(Xây dựng) - Vì cuộc sống mưu sinh, với mong muốn kiếm cho mình một công việc với mức thu nhập ổn định, nhiều người lao động đã không quản ngại xa xôi từ các vùng nông thôn lên thành phố làm việc tại các công trình xây dựng nhỏ lẻ. Thế nhưng quyền lợi cũng như an toàn tính mạng của những lao động vốn “chân nấm tay bùn” này lại chưa được chủ thầu quan tâm đúng mức.
Những công nhân xây dựng không hề được trang bị những bộ đồ bảo hộ lao động cần thiết (Ảnh: TL)
Công nhân xây dựng đang phải chịu nhiều thiệt thòi
Với tốc độ đô thị hóa, nhu cầu xây dựng nhà ở, đặc biệt là các công trình xây dựng riêng lẻ tại các TP lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... ngày càng tăng cao. Nắm bắt được xu thế đó, không ít chủ thầu, thường được những người lao động gọi nôm na là “cai xây dựng” đứng ra nhận những công trình nhỏ lẻ với quy mô hộ gia đình rồi tuyển dụng lao động từ các vùng nông thôn với mức lương tương đối cao so với ở quê.
Những chủ thầu này thường là những người không có nhiều tiềm lực về kinh tế, bản thân họ hầu hết là những người không được đào tạo bài bản qua trường lớp, nhưng do nhiều năm bươn trải trong nghề xây dựng, tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như gây dựng được các mối quan hệ, từ đó tự đứng lên nhận các công trình. Cũng chính vì những “điều kiện hạn chế” này mà các chủ thầu dường như ngó lơ, “bỏ ngoài tai” trước những quyền lợi, an toàn tính mạng của hàng chục công nhân lao động.
Anh Đồng Văn Bưởi, quê Bắc Giang hiện đang là công nhân xây dựng cho một công trình xây dựng nhỏ lẻ tại thôn Bầu (huyện Đông Anh - Hà Nội) cho biết: Tôi bươn trải với nghề đã gần 6 năm nay rồi. Những ngày đầu chỉ được làm thợ phụ, bây giờ có kinh nghiệm, chủ thầu giao cho giám sát công trình, công cán cũng được trả cao hơn thợ bình thường, khoảng 300.000 đồng/ngày cơm nuôi. Ở quê bây giờ ruộng nương ít, đi làm Cty nhiều tuổi nên cũng chẳng ai nhận, chỉ đi làm thế này mới có tiền nuôi con ăn học”.
Tuy nhiên, khi được hỏi về chế độ bảo hiểm, anh Bưởi cũng thẳng thắn: “Làm xây dựng thế này lấy đâu ra bảo hiểm. Chúng tôi ở quê lên thì chỉ biết làm thôi, khi nào cần tiền tiêu hay phải gửi về quê thì nói với cai thầu, chứ có giấy tờ, hợp đồng lao động gì đâu, mọi vấn đề như tiền lương, ăn ngủ đều chỉ nói với nhau bằng miệng”.
Không những không được quan tâm tới vấn đề bảo hiểm, theo ghi nhận thì những lao động này còn không được trang bị những đồ bảo hộ lao động cần thiết. Theo quan sát của phóng viên, ngay cả những vật dụng bảo hộ đơn giản như: ủng bảo hộ, găng tay, hay mũ bảo hộ cũng đều không có, mà thay vào đó là những chiếc nón lá, mũ cối với nhiệm vụ chính là để che mưa che nắng. Với một nghành nghề mang tính đặc thù khi phải thường xuyên làm việc với cường độ cao, hàng ngày phải tiếp xúc với gạch, đá, cát, sỏi thì tai nạn xảy ra là khó tránh khỏi.
Trên thực tế đã có không ít những vụ việc đau lòng xảy ra liên quan tới vấn đề an toàn lao động tại các công trình với quy mô nhỏ lẻ. Mới đây nhất vào sáng ngày 4/10, tại công trình nhà của ông Nguyễn Tâm Niệm thuộc phường Tân Hiệp, TP Biên Hoà, anh Phạm Văn Chỉnh 49 tuổi, quê TP Cần Thơ là công nhân xây dựng của công trình đã bất ngờ trượt chân rơi từ lầu một xuống đất dẫn đến tử vong.
Đây không phải là sự cố đáng tiếc đầu tiên, bởi tại các công trình nhỏ lẻ ở khắp các TP lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng đã xảy ra rất nhiều những vụ việc tương tự. Đã đến lúc, quyền lợi của những công nhân xây dựng phải được quan tâm đúng mức.
Cần siết chặt công tác quản lý, giám sát an toàn lao động
Từ lâu vấn đề an toàn lao động tại các công trình xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối. Chính phủ, các Bộ, ngành đã có rất nhiều các Thông tư, Nghị định được sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao trách nhiệm của các chủ thầu xây dựng đối với vấn đề an toàn lao động nhằm hạn chế đến mức tối đa những vụ tai nạn thương tâm.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã ký quyết định ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BXD Quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Thông tư bao gồm V chương và 24 điều, trong đó quy định rất rõ ràng trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình đối với vấn đề an toàn lao động, đồng thời trách nhiệm kiểm tra, giám sát công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Mặc dù, Thông tư đã được ban hành và quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bên liên quan, nhưng để được áp dụng thực tế, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc cũng như sự giám sất chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm bảo đảm không làm suy giảm sức khỏe, thương tật, tử vong đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình. Thông tư số 04/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình sẽ góp phần quản lý chặt chẽ về an toàn lao động trong công tác thi công xây dựng công trình, tuy nhiên, cần phải có giải pháp thực tế để những quy định được đi sát vào đời sống. Cần thiết phải có sự giám sát, quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng để vấn đề an toàn lao động không còn là vấn đề nhức nhối gây ảnh hưởng lớn tới bộ mặt của toàn ngành Xây dựng.
Thân Nam
Theo