(Xây dựng) - Về việc áp dụng công nghệ xử lý nước thải PTF (công nghệ PTF) cho Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long, vừa qua, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1644/BXD-HTKT phúc đáp UBND tỉnh Quảng Ninh.
Ảnh minh họa.
Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 3280/QĐ-UBND ngày 30/12/2014, theo đó, khối lượng các hạng mục công trình thiết bị đầu tư xây dựng cơ bản của dự án bao gồm: ba (03) nhà máy xử lý nước thải khu vực Hà Khánh, Hà Khẩu và Hà Phong với tổng công suất thiết kế là 43.800 m3/ngđ, trạm bơm và tuyến cống thu gom, chuyển tải nước thải (cống bao tự chảy và áp lực, giếng tách dòng và mạng lưới thu gom nước mưa, nước thải), chất lượng nước thải đầu ra dự kiến theo TCVN 7222:2002 - Yêu cầu chung về môi trường đối với các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, quy trình công nghệ xử lý nước thải là công nghệ bùn hoạt tính truyền thống (CAS).
Tại công văn số 4650/UBND-XD3 ngày 27/6/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến về việc áp dụng công nghệ xử lý nước thải PTF (thay thế công nghệ CAS) cho Dự án nêu trên. Việc quyết định thay đổi công nghệ áp dụng này cần phải được xem xét dựa trên các thông số kỹ thuật, tính chất của nước thải đầu vào, các yêu cầu đối với chất lượng nước thải đầu ra, cũng như phải được nghiên cứu tính toán thiết kế áp dụng cụ thể vào trường hợp tại 3 nhà máy xử lý nước thải Hà Khánh, Hà Khẩu và Hà Phong dựa vào các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường tại khu vực dự án. Do chưa có hồ sơ tài liệu các kết quả tính toán nghiên cứu nêu trên, Bộ Xây dựng chưa có cơ sở để góp ý chi tiết. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh cần làm rõ sự cần thiết, lý do thay đổi, tính khả thi và hiệu quả (về kinh tế, xã hội và môi trường) khi áp dụng điều chỉnh công nghệ này, đặc biệt dẫn tới việc kéo dài thời gian lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án và sử dụng quy trình công nghệ mới chưa được áp dụng tại Việt Nam với quy mô công suất đến 15.000 m3/ngđ cho 01 nhà máy.
Một số lưu ý cụ thể:
1. Về Quy trình thủ tục pháp lý: Dự án đề xuất thay đổi công nghệ sẽ dẫn tới các nội dung điều chỉnh liên quan đến tiến độ thực hiện dự án, tổng mức đầu tư... Căn cứ Khoản 1, Điều 61 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014, Điều 14 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Khoản 2, Điều 16 Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình, chủ đầu tư phải đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án trong đó phải làm rõ lý do, nội dung, phạm vi điều chỉnh và đề xuất giải pháp thực hiện. Căn cứ văn bản chấp thuận về chủ trương điều chỉnh dự án của UBND tỉnh, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập hồ sơ dự án thiết kế điều chỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định theo quy định (trường hợp đối với Dự án nhóm A, cấp I).
2. Về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật: Dự án cần nghiên cứu và chuẩn hóa quy chuẩn áp dụng đối với nước thải đầu ra làm cơ sở lựa chọn công nghệ (ví dụ: theo QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp và QCVN 14:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải sinh hoạt phải xem xét tới chỉ tiêu Nito của NH4+, NO3- và chỉ tiêu P khi áp dụng công nghệ xử lý), trong khi theo khuyến cáo của Nhật Bản thì không thể áp dụng một mình công nghệ này cho công trình xử lý nước thải đòi hỏi khử Nitơ và Phốt pho.
