Thứ năm 25/04/2024 09:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ăn Tết trên công trường cực Nam Tổ quốc

09:00 | 25/01/2020

(Xây dựng) - Sau chuyến đi và những giây phút đón giao thừa thiêng liêng cùng những người thợ áo xanh, tôi lâng lâng và tin rằng: Mùa Xuân đất nước, sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đã và đang khắc họa bằng chính những công trường, bằng ý chí và tình yêu Tổ quốc của những kỹ sư trẻ, của những người thợ vô cùng đáng yêu như thế này…

an tet tren cong truong cuc nam to quoc
Tác giả cùng công nhân LILAMA đón giao thừa trên công trường.

Tôi đi ủng, đội mũ bảo hộ, xắn quần quá đầu gối, leo lên ghe cùng những người thợ áo xanh LILAMA đi dọc theo kênh T21, một nhánh của con sông Cái Tàu vào công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau. Đã gần 3 tháng nay, Cà Mau, mảnh đất cực Nam của Tổ quốc mù mịt trong mưa, những tia nắng hiếm hoi chỉ lóe lên trong chốc lát rồi lại sầm sập tối. Con đường từ TP Cà Mau dẫn vào dự án KCN Khí - Điện - Đạm Cà Mau dài hơn 20 cây số lầy lội, nhão nhoét, không ít đoạn lòng đường chỉ vừa đủ cho một làn xe chạy. Hai bên đường sông nước, kênh rạch chằng chịt, những tàu lá chuối rũ rượi, èo ọt bởi bùn đất và nước mưa. Vì vậy toàn bộ thiết bị, vật tư cho hai nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp có tổng công suất 1.500 MW, trong đó có nhiều thiết bị siêu trường siêu trọng như tua bin, máy phát do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm tổng thầu đều phải vận chuyển bằng đường thủy. Vào nhà máy làm việc, kỹ sư, công nhân của chủ đầu tư và các nhà thầu đều phải đi bằng thuyền hoặc ghe, điều mà chưa bao giờ thấy ở các dự án khác.

Còn nhớ cách đấy hơn 10 năm, bên bờ biển Hà Tiên, quê hương của chị Sứ anh hùng trong tác phẩm “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức, những người thợ LILAMA cũng đã vượt lên khó khăn, vất vả để xây dựng Nhà máy Xi măng Sao Mai hiện đại trên bãi đất sình lầy, lau sậy và đã để lại ấn tượng đẹp cho chủ đầu tư là Tập đoàn Holderbank (Thuỵ Sĩ).

Tuy vậy, so với dự án điện Cà Mau thì gian nan, vất vả ở Xi măng Sao Mai chẳng thấm vào đâu... Khu vực đặt hai nhà máy điện rộng 30 ha trước đó là khu đầm lầy ngập mặn xen lẫn những vuông tôm. Vì vậy, việc gia cố, xử lý nền móng cho nhà máy được đặc biệt quan tâm. Kỹ sư Đỗ Ngọc Thạnh - Giám đốc công trường cho hay, khi khoan thăm dò ở khu vực nhà máy, xuống sâu 25 mét mà vẫn là bùn, tới sâu 40 mét mới thấy đất đông lại và phải sâu 90 mét thì mới chạm vào nền đất sàn. Chiếc cọc bê tông đầu tiên khi đóng xuống đã “mất hút” luôn tới độ sâu 75 mét. Và để có một nền đất cứng vững xây dựng Nhà máy điện Cà Mau như ngày nay, công nghệ bơm hút nước trong đất bùn để phần đất còn lại cấu kết với nhau thành nền đất cứng đã được chủ đầu tư cùng những người thợ lắp máy và nhà thầu Vinci (Pháp) thực hiện với quy mô lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. Nhìn những bức tường bao tải cát chất cao tới cả chục mét với mục đích gia tải cho nền đất, tôi hiểu, những kỹ sư và người thợ ở đây là phải trải qua những khó khăn thử thách, cam go đến mức nào…

