Thứ tư 24/04/2024 15:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bà Rịa – Vũng Tàu: Tập trung đầu tư giao thông trong năm 2023

20:54 | 15/02/2023

(Xây dựng) - Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ triển khai đầu tư nhiều dự án quan trọng, có quy mô lớn nhằm đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối để khơi thông nguồn lực. Những kế hoạch đó được coi là nhiệm vụ cấp bách trong năm 2023.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Tập trung đầu tư giao thông trong năm 2023
Tuyến đường ven biển Vũng Tàu – Bình Châu được mở rộng sẽ tăng khả khai thác tiềm năng du lịch của Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hoạch định rõ ràng

Tại hai kỳ họp trong năm 2022, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thông qua nhiều nghị quyết mang tính chiến lược trong đó có cân đối nguồn vốn ngân sách, tạo hành lang pháp lý để chuẩn bị cho đầu tư các dự án trọng điểm.

Theo đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thống nhất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn. Cụ thể, kế hoạch tài chính trong giai đoạn 2021-2025 cũng được điều chỉnh, vốn đầu tư công trung hạn, tăng từ 59.000 tỷ đồng, lên hơn 75.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này sẽ dừng 21 dự án và chuyển sang giai đoạn sau 27 dự án, để dành nguồn lực ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm.

Ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định: Khối lượng công việc của Bà Rịa – Vũng Tàu trong 3 năm tới là rất lớn, tăng hơn 10%, trong khi nguồn nhân lực giảm 10%. Điều đó, đòi hỏi “bộ máy” phải vận hành nhiều hơn, cách tiếp cận công việc cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu đặt ra.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh cũng đã tính toán giải pháp - sử dụng nguồn vốn từ đấu giá quỹ đất công và các trụ sở hành chính cũ của tỉnh tại thành phố Vũng Tàu, để phục vụ đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm.

Những dự án giao thông kết nối

Dự án Vành đai 4, đường Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài, từ điểm đầu xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ (giao với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu) đến Cảng Hiệp Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 5 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam là Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An. Đoạn đường thuộc địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu dài 18,3km, theo hình thức đối tác công tư (PPP), tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Tỉnh đang xúc tiến các thủ tục chuẩn bị đầu tư, để sớm khởi công, phấn đấu đến năm 2026 sẽ hoàn thành.

Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có tổng chiều dài khoảng 53,8km, nối thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) với Quốc lộ 56, thành phố Bà Rịa. Giai đoạn 1 của dự án, gồm 4 làn xe, giai đoạn hoàn thiện, sẽ mở rộng quy mô 6 - 8 làn xe. Đây được xem là tuyến giao thông huyết mạch và giảm tải cho Quốc lộ 51 đang “oằn mình” bởi lưu lượng xe tăng cao, cũng như nhu cầu vận tải hàng hóa ngày một nhiều như hiện nay.

Theo Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1), dự án được đầu tư bằng nguồn vốn công. Chính phủ đã giao cho 3 đơn vị thực hiện dự án này, trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện dự án thành phần 3, chiều dài 19,5km, trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, phấn đấu khởi công công trình vào dịp lễ 30/4/2023, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Khai thác thế mạnh đường ven biển

Nhằm phát huy tối đa năng lực hệ thống cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải, dự án cầu Phước An đang được tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu tập trung triển khai. Dự kiến, sẽ khởi công đầu năm 2023 và hoàn thành năm 2027.

Cầu Phước An có tổng chiều dài hơn 4km, thuộc hệ thống đường ven biển Việt Nam, kết nối đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải, thị xã Phú Mỹ với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (khoảng 2.000 tỷ đồng) và ngân sách địa phương (gần 2.900 tỷ đồng). Cầu Phước An sẽ giúp kết nối hệ thống cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải với đường Vành đai 3, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Tây Nam Bộ.

Để đồng bộ khi giao thông bên ngoài phát triển, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng lên kế hoạch thiết lập các hệ thống giao thông nội tỉnh. Trong đó có dự án giao thông từ Quốc lộ 56 đến vòng xoay 51B, 51C (thành phố Vũng Tàu) với chiều dài khoảng 15,6km, tổng đầu tư dự toán hơn 22.000 tỷ đồng. Dự án hoàn thành, sẽ đóng vai trò kết nối cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với toàn bộ khu vực ven biển Vũng Tàu – Bình Châu, thúc đẩy phát triển du lịch.

Được biết, Bà Rịa – Vũng Tàu đang lập thủ tục, đề xuất và lựa chọn các phương án đầu tư phù hợp nhất để dự án sớm được triển khai, theo kịp với tiến độ đầu tư cao tốc.

Để khai thác tối đã thế mạnh du lịch của mình, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tính đến việc đầu tư mở rộng đường ven biển Vũng Tàu – Bình Châu (Tỉnh lộ 994). Dự án có quy mô 6 làn xe với tổng chiều dài khoảng gần 80km với kinh phí khoảng hơn 7.000 tỷ đồng. Đây là tuyến đường mang tính chiến lược, thúc đẩy phát triển du lịch cao cấp của tỉnh, khai thác điều kiện tự nhiên lý tưởng toàn bộ khu vực ven biển Vũng Tàu, Hồ Tràm, Bình Châu, đồng thời kết nối các địa phương ven biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tỉnh Bình Thuận. Hiện tại, một số đoạn thuộc huyện Long Điền và Đất Đỏ, đang được thi công. Thời gian hoàn thành toàn tuyến dự kiến năm 2025.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh khẳng định: Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đủ nguồn lực, được sự ủng hộ từ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Vì vậy, Bà Rịa – Vũng Tàu cần làm chắc, làm đúng ngay từ khâu lập kế hoạch, thiết kế…; đồng thời theo dõi, đôn đốc kịp thời, có như vậy, mới đảm bảo tiến độ công việc, tránh tình trạng sai sót, gây tốn nguồn lực, thời gian và công sức.

Mai Thanh – Phương Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load