Thứ bảy 20/04/2024 17:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

An toàn vệ sinh lao động - Phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu

15:10 | 18/03/2021

(Xây dựng) – Theo đánh giá của Công đoàn Xây dựng Việt Nam, sự chủ quan, thờ ơ của người lao động và người sử dụng lao động là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn lao động, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn tại nơi làm việc. Bởi vậy, để những quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động đi vào cuộc sống thì việc tăng cường công tác truyền thông là một trong những giải pháp có vai trò đặc biệt quan trọng.

an toan ve sinh lao dong phai la nhiem vu uu tien hang dau
Để giảm thiểu tai nạn lao động tai nạn lao động thì người sử dụng lao động phải chấp hành nghiêm các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trên công trường.

Để hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 ngày 04/3/2021, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã ban hành Văn bản số 110/CĐXD-CSPL chỉ đạo các Công đoàn trực thuộc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 do Nhà nước phát động. Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 được tổ chức từ ngày 01/05/2021 đến ngày 31/05/2021 trên phạm vi toàn quốc.

Theo đó, Tháng hành động là đợt cao điểm tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành về thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống Covid-19; đồng thời đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, cơ sở lao động. Thúc đẩy công tác phối hợp giữa công đoàn các cấp với các cơ quan chức năng, chính quyền đồng cấp và người sử dụng lao động trong việc triển khai các chương trình, hành động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cải thiện điều kiện lao động, phát động thi đua, đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, góp phần xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.

An toàn lao động đang diễn biến phức tạp

Năm 2020 vừa qua, tình hình mất an toàn lao động đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Tại Hà Nội, vụ tai nạn lao động sập giàn giáo tại công trình xây dựng số 16, phố Nguyễn Công Trứ (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng), xảy ra tối 30/7/2020, làm 4 người chết khiến người dân không khỏi bàng hoàng. Nguyên nhân của vụ tai nạn được cơ quan chức năng xác định là do gãy thiết bị sàn treo nâng người khiến cả 4 người và vật liệu xây dựng rơi từ tầng 6 xuống đất. Hầu hết các nạn nhân là lao động phổ thông, hợp đồng lao động thời vụ dưới một tháng và không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Cũng trong tháng 7/2020, 5 công nhân Công ty Quảng Phong (Cụm công nghiệp Ngũ Hùng, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, Hải Dương) bị nhiễm độc thiếc với nồng độ rất cao gây tổn thương não, trong đó có một ca tử vong tại Bệnh viện Bạch Mai. Cả 5 công nhân này đều làm việc tại bộ phận nghiền nhựa của Công ty.

Ngày 12/11/2020, tại công trình xây dựng căn nhà 6 tầng trên đường Cống Lở (phường 15, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) khi 3 công nhân đang đứng thi công cách mặt đất khoảng hơn 5m thì dây cáp tải vật liệu đứt khiến giàn giáo đổ sập làm 3 công nhân rơi xuống đất và phải đi cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương… Trước đó, nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra trên cả nước đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ tai nạn lao động xảy ra tại dự án Thủy điện Plei Kần (xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) ngày 25/5/2020 khiến 6 công nhân gặp nạn (3 người chết, 3 người bị thương); vụ tai nạn lao động tại Nhà máy Chế biến gỗ xuất khẩu Kiều Thi, thuộc Công ty TNHH Kiều Thi Junma, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) ngày 10/6/2020 làm 23 người thương vong (3 người chết, 20 người bị thương); vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng phải nhắc đến là vụ tai nạn xảy ra ngày 14/5 tại công trình xây dựng nhà máy của Công ty Cổ phần AV Healthcare (Khu Công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) làm 24 công nhân của Công ty TNHH Hà Hải Nga thương vong...

Theo số liệu của Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), mặc dù đã có nhiều giải pháp được triển khai nhưng tình hình tại nạn lao động vẫn có chiều hướng gia tăng.

an toan ve sinh lao dong phai la nhiem vu uu tien hang dau
Các doanh nghiệp cần thường xuyên tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho người lao động.

Đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động là một trong những chủ trương, chính sách lớn, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng. Tại Điều 35, Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi”. Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực từ tháng 7/2016 với nhiều nội dung, chính sách quan trọng lần đầu được điều chỉnh, trong đó có những chế tài xử lý vi phạm đã được siết chặt hơn.

Tăng cường truyền thông bảo đảm an toàn vệ sinh lao động

Những năm qua, các hoạt động trong Tuần (Tháng) an toàn vệ sinh lao động đã được các địa phương, doanh nghiệp, người lao động tham gia hưởng ứng, làm chuyển biến tích cực nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, người lao động và toàn xã hội. Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động phải được triển khai thường xuyên, liên tục; bởi tai nạn lao động luôn tiềm ẩn, các yếu tố bất ngờ. Thường xuyên xây dựng, phát hành các ấn phẩm, tài liệu, phóng sự, cảnh báo phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; phát các sổ tay, tờ rơi, tài liệu hướng dẫn, video, gửi tin nhắn tuyên truyền về tác an toàn, vệ sinh lao động tới người lao động.

Để cải thiện tình trạng tai nạn lao động thì các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần triển khai rộng rãi Luật An toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động.

Đồng thời, các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp, người lao động để phản ánh mọi mặt của công tác an toàn vệ sinh lao động; chú trọng tuyên truyền các mô hình, những điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, tích cực, có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động nhằm nhân rộng, tạo phong trào thi đua về an toàn vệ sinh lao động trong cộng đồng doang nghiệp. Ngoài ra cần đào tạo, phát triển đội ngũ tình nguyện viên, tuyên truyền viên (xây dựng mạng lưới) tại các doanh nghiệp, làng, xã, chi hội ở địa phương… để tạo sức lan tỏa sâu rộng, tạo hạt nhân tích cực để nâng cao ý thức bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong cộng đồng.

Tuy nhiên, để xây dựng một môi trường làm việc đảm bảo văn hóa an toàn thì bên cạnh những biện pháp mà các cơ quan, doanh nghiệp… đang triển khai áp dụng, mỗi cán bộ công nhân viên phải nâng cao tinh thần tự giác, gương mẫu chấp hành quy trình, quy định an toàn đang được áp dụng.

Hoàng Sơn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load