Hồi 14h ngày 25/7, bão số 4 ở trên vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị. Trong 12 giờ tới bão đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Ảnh: nchmf.gov.vn
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to.
Tại Hòn Ngư (Nghệ An) đã có gió giật cấp 7, Cồn Cỏ (Quảng Trị) cấp 10, vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có gió giật cấp 6-7.
Hồi 14 giờ ngày 25/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 1 giờ ngày 26/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7.
Trong chiều nay, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Vùng biển ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh.
Vùng biển ven bờ khu vực Nam Thanh Hóa và Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh. Nước dâng kết hợp với thủy triều ở vùng ven biển từ Nghệ An đến Quảng Bình cao từ 2-3m.
Trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8-9; ở Nghệ An và sâu trong đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; ở vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế có gió giật cấp 6-7.
Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3.
Do ảnh hưởng của bão số 4, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to đến rất to (phổ biến 150-250mm cả đợt); ở đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến 50-100mm cả đợt).
Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động; khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Công điện số 29/CĐ-TW
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện hỏa tốc số 29/CĐ-TW chỉ đạo phòng chống cơn bão số 4 (SONCA).
Công điện nêu rõ, đây là cơn bão hình thành ngay trên Biển Đông, di chuyển chậm và còn diễn biến phức tạp, trong khi các tỉnh từ Quảng Bình trở ra vừa phải chịu ảnh hưởng do bão số 2 và mưa lũ sau bão gây ra, để chủ động ứng phó với bão số 4, Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành thực hiện một số nội dung sau:
Các tỉnh thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đầu tàu thuyền tại bến, nhất là các khu vực neo đậu quanh các đảo tránh những thiệt hại không đáng có đã từng xảy ra thời gian qua, đặc biệt là trong bão số 2 tại các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An.
Sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản tại khu vực du lịch ven biển, trên các đảo, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản và tại những khu vực thường xuyên bị ngập lũ.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền,người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; chủ động tiêu thoát nước đệm để đảm bảo an toàn chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu.
Kiểm tra phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối các khu vực thấp trũng thường xuyên bị ngập úng để sẵn sàng triển khai thực hiện.
Bố trí sẵn lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống đảm bảo giao thông thông suốt.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc công điện số 26/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai- Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi các hồ chứa tiếp tục xả lũ.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo các cảng vụ, công ty vận tải sông biển kiểm tra, hướng dẫn tại các khu vực neo đậu tàu thuyền để đảm bảo an toàn, tránh chìm tàu, đứt dây neo ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng, va đập giữa các tàu như đã từng xảy ra.
Bộ Công Thương chỉ đạo việc kiểm tra an toàn các hồ chứa thủy điện; vận hành cửa van, xả nước đón lũ đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy nước; phương an đảm bảo an toàn khu vực hầm lò khai thác khoáng sản, các bãi thải ngành than để sẵn sàng ứng phó.
Các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, mưa lũ; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, nhất là các công trình đang trong quá trình xây dựng.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Bộ Công Thương chỉ đạo ứng phó bão số 4
Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương vừa ban hành Công điện số 6553/CĐ/BCT-ATMT yêu cầu chủ động ứng phó với cơn bão số 4.
Thực hiện Công điện số 29/CĐ-TW hồi 18 giờ 00 ngày 23 tháng 7 năm 2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, để chủ động ứng phó với Cơn bão số 4, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, kiểm tra các công trình, nhà xưởng để gia cố, khơi thông hệ thống thoát nước; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời mọi tình huống do mưa lũ gây ra.
Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó; nhanh chóng khắc phục mọi hậu quả do mưa lũ gây ra.
Chủ đầu tư công trình đang xây dựng yêu cầu các nhà thầu thi công triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình; tổ chức ứng trực để ứng phó các tình huống xẩy ra trên công trường và hỗ trợ khi có yêu cầu.
Các Sở Công Thương, kiểm tra việc dự trữ hàng hóa thiết yếu theo kế hoạch, sẵn sàng phục vụ nhân dân khi có yêu cầu, đặc biệt là những khu vực có khả năng bị chia cắt do mưa, lũ.
Chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên địa bàn triển khai thực hiện các nội dung của công điện này.
Chỉ đạo các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn triển khai các biện pháp phòng chống ngập nước khu vực khai thác, sạt lở bãi thải đất đá, hồ thải quặng đuôi.
Các nhà máy thủy điện, vận hành hồ chứa đúng quy trình liên hồ, đơn hồ; thông báo tình hình vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định; tăng cường cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và vận hành xả lũ.
Kiểm tra hồ, đập, nguồn điện, vật tư dự phòng… để sẵn sàng ứng phó, xử lý ngay các tình huống đảm bảo an toàn hồ đập.
Quan trắc, dự báo, theo dõi lưu lượng về hồ để chủ động vận hành hố chứa an toàn, hiệu quả.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện… sẵn sàng khắc phục nhanh mọi sự cố do mưa lũ gây ra, đặc biệt là đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm tiêu úng.
Chỉ đạo các đơn vị truyền tải, phân phối điện kiểm tra công trình điện lực; sửa chữa, gia cố các điểm xung yếu.