Cái tên U Minh và những câu chuyện trong tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi hay một khu rừng ngập lợ “man mác” hương tràm đã in đậm trong tôi từ thuở sinh viên Văn khoa. Nhưng nếu không đến đây, không đến vùng đất chiến khu xưa này, tôi sẽ không hình dung ra nổi bằng cách nào những người thợ lắp máy lại có thể lắp đặt chính xác và an toàn hai tua bin khí, mỗi tua bin nặng 315 tấn cho Nhà máy Điện Cà Mau trong điều kiện thời tiết mưa lũ và khó khăn như vậy. Mấy ngày ấy, cả công trường đỏ rực mầu áo bảo hộ lao động có những tia phản quang lấp lánh, rồi sự căng thẳng đến tột độ khi hồi còi hiệu lệnh của người chỉ huy vang lên, cánh tay đòn của hai cầu trục vươn ra đón lấy khối thép khổng lồ nâng dần từng ly đưa vào vị trí. Chỉ đến khi neo ê cu néo giữ cuối cùng siết chặt, tất cả mới thở phào nhẹ nhõm, tiếng vỗ tay vang dội công trường. Những giọt nước mắt lặng lẽ, sung sướng hòa cùng những giọt mồ hôi và cả nước mưa trắng trời U Minh…

Cà Mau là dự án nhiệt điện đầu tiên do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư xây dựng và mạnh dạn giao cho các DN trong nước làm tổng thầu EPC (từ tư vấn, thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao) hay gọi cách khác là phương thức chìa khóa trao tay, không qua phương thức đấu thầu quốc tế, trong đó nhiệt điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2 là ví dụ điển hình.

an tet tren cong truong cuc nam to quoc

Cho đến nay những tập đoàn, công ty có khả năng đảm đương được tổng thầu EPC trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kinh nghiệm ở các nước như Mỹ, Italia, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... và thực tế ở Việt Nam mấy năm qua cho thấy tổng thầu EPC, EPCI đã mang lại cho DN và quốc gia lợi ích rất lớn. Nó không chỉ tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước như vật tư, nhân công, máy móc, chi phí quản lý dự án so với tổng thầu nước ngoài, giảm chi phí, đào tạo được đội ngũ kỹ sư quản lý, điều hành dự án, công nhân chuyên nghiệp mà còn giúp DN trong nước có tích lũy, thúc đẩy các ngành cơ khí, tự động hóa, luyện kim… cùng phát triển. Các DN muốn vươn lên trở thành các tập đoàn công nghiệp mạnh, nắm giữ những lĩnh vực xương sống của một nền công nghiệp phát triển thì không thể không thực hiện vai trò tổng thầu EPC. Đó chính là ý chí quốc gia và tự hào dân tộc.

Còn nhớ, theo tiến độ, tháng 3/2007 chu trình hở và cuối năm 2007 chu trình hỗn hợp Nhà máy điện Cà Mau I hòa lưới điện quốc gia. Tháng 3/2008 Nhà máy điện Cà Mau II vận hành, cung cấp khoảng 10 tỷ KWh điện mỗi năm cho hệ thống điện, chiếm 18% tổng sản lượng điện của cả nước, một thời gian thi công thần tốc mà chưa dự án nào đạt được.

Để thực hiện mục tiêu phát điện, LILAMA đã đưa về đây một lực lượng hùng hậu với trên 2.000 kỹ sư và công nhân trẻ. Lán trại của công nhân nằm xen bên rừng lau sậy và kênh rạch sình lầy. Ngoài thời gian làm việc ở công trường, mọi sinh hoạt của người thợ như ăn uống, đọc sách, xem tivi, chơi tá lả... đều ở trong màn bởi quờ tay là được cả vốc muỗi rừng. Cực là thế, vậy mà công trường Cà Mau luôn rực sáng ánh đèn bởi 3 ca làm việc liên tục. Câu nói “Thi công công trường cũng phải như quân đội đánh giặc” thật quá đúng với điện Cà Mau.

