Tính đến đến nay, An Giang có 33/119 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM). Dự kiến đến cuối năm sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn. Đặc biệt, An Giang hiện đã có 2 TP có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (bìa phải) trao Quyết định của UBND tỉnh, công nhận xã Long An, TX Tân Châu đạt chuẩn NTM
BCĐ các Chương trình MTQG xây dựng NTM An Giang cho biết, tính đến 30/6, toàn tỉnh đã có 33/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM (chiếm 27,73%). Ngoài ra, An Giang có 25 xã đạt từ 15 -18 tiêu chí, trong đó có 15 xã NTM; 36 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 33 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.
Đặc biệt, An Giang hiện có 2 đơn vị cấp huyện, là TP Long Xuyên và TP Châu Đốc có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, TP Châu Đốc đang được UBND tỉnh An Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2017.
Trong 2018, An Giang đặt mục tiêu thêm 13 xã đạt 19/19 tiêu chí (trong đó gồm 10 xã theo kế hoạch và 3 xã của huyện Thoại Sơn đạt trước lộ trình), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 46/119 xã (chiếm 38,66%). Để đạt được kết quả này, BCĐ tỉnh yêu cầu các cấp ủy và chính quyền thực hiện đồng bộ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh, xây dựng NTM.
Tính đến đến nay, An Giang có 33/119 xã NTM
Đặc biệt, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tăng cường; lao động có việc làm ổn định hằng năm; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhờ đó, thu nhập bình quân ở nông thôn năm 2017 đạt 36,1 triệu đồng/người, tăng gần 8,6 triệu đồng so với 2015. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 1,34%. Các chỉ tiêu khác đều phát triển tốt.
Nông nghiệp, nông thôn tỉnh An Giang đã có những bước đổi thay căn bản, toàn diện. Bộ mặt nông thôn khang trang, cảnh quan nông thôn, vệ sinh môi trường được cải thiện, đời sống người dân được nâng lên, kinh tế - xã hội phát triển.
Cơ sở hạ tầng các xã đạt chuẩn, các tuyến giao thông, trường học, trạm y tế, chợ được đầu tư nâng cấp; hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi được kiên cố hóa, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, tham gia bảo hiểm xã hội đều tăng.
Ngoài ra, chủ trương đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp từ Trung ương đã tạo tiền đề để tỉnh đẩy mạnh phát triển KH- CN, công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là nhân tố quan trọng giúp thu nhập người dân ở khu vực nông thôn tăng cao trong thời gian qua.
Nhờ xây dựng NTM mà thu nhập đạt 36,1 triệu đồng/người/năm, tăng gần 8,6 triệu đồng so năm 2015
Song song với những kết quả đạt được, BCĐ xây dựng NTM An Giang cũng nhận ra còn nhiều khó khăn, tuy nhiên một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn lực từ Trung ương bố trí cho xây dựng NTM chưa thỏa đáng.
Cụ thể, giai đoạn từ 2016 - 2020 An Giang đề ra kế hoạch phấn đấu thêm 17 xã đạt chuẩn NTM (lũy kế 2010 - 2020 có 30 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ 25,2%). Tuy nhiên, theo yêu cầu của Trung ương, An Giang phải điều chỉnh kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 lên thêm 48 xã với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 4.900 tỷ đồng (lũy kế 2010 - 2020 là 61 xã, đạt tỉ lệ 51,26%) trong khi nguồn ngân sách tỉnh chỉ có thể đáp ứng đầu tư cho khoảng 30 xã.
Trong điều kiện tỉnh còn phải hưởng trợ cấp của TƯ trong cân đối thu chi, nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phát triển KT- XH rất lớn, nhưng vẫn dành cho 1/5 nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, cho thấy sự quan tâm, ưu tiên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM lớn thế nào.
Dự kiến trong năm 2018, An Giang có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM
An Giang có điều kiện thuận lợi nữa, chính là lòng dân trong triển khai xây dựng NTM. Hiện người dân đã nhận thức sâu sắc vấn đề này, bà con chung sức, chung lòng cùng Đảng, chính quyền xây dựng “ngôi nhà chung- nông thôn mới An Giang” ngày thêm khang trang, vững chắc và thân thiện với môi trường. |
Theo LÊ HOÀNG VŨ/Nongnghiep.vn