Thứ sáu 13/12/2024 18:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

An cư cho người thu nhập thấp

09:40 | 29/11/2024

Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xứng tầm với vị thế và vai trò của Thủ đô.

Một trong những nội dung đáng chú ý là các điều khoản liên quan đến công tác phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp và người không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.

An cư cho người thu nhập thấp
Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh: Đỗ Tâm

Nhu cầu nhà ở rất lớn

Trong Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" (tại Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 3-4-2023), Hà Nội cùng thành phố Hồ Chí Minh là một trong 2 địa phương được giao nhiệm vụ triển khai. Cụ thể, giai đoạn này, Hà Nội phải hoàn thành xây dựng 56.200 căn hộ (18.700 căn giai đoạn 2021-2025 và 37.500 căn giai đoạn 2026-2030).

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2021-2030, Hà Nội đã và đang triển khai 63 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 61.900 căn hộ. Tính riêng trong năm 2024, thành phố dự kiến hoàn thành khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội tại 7 dự án, trong đó 3 dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành 78.000m2 sàn với 1.180 căn hộ; 4 dự án phát triển mới với 0,7 triệu mét vuông sàn, khoảng 9.000 căn hộ.

Như vậy, Hà Nội cơ bản có thể hoàn thành chỉ tiêu về nhà ở xã hội được Chính phủ giao. Tuy nhiên, trên thực tế do quá trình đô thị hóa nhanh, kéo theo sự gia tăng dân số cơ học dẫn đến vấn đề an sinh xã hội về nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp vẫn là bài toán khó.

Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp, khu chế xuất và Khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp và khoảng 167 nghìn lao động, trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh. Khoảng trên 70% công nhân, người lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa bảo đảm; mức giá thuê trọ, tiền điện, tiền nước cao..., gây khó khăn cho đời sống công nhân.

Theo anh Nguyễn Văn Nam (công nhân Công ty cổ phần Hãng sơn Đông Á, ở huyện Gia Lâm), sau khi Khu đô thị Đặng Xá được đầu tư thì nhiều năm qua, trên địa bàn huyện không có thêm dự án nhà ở xã hội. Nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ của công nhân, viên chức, người lao động đang vượt xa so với nguồn cung nhà ở.

Chính sách đột phá giúp giải quyết cung - cầu

Những vấn đề nêu trên chủ yếu xuất phát từ những vướng mắc trong triển khai cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, như: Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa đủ hấp dẫn, không thực chất…

Trước những khó khăn chung liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã có điểm mới về cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, luật quy định nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, phát triển nhà ở xã hội phải được lập đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết và tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan cùng một thời điểm. Tuy vậy, việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết phải được thực hiện trước, làm cơ sở thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết phát triển nhà ở xã hội (Điểm a Khoản 2 Điều 29 Luật Thủ đô năm 2024).

Theo Sở Xây dựng, việc cho phép thực hiện đồng thời hai hoạt động này sẽ rút ngắn thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết và lập đồ án quy hoạch chi tiết. Quy định này giúp đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư và cấp phép đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Đáng lưu ý nữa, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô khi giao quyền cho HĐND thành phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập.

Bên cạnh đó, HĐND thành phố được quyết định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án phát triển nhà ở, nhà lưu trú bố trí cho người lao động làm việc tại khu công nghệ cao, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố (Khoản 4 Điều 29 Luật Thủ đô năm 2024). Quy định này nhằm thu hút nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của việc phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên nhận định, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và những điều khoản riêng về nhà ở xã hội trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là một bước tiến rất lớn nhằm tạo ra những cơ chế vượt trội, tạo sức hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. Chính sách mới được triển khai tốt sẽ giúp người thu nhập thấp an cư, lạc nghiệp.

Theo Hà Phong/hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load