(Xây dựng) - Càng ngày càng thấy việc quản lý đất đai của nước nhà vô cùng quan trọng và vô cùng phức tạp. Quan trọng ở chỗ đây là tài sản khổng lồ bậc nhất của quốc gia, bất khả xâm phạm. Phức tạp lại ở chỗ nó gắn liền với cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân với hàng chục triệu nhận thức khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, cách hành xử trong mối quan hệ giữa đất đai và con người khác nhau...
Có lẽ vì thế mà Luật Đất đai của nước nhà ra đời đã mấy chục năm, đã 3 lần sửa đổi mà nhiều vấn đề vẫn còn đang rối bời, nhiều bức xúc không thể giải quyết thỏa đáng dẫn đến nhiều nguồn lực quốc gia bị lãng phí.
Vừa rồi, khi chia sẻ với báo chí, GS Đặng Hùng Võ đã nêu ra “3 lỗ hổng lớn” trong hệ thống pháp luật của Việt Nam về quản lý đất đai đang ngày càng bị khoét rộng hơn.
Lỗ hổng thứ nhất, đó là Việt Nam hiện nay là phải vận hành chế độ công hữu đất đai trong cơ chế thị trường...
...Ông ví dụ như giá quyền sử dụng đất, trong lý luận về giá hàng hóa thì giá về quyền sử dụng đất là một thứ rất trừu tượng, đôi khi nó lệch với cái thửa đất đang tồn tại trên thực tế.
Tiếp theo đó là lỗ hổng cơ chế Nhà nước trong việc thu hồi đất và hỗ trợ tái định cư. Mặc dù đến Luật Đất đai 2003 đã cố gắng tách bạch, cái nào Nhà nước thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế; cái nào thu cho tư nhân; đồng thời xác định rõ đất quốc phòng là gì, an ninh là gì.
Về vấn đề này, ông đã nêu quan điểm của mình: “Tôi lưu ý, không có chuyện dùng đất quốc phòng để kinh doanh mà được gọi đấy là đất quốc phòng. Đất quốc phòng là đất chỉ được sử dụng cho những mục đích bảo vệ đất nước. Không có chuyện, quốc phòng đem ra kinh doanh mà lại bảo đấy là mục đích quốc phòng”.
Thứ ba, đó là lỗ hổng quyết định hành chính “đẻ” ra tiền. Theo GS Đặng Hùng Võ, Việt Nam là một trong số ít nước mà quyết định hành chính “đẻ” ra tiền. Theo quan điểm của ông: “Chỉ cần quyết định đất nông nghiệp chuyển sang đất ở thì lập tức quyết định đấy sinh ra tiền. Diện tích càng lớn thì tiền càng lớn. Đây là nguồn cơn cho những rủi ro tham nhũng”.
Đọc đến đây, không ít người có thể nhận xét rằng, những “lỗ hổng” này không có gì mới, nhiều người đã nhận ra trong quá trình soạn thảo hệ thống luật pháp về đất đai và đã hạn chế tối đa tác hại của chúng.
Vâng, đành là thế, nhưng điều quan trọng đặt ra hiện nay là những “lỗ hổng” ấy “ngày càng rộng ra”!
Ai cũng có thể nhận thấy rằng, nếu chỉ là từng lỗ hổng thì còn có thể cứu được. Còn nếu để nó cứ ngày càng rộng ra thành cái vực thẳm thì sẽ sao đây?
Chính vì thế mới xin nói rằng, những “lỗ hổng” rất - rất - rất đáng quan tâm!
Nguyễn Hoàng Linh
Theo