3. Về chuyển giao và áp dụng quy trình công nghệ mới: PTF là quy trình công nghệ hầu như chưa được áp dụng tại Việt Nam, ở Nhật Bản mới chỉ thử nghiệm một đơn nguyên có công suất 6750 m3/ngđ, các giải pháp công nghệ mới cần được giải trình về tên/giải pháp kỹ thuật - công nghệ, các kết quả nghiên cứu thực nghiệm, các công trình đã áp dụng, các chỉ dẫn kỹ thuật hoặc tài liệu hướng dẫn, tính khả thi trong điều kiện kinh tế - kỹ thuật và công nghệ của Việt Nam, làm cơ sở trình cơ quan có thẩm quyền xem xét có ý kiến trong quá trình lập, thẩm định dự án điều chỉnh. Việc áp dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ cần tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
4. Một số các lưu ý kỹ thuật khác:
- Về phạm vi áp dụng: Công nghệ này được áp dụng hiệu quả trong các trường hợp cho từng đơn nguyên để tiết kiệm năng lượng, phù hợp với kế hoạch cải tạo, nâng cấp thiết bị hiện có cũng như áp dụng hiệu quả với tải trọng nước đầu vào cao, tăng công suất nước thải hiện có.
- Về thành phần, tính chất và nhiệt độ nước thải đầu vào: Dự án sử dụng hệ thống thoát nước hỗn hợp (chung riêng) bao gồm hệ thống cống bao, giếng tách dòng, mạng lưới thu gom nước mưa, nước thải riêng, nước thải được đấu nối vào hệ thống từ bể tự hoại hộ gia đình. Theo nghiên cứu của WB và thực tế tại một số dự án, với hệ thống mạng lưới như trên thì hàm lượng BOD và SS của nước thải đầu vào thấp, do đó cần thiết phải có sự đánh giá tải lượng BOD, SS lên bể lọc sinh học nhỏ giọt (là một trong các điều kiện để quyết định có đạt được BOD theo yêu cầu chuẩn của công nghệ này hay không) cũng như xem xét hiệu quả đầu tư bể lọc trước và chức năng tuần hoàn của nước thải sau bể lọc sinh học.
Các nghiên cứu thử nghiệm được áp dụng tại Đà Nẵng và tại Nhật Bản theo đó nhiệt độ nước thải đầu vào dưới 13ºC chưa được thử nghiệm, đề nghị dự án có cân nhắc xem xét trong trường hợp thời tiết mùa đông tại khu vực dự án.
- Về quản lý vận hành: Bể lọc sinh học chịu ảnh hưởng của biến động tại trọng, về lưu lượng, nhiệt độ... do đó việc thiết lập quy trình vận hành tương ứng với diễn biến dao động nước thải đầu vào là rất quan trọng cũng như yêu cầu trình độ kỹ thuật cho cán bộ quản lý vận hành trong bối cảnh lần đầu áp dụng theo quy trình công nghệ mới mà cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa có nhiều kinh nghiệm.
- Về vật liệu áp dụng: Công nghệ PTF sử dụng giá thể có hình trụ rỗng (do Nhật Bản cung cấp) để đảm bảo tăng diện tích bề mặt tiếp xúc và độ thông khí. Tuy nhiên, cần có đánh giá về: khả năng cung cấp, giá cả và chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo tính khả thi và sẵn có của vật liệu lọc được cung cấp tại thị trường trong nước thuận lợi, tránh bị động cho việc sử dụng vật liệu sau này.
- Về chiều cao và số lượng bể lọc sinh học cũng như yêu cầu về tải trọng thủy lực: Chiều cao của bể lọc sinh học phải đảm bảo độ dày yêu cầu của lớp giá thể cũng như bố trí các thiết bị kỹ thuật cần thiết, số lượng bể lọc sinh học cũng phải được cân nhắc, bố trí hợp lý, không dàn trải phù hợp với Quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt và điều kiện thực tế cũng như thuận tiện cho công tác quản lý vận hành, đảm bảo mỹ quan đô thị và môi trường. Ngoài ra, tải trọng thủy lực cũng phải được tính toán kỹ để xác định công nghệ áp dụng là bể lọc cao tải hay thấp tải để đảm bảo tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành của Việt Nam và phù hợp khi áp dụng.
Đoan Trang
Theo