Thứ hai 16/09/2024 15:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Ai là ông tổ của ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam?

21:54 | 17/11/2012

Các chu kỳ biến đổi khí hậu trên thế giới

Hiện tượng nhiệt độ bề mặt Trái đất nóng lên và lạnh đi vốn là hiện tượng tự nhiên xảy ra có tính chu kỳ trong lịch sử hình thành và phát triển của Trái đất. Không phải chỉ bây giờ, lịch sử Trái đất hàng triệu triệu năm đã trải qua nhiều lần nóng lên rồi lại lạnh đi kéo theo những biến động to lớn trong đời sống sinh vật trên Trái đất, làm thay đổi cả diện mạo địa hình lục địa và đại dương. Tính từ 1,6 triệu năm đến nay đã có 5-6 chu kỳ biến động lớn. Đó là các thời kỳ băng hà kéo theo mực nước biển hạ thấp (biển lùi) và các thời kỳ gian băng (băng tan) kéo theo mực nước biển dâng cao (biển tiến). Vào các thời kỳ băng hà, nhiệt độ bề mặt Trái đất khô lạnh. Vào thời kỳ gian băng nhiệt độ bề mặt Trái đất đan xen giữa nóng ẩm và khô hạn. Vào các thời kỳ đó, biên độ dao động của nước biển (dâng, hạ) lên đến hàng chục, hàng trăm mét. Mỗi chu kỳ kéo dài hàng vạn, chục vạn năm. Mỗi chu kỳ như vậy còn được chia ra các chu kỳ ngắn hơn với thời gian kéo dài nhiều trăm năm đến nghìn năm với biên độ dao động mực nước biển 2-3 m hoặc hơn. Khí thải CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính là hiện tượng do con người gây ra trong mấy trăm năm gần đây. Vì vậy, cả hai nguyên nhân trên đều có cơ sở thực tế và chúng cùng tác động gây ra tình trạng Trái đất nóng lên một cách bất thường như hiện nay. Do đó, cần phải nhìn nhận hiện tượng nóng lên của Trái đất hiện nay bằng quan điểm biện chứng: chu kỳ nóng ấm của Trái đất mang tính nội sinh và ngoại sinh tự nhiên được đẩy nhanh và trở nên nghiêm trọng hơn do những tác động của khí thải công nghiệp và hiệu ứng nhà kính.

Hệ quả đồng hành với việc bề mặt Trái đất nóng lên luôn luôn là sự tan những khối băng vĩnh cửu ở hai đầu địa cực và trên đỉnh những dãy núi cao. Nhưng chưa bao giờ tốc độ tan băng lại diễn ra với tốc độ nhanh và quy mô lớn như ngày nay. Chẳng hạn như ở Nam Cực, tháng 3/2002 các nhà khoa học tận mắt chứng kiến khối băng 500 tỷ tấn tan rã thành hàng nghìn mảnh; ở Bắc Cực, mùa hè 2002 lượng băng tan ở Greenland cao gấp đôi so với 1992, diện tích băng tan đã lên tới 655.000 m2. Hơn 110 sông băng và những cánh đồng băng vĩnh cửu ở bang Montanađã biến mất trong vòng 100 năm qua. Các sông băng sẽ biến mất khỏi dãy Alpes vào năm 2050 (nếu độ tan chảy duy trì như hiện nay)…

Trong thế kỷ XX cùng với sự tăng lên của nhiệt độ mặt đất có sự suy giảm khối lượng băng trên phạm vi toàn cầu. Từ năm 1978 đến nay, lượng băng trung bình hàng năm ở Bắc Băng Dương giảm khoảng 2,1-3,3% mỗi thập kỷ (IPCC, 2007).

Ai là Ông tổ của ứng phó với BĐKH ở Việt Nam?

Có một truyền thuyết lâu đời, liên quan đến sự ứng phó với BĐKH của cha ông ta từ hàng nghìn năm trước, chuyện kể rằng:

Ngày ấy vua Hùng Duệ Vương sinh được hai mươi hoàng nam và sáu công chúa. Song do đa số đã yểu tử nhà vua chỉ còn lại 2 người công chúa. Người con gái lớn là Tiên Dung đã kết duyên cùng Chử Đồng Tử. Chỉ còn lại công chúa Ngọc Hoa chưa hề cùng ai. Vua bèn cho lập một ngôi lầu cao ở cửa Việt Trì, xuống chiếu truyền cho thiên hạ kén rể tài năng.