Dự án lớn như vậy, song lại do một kỹ sư vừa bước qua tuổi 40 quản lý, điều hành. Với mái đầu “cua” gọn gàng, đôi mắt sáng và đôi ủng đen, Chu Thanh Liêm - Phó giám đốc thường trực Dự án điện Cà Mau đã quản lý, điều hành gần 2.000 kỹ sư và công nhân trên công trường, trong đó có hàng chục chuyên gia đến từ các nước Pháp, Đức, Nhật... Hơn 9 năm làm ở phòng kỹ thuật LILAMA, có điều kiện tiếp cận với nhiều dự án đã giúp Liêm đúc kết được nhiều kinh nghiệm và có một đầu óc tổng hợp nhanh. Theo kỹ sư Liêm, tổng thầu EPC là một công việc rất khó khăn, phức tạp. Ngoài việc tư vấn và thiết kế dự án, vấn đề kiểm soát thiết kế, vật tư, thiết bị và phối hợp nhịp nhàng giữa thiết kế chi tiết với việc thi công, xây lắp, xử lý giao diện giữa các gói thầu, lập trình tự vẽ thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công, lường trước các khó khăn để hạn chế rủi ro trong quá trình xây dựng dự án là một công việc rất khó khăn của tổng thầu. Nếu kiểm soát thiết kế không tốt, việc điều phối các nhà thầu không hợp lý, sự phối hợp giữa xây và lắp thiếu đồng bộ mà để lệch về trình tự một phần công việc sẽ làm nẩy sinh mâu thuẫn, làm tăng chi phí và ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung…

Với tư cách là tổng thầu EPC dự án, LILAMA đã đưa ra những phương án thi công tối ưu trên công trường, quy tụ sự đoàn kết, hỗ trợ giữa các nhà thầu Seamens, Vinci, LILAMA cùng một mục tiêu đưa nhà máy vào vận hành đúng tiến độ.

Không những thế, lãnh đạo PVN cũng thường xuyên có mặt tại công trường để họp giao ban, động viên chủ đầu tư và công nhân. Công trường vào giai đoạn thi công nước rút cũng trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán nhưng hầu hết cán bộ, công nhân vẫn ở lại làm việc và ăn tết tại công trường. Nhịp độ công trường luôn hối hả, luôn cuốn hút mọi người. Những cuộc giao ban đều đặn sáng và chiều, các phong trào thi đua liên tục được phát động, điện sáng cả ngày và đêm, gần như không ai biết đến ngày nghỉ, ngày lễ tết. Những khẩu hiệu màu đỏ chữ vàng, những chiếc đồng hồ đếm ngược như động viên, thôi thúc tinh thần người thợ…

Thật may mắn, tôi theo kỹ sư Lê Văn Tuấn - Giám đốc Dự án (bây giờ là Tổng giám đốc LILAMA) xuống Cà Mau đón giao thừa 2008 và phát phần thưởng cho những người lao động giỏi. Không bàn, không ghế, nhưng vẫn có hoa mai, hoa đào, bánh chưng xanh, mứt tết và rượu đế, hàng trăm người thợ áo xanh, áo vàng quây quần bên những chiếc chiếu rộng đón tết giữa đất trời U Minh lộng gió… Với tác phong nhanh nhẹn, miệng nói tay làm, Lê Văn Tuấn trao tận tay mừng tuổi từng người thợ đồng tiền màu vàng cam 200 ngàn đồng. Những người có thành tích được bình bầu từ các tổ đội lao động được thưởng 1 triệu đồng. Ông bảo: “Một đồng tiền thưởng hơn vạn đồng tiền công. Tiền thưởng được trao đúng lúc, đúng chỗ và trao tận tay người thợ. Đó chính là tác dụng, là ý nghĩa và sức sống của thi đua, của phong trào”…

Phần thưởng không lớn, nhưng lớn hơn nhiều lần là sự có mặt của lãnh đạo Lilama trong giờ phút chuyển giao năm cũ năm mới đầy thiêng liêng và ấm áp đã khích lệ và lan tỏa đến từng người thợ.