Chỉ đạo các chủ đập thủy điện thuộc phạm vi quản lý thực hiện các nội dung tại Mục 3 của Công điện này.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc, chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các mỏ, công trình khai thác; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực và ứng trực để kịp thời xử lý các tình huống do mưa lũ gây ra.
Triển khai các biện pháp chống ngập nước các mỏ hầm lò, lộ thiên; tăng cường hệ thống bơm thoát nước tại các mỏ; triển khai các biện pháp phòng chống trôi than tại các kho, bãi, bến cảng.
Triển khai các biện pháp chống sạt lở các bãi thải; khơi thông dòng chảy các mương thoát nước khu vực bãi thải và chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân cư khu vực gần bãi thải đến nơi an toàn khi có nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng của mưa, lũ.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp chống ngập cửa hàng xăng dầu, chống tràn xăng dầu, chống trôi nổi các bồn chứa xăng dầu và duy trì xăng dầu dự trữ phục vụ phòng chống thiên tai.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện này và thường xuyên báo cáo thông tin về Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương.
Bộ Công an chỉ đạo ứng phó bão số 4
Ngày 24/7/2017, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Bộ Công an có Công điện gửi Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng và các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Tổng cục VIII, K20; Cục C66, C67 yêu cầu chủ động đối phó với cơn bão số 4 (Bão Sonca).
Nội dung Công điện nêu rõ, để chủ động ứng phó với các tình huống của Bão và mưa, lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu Bão gây ra Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an yêu cầu Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thực hiện nghiêm túc Công điện số 29/CĐ-TW ngày 23/7/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của chính quyền địa phương về công tác ứng phó với bão, mưa, lũ, sạt lở đất. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức bảo đảm an toàn cho người, tài sản, phương tiện tại nơi neo đậu, tránh trú của tàu thuyền, các khu du lịch ven biển, trên các lồng, bè nuôi thủy, hải sản và tại những khu vực thường xuyên bị ngập lụt. Đối với các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai phương án sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản; sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông, kịp thời xử lý các tình huống đảm bảo giao thông thông suốt; tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm khi bão đổ bộ và mưa lớn sau bão.
Đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm, nơi giam giữ do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ. Chủ động triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc để tránh thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thực hiện chế độ thông tin báo cáo hàng ngày về Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an (SĐT 069.23.201.60, 069.23.201.52, Fax 069.23.201.52, 069.23.201.60)./.
Công điện của Bộ GTVT
Bộ GTVT vừa có Công điện khẩn số 36/CĐ-BGTVT ngày 23/7/2017 gửi các cơ quan, đơn vị liên quan về ứng phó cơn bão số 4 trên biển Đông. Để chủ động đối phó với diễn biến của cơn bão số 4, Bộ GTVT yêu cầu:
1. Đài thông tin Duyên hải cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão cho tàu thuyền biết để ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
2. Cục Hàng hải Việt Nam: Chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải nắm chắc số lượng tàu thuyền đang neo đậu tại Cảng, vùng nước, luồng lạch và hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn, không cấp phép cho tàu rời cảng có hướng hành trình đi vào vùng ảnh hưởng của bão.
Chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đảm bảo duy trì lực lượng, phương tiện chuyên dụng TKCN, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có lệnh. Chỉ huy Đài Thông tin duyên hải tăng cường trực canh, phát tín hiệu thông báo diễn biến, đường đi của bão.
3. Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu... để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.
4. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam: Chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông, chống va trôi cho các cầu trong và sau mưa, lũ ở những vị trí trọng yếu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Đôn đốc các đơn vị Quản lý đường thủy nội địa kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa, lũ gây ra.
Tăng cường công tác phối hợp các Sở GTVT xử lý khi có các vụ tai nạn đường sông, công tác kiểm tra an toàn cho phương tiện thủy.
Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo, dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước...
Có phương án bảo quản hàng hóa, vận chuyển vật tư dự phòng, chuyển tải hành khách, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng y tế trong trường hợp phải ngừng tàu do bão gây ra.
6. Cục Hàng không Việt Nam: Tăng cường công tác kiểm tra sân bay, nhà ga, hệ thông thông tin tín hiệu, công tác điều hành, chỉ huy để đảm bảo tuyệt đối an toàn, đặc biệt chú ý trong tình huống thời tiết xấu do bão gây ra và làm tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có sự huy động của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Bộ GTVT.
7. Các Tổng công ty: Chỉ đạo các đơn vị khắc phục hậu quả mưa, lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công dưới nước, các công trình ở miền núi hay có lũ đột xuất, các công trình trên biển hoặc ven biển, neo đậu các phương tiện thủy đảm bảo an toàn không bị trôi, va vào công trình khác. Đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo an toàn cho tàu đan g đóng trên đà, trên ụ tàu, các tàu đã hạ thủy neo đậu trong vùng nước của nhà máy đóng tàu.
8. Các Sở GTVT: Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị Quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt... tiến hành khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả bước 1 trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương, phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo hành khách và hàng hóa...ngay khi lũ rút.
9. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Giao thông vận tải theo số Fax: 024.39421242, ĐT: 024.39410235, Mobile: 0982.345689 và Email: [email protected].
Theo BaoChinhphu.vn