Thứ tư 09/10/2024 16:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Ai đang bảo kê đại công trường khai thác titan ở Mũi Né - Bình Thuận?

15:29 | 08/09/2010

 “Hôm nay họ xin nghiên cứu, ngày mai họ tiến hành khai thác. Chiến dịch “Cáo đến nhà Thỏ” của bọn người tham lam cơ hội vơ vét tài nguyên quốc gia nếu được sự tiếp tay của những phần tử thoái hoá vô tâm trước vận mệnh quốc gia “sống, chết mặc bay” trong các cơ quan công quyền thì chẳng bao lâu nữa Mũi Né, một vùng du lịch thuộc dạng đẹp nhất của miền Nam nước Việt với bãi biển xanh, đồi cát đỏ san sát những resort, tấp nập những vị khách quốc tế sẽ chỉ còn là một bãi “chiến trường” nham nhở những “hố bom” giống một thời chiến tranh”. Ý kiến trên của công dân khiến những người làm báo không thể không tìm hiểu kiến nghị của những DN tại đây.


Bơm nước biển sàng lọc Titan. 
Môi trường sinh thái bị hủy hoại hàng trăm năm sau...

Dự án chồng dự án

Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn khiếu nại UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ TN&MT đã cấp phép thăm dò titan với diện tích 995 ha chồng lấn lên dự án đầu tư du lịch sinh thái và xây dựng sân golf của Cty.

Năm 2005, Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn được UBND tỉnh Bình Thuận cấp GCNQSD đất là 29,450 ha, thời hạn sử dụng đến năm 2053, mục đích là trồng rừng sinh thái. Năm 2009, Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn được UBND tỉnh Bình Thuận cấp GCNQSD đất là 16,809 ha với thời hạn sử dụng đến năm 2056 với mục đích trồng cây lâu năm, tất cả đều đóng thuế và trả tiền hàng năm. Năm 2009, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định thu hồi tất cả các quyết định giao đất trên để giao Cty liên doanh gồm Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn và một Cty của Hàn Quốc (viết tắt là S.I) mục đích làm sân golf.

Trước đó, ngày 26/10/2007, UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu; Ngày 19/9/2008, chứng nhận thay đổi lần đầu cho Liên doanh Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn và Cty SEUNG – IL Co.,Ltd. Hàn Quốc (viết tắt là S.I) với diện tích là 196,948 ha, trong đó: Sân golf 36 lỗ:  119,779 ha; Khu biệt thự cao cấp: 25,780 ha; Khu resort: 9,300 ha; Khu trung tâm dịch vụ: 7,910 ha; Khu đón tiếp: 1,690 ha; Đất giao thông + bãi đỗ xe: 7,620 ha. Đây là khu du lịch cao cấp hoàn chỉnh, dự kiến đưa vào kinh doanh tháng 2/2010.

Theo Công văn số 04/TTr-P1 ngày 7/1/2010 của Thanh tra Bộ TN&MT gửi Cục Địa chất và Khoáng sản VN có nêu: “Đến thời điểm kiểm tra, Liên doanh SI đã quản lý, rà soát bom mìn trên 196 ha, đất đã được bàn giao trên thực địa, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương mở rộng dự án và đã đo đạc lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh cho thực hiện dự án (có biên bản thống nhất giữa Ban Quản lý rừng với Cty và Sở TN&MT). Cty đã trồng cây làm vườn ươm, công viên và xây dựng hạ tầng 40,0327ha đất đã được cấp GCNQSD đất năm 2005 và năm 2009, đã hoàn thành thiết kế xây dựng sân golf tỷ lệ 1/500 trình Sở Xây dựng thẩm định.

Cấp phép thăm dò khoáng sản có vấn đề?

Bộ TN&MT căn cứ vào Quyết định số 104/2007/QĐ-TTg ngày 13/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2007 - 2015 định hướng đến 2025 để ra quyết định cho phép Cty TNHH Phú Hiệp thăm dò quặng sa khoáng titan - zicon khu vực Long Sơn - Suối Nước, P.Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là không đúng bởi tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 104/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không có danh mục địa bàn Long Sơn - Suối Nước. Mặt khác, quyết định này căn cứ vào Công văn số 1732/VPCP-KTN ngày 20/3/2009 và đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận tại văn bản số 1676/UBND-CT ngày 15/4/2009 là chưa đủ căn cứ pháp lý vì chưa được Bộ Công Thương thỏa thuận đưa vào quy hoạch.


