Thứ năm 28/03/2024 20:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Âu lo vấn đề việc làm

14:45 | 01/09/2020

(Xây dựng) - Bắt đầu năm học mới cũng có nghĩa một thế hệ mới ra trường, bước vào đời. Trong cả trăm nghìn lao động trẻ ấy, bao nhiêu người nhẹ nhàng trong tìm việc làm, bao nhiêu người lận đận trước ngưỡng cửa đầy thử thách của cuộc sống? Câu hỏi vẫn trĩu nặng trên vai các nhà quản lý và các nhà giáo dục.

au lo van de viec lam
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Ở Việt Nam thời gian qua, những ảnh hưởng, tác động của nhiều yếu tố như thay đổi chính sách quản lý, rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, đã tác động lớn đến thị trường lao động. Đánh giá chung về tình hình lao động việc làm 6 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động giảm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ vẫn ở mức thấp.

Thực ra, vấn đề lao động - việc làm không phải khi dịch bệnh mới lộ rõ, mà nó vốn đã tiềm ẩn từ lâu. Trên thị trường lao động, hành trình để có một việc làm là không dễ dàng.

Nơi tôi ở có đến bốn dãy nhà trọ cho sinh viên. Hơn 8 năm qua, tôi vẫn thấy hai cậu sinh viên đi về xóm trọ. Họ ra trường nhưng cố bám trụ ở Hà Nội tìm việc. Một cử nhân kế toán, một cử nhân công nghệ, nhưng chưa thể tìm được một công việc ổn định. Một người thì làm nhân viên cho cửa hàng thời trang, một bạn do thành thạo ngoại ngữ nên đi chạy tour ở phố cổ. Giờ dịch bệnh, họ đều thất nghiệp.

Những trường hợp như hai bạn trẻ kể trên là không ít. Các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp hiện cao nhất trong vòng 10 năm qua với số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động của quý II/2020 là gần 1,3 triệu người, chiếm tỷ lệ 2,73%.

Thực tế cho thấy, ít nhất hai vấn đề nghiêm trọng. Một là, chất lượng giáo dục hiểu theo ý nghĩa hẹp nhất là năng lực, kỹ năng thụ đắc được sau bốn năm học ở bậc đại học, đã thấp đến nỗi hơn một phần tư sinh viên sau khi ra trường từ một đến năm năm vẫn chưa tìm được việc làm. Hai là, giữa nhà trường và thế giới việc làm bên ngoài đang có một khoảng cách quá lớn.

Chúng ta có gần 500 trường đại học và cao đẳng, gần 2.000 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề cho đến cấp huyện. Chính từ đây đã đào tạo cho đất nước bao nhân tài, bao cán bộ khoa học, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Nhưng sòng phẳng khi đặt câu hỏi rằng: Chúng ta đã sử dụng hết nguồn lực này chưa? Câu trả lời rằng: Chưa! Và điều đau lòng là, một bộ phận những người có thực tài đã không được sử dụng tốt, nhưng khi ra nước ngoài họ được trọng dụng, được trả mức lương hậu hĩnh. Còn trong nước, một bộ phận cán bộ nghiên cứu khoa học vẫn “vật vã” trước bao hoài bão, ý tưởng.

Đó là chưa kể hàng trăm công trình nghiên cứu, bảo vệ xong rồi bỏ đấy. Cũng theo đó, một bộ phận “tiến sĩ giấy” ra đời theo kiểu lục tìm để… chép (chưa nói đến những trường hợp thuê làm luận văn).

Đặc biệt, cần loại bỏ tâm lý “sính bằng cấp” vốn rất nặng nề. Nếu không có động cơ cạnh tranh, vẫn duy trì cơ chế, tư duy, văn hóa ứng xử kiểu: “nhất quan hệ, nhì tiền tệ…” thì sẽ ngày càng có nhiều “tiến sĩ giấy” và những nghiên cứu khoa học “giả vờ” - mà việc thanh tra những biểu hiện tiêu cực trong đào tạo tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là một minh chứng.

Kinh tế tăng trưởng mà tỷ lệ nghịch với nó là sự xuống cấp của môi trường sống, một bộ phận người dân không có việc làm để nuôi sống bản thân, gia đình và phục vụ xã hội thì phải xem lại tính bền vững của sự tăng trưởng ấy. Nếu những kẻ tham quyền tiến thân từ mua bằng cấp vẫn cảm thấy an toàn mà không bị truy tố, thì họ sẽ có khuynh hướng lấn xa hơn nữa. Bản thân điều này có thể gây bất ổn. Nguy cơ lớn hơn là làm mục ruỗng từ trong hệ thống, cản trở sự phát triển.

Phát triển kinh tế phải gắn với thúc đẩy an sinh xã hội, phải thu bớt khoảng cách giàu nghèo. Nếu kinh tế phát triển mà một bộ phận người lao động không được quan tâm đúng mức thì sự phát triển ấy chỉ đem lại lợi ích cho một số người.

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load