Thời đó chàng trai Nguyễn Tuấn, con nuôi bà chúa Thượng Ngàn, được mẹ nuôi đặt tên cho là Sơn Tinh, cùng mẹ sống ở vùng núi Ba Vì (huyện Ba Vì ngày nay). Được tin vua Hùng Duệ Vương kén rể, Sơn Tinh đã đến kinh đô Việt Trì xin được làm phò mã. Thủy Tinh con vua Thủy Tề, người đã từng kết bạn với Sơn Tinh do một lần tình cờ được Sơn Tinh cứu mạng, được tin vua Hùng Duệ Vương kén rể, Thủy Tinh cũng đến kinh đô Việt Trì xin được làm phò mã.

Ngày vua kén rể, khắp trên sông đầy thuyền. Anh hùng các ngả hăng hái kéo về kinh đô thi tài rồi lại buồn bã ra đi vì kẻ được mặt này lại không hay mặt khác… Cuối cùng chỉ còn Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng nhau thi tài để mong vua Hùng chọn là phò mã. Nhà vua vui mừng, đi xe mây đến huyện Bạch Hạc ngự xem cuộc thi. Sơn Tinh trở về đỉnh núi còn Thủy Tinh trở về đáy sông. Cả hai ra sức dùng phép thuật để tỷ thí, phép thuật của ai cũng huyền diệu làm cho vua Hùng không biết gả con gái cho người nào, bèn hẹn hôm sau ai đem đủ lễ vật: “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” đến trước thì sẽ gả con gái cho. Sơn Tinh được mẹ nuôi là Bà Chúa Thượng Ngàn phù trợ nên đã có đủ lễ vật đến trước và được vua Hùng gả công chúa Ngọc Hoa cho và được phong làm phò mã.

Không lấy được Ngọc Hoa công chúa, Thủy Tinh quên cả tình xưa nghĩa cũ, ơn cứu mạng của Sơn Tinh, hợp sức với vua cha là Thủy Tề đã hóa phép làm mưa to, gió lớn, bão tố dâng nước lên làm ngập lụt cả đồng ruộng, nhà cửa, hoa màu của người dân. Nhưng nước dâng lên bao nhiêu thì Sơn Tinh lại hóa phép cho núi dâng cao bấy nhiêu. Tuy ở trên núi cao nhưng Sơn Tinh vẫn phải chống đánh Thủy Tinh cực kỳ vất vả. Thủy Tinh đã ba lần xô nước húc nghiêng cả núi Chàng Rể (một ngọn núi ở sườn phía tây dãy núi Ba Vì), một lần dâng nước lên tận Ao Vua trên lưng chừng núi Tản và một lần phá đổ sườn bắc Tản Viên ở mạn suối Di. Sơn Tinh đã phải ra sức gánh đất đắp núi để chặn nước sông Hồng, sông Tích… Câu chuyện “đồi Đùm đứt quai, đồi Vai lọt sọt” do Sơn Tinh gánh đất đắp núi, quai đứt làm đất rơi xuống thành quả đồi Đùm, đất rơi xuống từ sọt gánh đất cũng hình thành nên quả đồi Vai thuộc dãy núi Ba Vì ngày nay cho thấy trận Sơn - Thủy chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh ác liệt đến nhường nào. Cuối cùng Thủy Tinh đã thua chạy và rút luôn nước theo xuống Biển Đông (Đoàn Công Hoạt, 1974).