Vợ vừa sinh con trai, nhưng kỹ sư trẻ Phạm Văn Lợi, người đã từng thi công Dự án Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nhiệt điện Phú Mỹ… quyết tâm ở lại công trường chờ khi nhà máy phát điện mới về thăm con. Lợi xúc động nói: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Chúng tôi may mắn tự hào mang sức trẻ cống hiến và góp phần làm thay da đổi thịt mảnh đất cực Nam Tổ quốc”…

Đúng vậy, “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”, ai đó nghe sẽ cho rằng, câu nói sáo rỗng, hô khẩu hiệu nhưng chứng kiến quyết tâm, ý chí và cả những việc mà kỹ sư Lợi cùng những người thợ LILAMA lăn lộn trên công trường xa xôi thử thách nơi cực Nam Tổ quốc này, tôi tin họ đã suy nghĩ và làm việc bằng trái tim, khát vọng và cả lòng yêu đất nước.

Nhiệt điện Cà Mau không chỉ quy tụ được 5 cái nhất: Dự án lớn nhất, xa xôi nhất, phát huy nội lực lớn nhất, thi công trong điều kiện khó khăn, phức tạp nhất và thời gian thi công nhanh nhất mà còn được tạo nên bằng vô hạn những khoảng khắc đẹp nhất, thiêng liêng nhất của biết bao người lao động... Chưa bao giờ tôi lại yêu những công trường và những người thợ như thế…

Đêm giao thừa và ăn Tết cùng thợ LILAMA ở Cà Màu mãi mãi là dấu ấn hiếm hoi và kỷ niệm đẹp trong những năm cầm bút của mình. Nằm trong khu nhà khách, nghe bước chân của người thợ vừa tan ca, tôi thao thức mãi không sao ngủ được. Thương lắm những người thợ hầu hết quê ở các tỉnh phía Bắc, sống cuộc đời đơn chiếc, suốt đời làm bạn với những công trường luôn coi đồng nghiệp là người thân, công việc làm niềm vui. Nhìn ra xa, trong những khu đầm lầy, những ánh đèn lẻ loi giữa khoảng tối mênh mông, từng đàn cò, đàn vạc đi ăn đêm mải miết bay về tổ trong những khu tràm chim.

Một năm nữa thôi, khi cả hai nhà máy điện đi vào hoạt động, đêm Cà Mau, rừng U Minh sẽ sáng hơn. Vùng đất cực Nam của Tổ quốc sẽ thay da, đổi thịt bởi những bàn tay và khối óc của những người dầu khí và cả những người xây dựng LILAMA…

Tôi tạm biệt Cà Mau với lời hẹn quay trở lại. Vâng tôi sẽ trở lại và chờ giây phút điện Cà Mau òa sáng bởi những người dầu khí và lắp máy không bao giờ lỗi hẹn. Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền xé sóng mũi Cà Mau. Tôi bâng khuâng, xao xuyến nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu và ngoái nhìn lại công trường Cà Mau trong một sáng bình minh đầy tiếng chim...

Sau chuyến đi ấy, sau những phút đón giao thừa thiêng liêng cùng những người thợ áo xanh, tôi lâng lâng và tin rằng: Mùa Xuân đất nước, sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đã và đang khắc họa và dệt lên bằng chính những công trường, bằng ý chí và tình yêu Tổ quốc của những kỹ sư trẻ, của những người thợ vô cùng đáng yêu như thế này…

Phóng sự của Trần Thị Sánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load