Vườn dừa sẽ tan hoang nếu dự án titan được triển khai.

Khai thác titan không thông qua đấu thầu?

Việc điều tra, đánh giá trữ lượng tài nguyên quốc gia là cần thiết, song việc khai thác, sử dụng cần phải được tính toán đến những yếu tố về kinh tế, xã hội, môi trường và đời sống nhân dân. Mặt khác, việc khai thác tài nguyên quốc gia còn có thể thông qua đấu thầu để các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng khai thác một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong văn bản số 6733/UBND – NC ngày 29/12/2009 của UBND tỉnh Bình Thuận gửi Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn có nêu: “Theo quy định tại Điều 26 Luật Khoáng sản, Cty TNHH Phú Hiệp được đặc quyền xin giấy phép khai thác khoáng sản trong phạm vi khu vực thăm dò”. Như vậy, UBND tỉnh đã cố ý áp đặt đơn vị khai thác mà không cân nhắc có nên khai thác hay không. Đây là nguyên nhân gây ra khiếu kiện phức tạp. Ngoài việc dẫn chiếu Điều 26 Luật Khoáng sản, còn nhiều điều luật khác quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản như Điều 27 của Luật Khoáng sản quy định tổ chức, cá nhân thăm dò và khai thác khoáng sản có trách nhiệm “bồi thường thiệt hại do hoạt động thăm dò gây ra”.

Như vậy, hoạt động thăm dò titan của Cty Phú Hiệp gây thiệt hại cho nhân dân khu vực và Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn, còn chưa được thỏa thuận bồi thường thì không một cơ quan nào lại có thể cấp phép khai thác.

Về quy hoạch: Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận, quy hoạch xây dựng tỉnh Bình Thuận nhiều năm trước đây xác định khu vực Mũi Né là khu kinh tế du lịch. Trên thực tế, khu vực này đã có hàng chục nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư du lịch, đã biến hàng trăm ha đất hoang trở thành nguồn thu hàng trăm tỷ mỗi năm cho tỉnh Bình Thuận. Việc khai thác một lượng titan nhỏ có cần đặt ra so sánh những lợi, hại trong việc khai thác? Vì vậy, trước hết UBND tỉnh Bình Thuận và những cơ quan hữu quan cần xem xét.

Về vấn đề môi trường: nhân dân khu vực và các nhà đầu tư đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng môi trường du lịch như hiện nay. Nếu khai thác titan, sẽ đặt ra những vấn đề như: người dân phản ứng (thực tế đã có khiếu nại về vấn đề này) đặc biệt việc sử dụng nguồn nước ngọt để khai thác sẽ làm mất nguồn nước sinh hoạt của người dân mà nhiều năm sau cũng không thể khôi phục lại; các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài không tiếp tục đầu tư hoặc phải chờ đợi khai thác rồi mới tiếp tục đầu tư thì sự thiệt hại sẽ lớn gấp nhiều lần so với kết quả khai thác titan đem lại.

Sân golf của Cty Liên doanh S.I có sự đầu tư của nhà đầu tư Hàn Quốc. Việc ký kết đầu tư có sự chứng kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc. Như vậy, đây còn là vấn đề ngoại giao ở cấp quốc gia.

Từ những căn cứ nêu trên, người viết bài báo kiến nghị:

 Xem xét các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đề nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép khai thác titan tại khu vực này. Thiệt hại về các yếu tố này rất lớn so với nguồn lợi kinh tế không đáng kể mà tỉnh thu được từ việc khai thác một lượng titan rất nhỏ.

Nếu khai thác tận thu thì phải được các chủ sử dụng đất thỏa thuận, thông qua hợp đồng. Nếu không thỏa thuận được thì cho phép Cty liên doanh S.I đầu tư sân golf được khai thác trong phạm vi đất dự án của mình, Cty Phú Hiệp khai thác phần ngoài phạm vi dự án. Cty liên doanh S.I đầu tư sân golf phải trả lại kinh phí thăm dò cho Cty Phú Hiệp và các DN đều phải thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Hải Đăng

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load