Những truyền thuyết trên đã phản ánh một sự thật lịch sử của tổ tiên ta là ở cuối thời các vua Hùng (18 đời) khi định cư từ rừng núi, trung du xuống đồng bằng đã phải vật lộn với hoàn cảnh tự nhiên cực kỳ khắc nghiệt. Đó là cuộc đấu tranh giữa con người với tự nhiên xoay quanh trục Đất và Nước, phải thích nghi và chiến thắng nạn lũ lụt diễn ra dữ dội theo chu kỳ mùa mưa hàng năm, mà ngày nay trong quy hoạch đô thị hiện đại chúng ta gọi là “San nền - Tiêu thủy”, “ứng phó với hiện tượng ngập lụt” hay “ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Vậy là từ hàng nghìn năm trước, ứng với các thời kỳ biển tiến và biển thoái, lũ lụt theo mùa… tổ tiên ta đã từng có nhiều bài học về ứng phó với BĐKH, tình trạng ngập lụt thường xuyên xảy ra. Tản Viên Sơn Thánh chính là ông tổ, là vị anh hùng trị thủy, người anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Người đã được tôn thờ trong nhiều đình, đền (Hình 1), miếu thờ, đã đi vào tâm thức của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay và đã được coi là vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử”, Thần chủ của các vị thần nước Nam (Phan Thị Bảo, 2011).


Đền Hạ (Tây Cung), một trong năm cung đền lớn ở huyện Ba Vì (Hà Nội) thờ Đức Thánh Tản Viên - Ông tổ của ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.

Điều không thể chấp nhận được ?

Mùa hè, tháng 8/2005 cơn bão Katrina kết hợp mưa lớn kéo dài đã tràn vào thành phố duyên hải New Orleansgây tổn thất nặng nề cho thành phố này. Cơn bão hình thành ngày 23/8/2005và đạt cường độ cao nhất vào ngày 28/8/2005. Hậu quả là hệ thống hạ tầng thoát nước đô thị và chống lũ lụt đã không có tác dụng và 80% diện tích thành phố bị ngập lụt trong nhiều tuần, dẫn đến việc phải sơ tán 1,3 triệu người và 1.836 người đã bị thiệt mạng (Morris và Waggonner, 2009). Katrina là cơn bão chết người, phá hoại nặng nề nhất trong mùa bão Đại Tây Dương năm 2005, là một trong 5 cơn bão nguy hiểm nhất và được mệnh danh là cơn bão “đắt đỏ nhất” trong lịch sử Mỹ bởi tổng thiệt hại lên tới 125 tỷ đô la Mỹ. Do số người chết lớn và sức tàn phá nặng nề của trận bão, tên Katrina đã chính thức được Tổ chức Khí tượng thế giới cho “nghỉ hưu” theo đề nghị của Chính phủ Mỹ, từ ngày 6/4/2006. Cái tên đó sẽ không bao giờ được đặt cho một cơn bão Bắc Đại Tây Dương nào nữa.

Bão Sơn Tinh diễn ra khá bất thường và là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua hình thành từ Thái Bình Dương đổ vào Việt Nam. Từ ngày 23/10/2012, bão Sơn Tinh bắt đầu ảnh hưởng tới ven biển miền Trung từ tối 27/10. Cơn bão có lúc đạt tới cấp 14 quét dọc theo bờ biển Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ. Theo thống kê mới nhất của các tỉnh, cơn bão đã gây hại trên 7.500 tỷ đồng. Trong đó, nặng nề nhất là Thái Bình (2.662 tỷ), NamĐịnh (1.535 tỷ), thành phố Hải Phòng (gần 1.000 tỷ). Một số tỉnh nằm sâu trong đất liền cũng thiệt hại nặng như Hải Dương (trên 800 tỷ), Hưng Yên (trên 600 tỷ), Hà Nam(350 tỷ). Ngoài thiệt hại lớn về tài sản, 8 người đã chết, 3 người còn mất tích và gần 100 người bị thương.

Sơn Tinh là một trong bốn người không bao giờ chết trong lòng dân tộc Việt Nam (Tứ bất tử) mà lại được tổ chức Khí tượng Việt Nam đồng thuận với tổ chức Khí tượng Thế giới đặt tên cho trận bão hung hãn tàn phá vùng duyên hải Việt Nam. Không biết cơ quan Khí tượng Việt Namnghĩ gì về việc này ? Đề nghị cơ quan Khí tượng Việt Nam đề xuất với tổ chức Khí tượng Thế giới xóa tên Sơn Tinh ra khỏi danh sách quỹ các tên bão ở khu vực Thái Bình Dương càng sớm càng tốt./.

PGS. TS. Lưu Đức Hải
Phó Viện trưởng Viện NCĐT & PTHTTHXD Việt Nam

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load