựng lại vào năm 2013 và 2014. Sau đó đền được phối thờ thêm Chầu Lục; Tứ phủ Thánh Chầu; Đức Thánh Trần Triều. Hiện tại thì ngôi đền đã khang trang, tố hảo hơn nhiều so với trước đây. |
Vũ Bích
Theo