(Xây dựng) - Bao giờ cũng vậy, cứ khi có sự cố đáng tiếc xảy ra thì vấn đề an toàn, trách nhiệm mới được các nhà quản lý đặt lên bàn cân. Sau sự việc ngạt khí tại tầng G (Trung tâm thương mại The Garden – Hà Nội), liên tiếp các sai phạm đã được Thanh tra Sở Xây dựng phanh phui. Lỗi này thuộc về ai, trong khi các chủ đầu tư luôn khẳng định: “Chúng tôi đã làm rất tốt”.
Nếu khâu quản lý, bảo trì sử dụng được thực hiện tốt thì vấn đề an toàn tầng hầm sẽ không là lỗi lo cho nhiều người dân đô thị hiện nay. (Ảnh: TL)
Sờ đâu cũng thấy sai
Đây là thực tế đã được mục sở thị sau quyết định tổng kiểm tra, rà soát lại thực trạng sử dụng tầng hầm trên địa bàn toàn thành phố của UBND Thành phố Hà Nội. Theo quyết định này, công tác kiểm tra sẽ tập trung vào một số nội dung như thiết kế, công năng sử dụng có đảm bảo theo thiết kế ban đầu…
Và điều khiến nhiều người đặt câu hỏi là tại sao việc kiểm tra, quản lý sử dụng đều được các nhà quản lý “đảm bảo” định kỳ nhưng ngay trong buổi đầu ra quân đầu tiên (hôm 18/3), nhiều sai phạm vẫn được các cán bộ Đội thanh tra các quận “tìm thấy”. Cụ thể tại tòa nhà 9 tầng tại 51 Lê Đại Hành, không giống như công năng thiết kế ban đầu là làm nhà để xe mà toàn bộ khu vực từ tầng 1 đến tầng 3 đã được sử dụng để kinh doanh siêu thị.
Cũng vì nhường chỗ cho dịch dịch vụ kinh doanh siêu thị nên hàng trăm xe máy của cán bộ, nhân viên và khách hàng tòa nhà phải đứng ngoài trời phơi nắng, phơi mưa.
Tương tự tại tòa nhà 12 tầng số 1 - Hàng Vôi (Quận Hoàn Kiếm) cũng cho thấy những “thiếu thốn” trong việc đảm bảo an toàn cho hệ thống phòng cháy chữa cháy, các giấy tờ liên quan đến chuyển đổi công năng sử dụng tòa nhà.
Việc đụng đâu, sai đấy này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về mức độ an toàn và trách nhiệm của các nhà quản lý, bởi không biết sau thời gian dài thanh kiểm tra, các sai phạm còn phát lộ nhiều đến đâu.
Ai nhận lỗi?
Thực tế cho thấy, khâu thiết kế, quản lý sử dụng không đảm bảo dễ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường trong các tầng hầm chung cư. Các chủ đầu tư đều khẳng định họ đã làm rất tốt, vậy phải chăng, quá trình kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng của các cơ quan chức năng đã có vấn đề ?
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, đại diện truyền thông phía Tập đoàn Vingroup cũng cho rằng, họ đã làm rất tốt và thực tế được chứng minh tại hệ thống tầng hầm thông thoáng của Trung tâm thương mại lớn như Royal City (Thanh Xuân) hay Time City (Minh Khai)…
Liên quan đến đảm bảo an toàn tầng hầm, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT – Kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đô thị và KCN Sông Đà 7 cho biết: Về thiết kế thi công xây dựng công trình chúng tôi đều đã làm rất tốt và đã được các ngành chức năng kiểm tra giám sát kỹ lưỡng trước khi đưa vào sử dụng, còn sai sót là do khâu quản lý và quá trình vận hành chưa tốt. Trong thiết kế, chúng tôi đều tuân thủ các Quy chuẩn, tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và được phép áp dụng (về kết cấu, kiến trúc, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hệ thống thông gió, cấp thoát nước…). Đặc biệt, hồ sơ thiết kế đều đã được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt.
Trong thi công xây dựng, quản lý tốt chất lượng công trình xây dựng theo đúng thiết kế, các quy định hiện hành của nhà nước và phải được các Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra nghiệm thu đảm bảo an toàn, chất lượng công trình trước khi đưa vào sử dụng. Sự cố ngạt khí tầng hầm có thể sảy ra là do hệ thống thông gió, hút khói chưa đảm bảo (hệ thống cấp gió tươi, hệ thống hút khói…), lượng khí thải từ ô tô, xe máy trong tầng hầm thải ra quá lớn và thiếu bảo trì hệ thống kỹ thuật của tòa nhà.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành, ông Thắng cho biết: Chủ đầu tư phải xây dựng, ban hành Bản nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư và ràng buộc trong hợp đồng mua, thuê, sử dụng nhà chung cư; Lựa chọn đơn vị có đủ năng lực chuyên môn để quản lý vận hành nhà chung cư được tốt; Thực hiện tốt công tác bảo hành, bảo trì nhà chung cư theo quy định (theo quy trình bảo trì công trình, quy trình bảo trì thiết bị của nhà sản xuất được duyệt…). Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng nhà chung cư, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị trong nhà chung cư cho người sử dụng nhằm nâng cao điều kiện sống, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đảm bảo an ninh trật tự, tạo lập nếp sống văn minh đô thị trong nhà chung cư.
KTS. Trần Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Gia Bảo cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những sự cố là do quá trình bảo trì, sử dụng chưa được đảm bảo. Cần có sự phối hợp tốt giữa chủ đầu tư và Ban quản lý nhà chung cư để yêu cầu các bên có trách nhiệm thực hiện tốt công tác bảo hành theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và hợp đồng xây dựng nhà chung cư. Lập, thẩm định, phê duyệt quy trình bảo trì đúng quy định và hiện tốt công tác bảo trì theo định kỳ để duy trì chất lượng, kiến trúc, cảnh quan, vệ sinh - môi trường của nhà chung cư trong quá trình khai thác sử dụng.
Các chủ đầu tư cũng đưa ra giải pháp, để đảm bảo an toàn, các chủ đầu tư phải có cam kết về vấn đề đảm bảo an toàn tầng hầm. Phía nhà quản lý là Bộ Xây dựng phải yêu cầu các chủ đầu tư cam kết đảm bảo diện tích hút khí thải và bơm khí tươi vào. Sở xây dựng sẽ kiểm tra định kỳ, thường xuyên để đảm bảo an toàn, tránh tình trạng mất an toàn, gây nguy hại đến tài sản, tính mạng người dân.
Tình trạng xuống cấp do sử dụng lâu năm là thực tế khó tránh khỏi tại các tòa chung cư, cao ốc hiện nay. Tuy nhiên, nếu khâu quản lý, bảo trì sử dụng được đảm bảo tốt ngay từ đầu thì có lẽ những sự cố đáng tiếc sẽ không xảy ra.
Kim Thoa
Theo