Thứ bảy 05/10/2024 19:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

"Ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc"

15:01 | 27/07/2023

Một ngày cuối tháng 5, Mậu Thân - 1968. Bóng chiều vừa lên, con đường làng nhuốm màu cỏ úa. Gió lào thổi rát cả rặng tre, cuộn cát thành từng đợt trắng xóa. Bố tôi khi đó lên tám, tay níu chặt bàn tay bà o (em gái ông nội của tôi) rồi nức nở:

- O ơi, o ở nhà với cháu, o đừng đi Truông Bồn nữa.

- Cháu ở nhà ngoan, o đi đợt ni rồi đợt sau o về mua kẹo bột cho nha.

Bố tôi vẫn một mực khăng khăng:

- Không! Cháu muốn o ở nhà với cháu cơ. Chú Huấn ơi, chú ra đây giữ o Bốn ở lại đi.

Câu chuyện kỷ niệm gia đình này được bố tôi kể lại cho tôi nghe nhiều lần. Lần nào bố tôi cũng khóc nức nở. Ngày ấy, linh cảm của một đứa trẻ mách bảo bố tôi phải giữ bà o ở lại nhưng không thể. Đồng đội ở Đại đội thanh niên xung phong 332 (Nghi Lộc, Nghệ An) cần nữ tiểu đội trưởng để chỉ huy nhiệm vụ bảo đảm mạch máu giao thông tuyến đường 15A, Truông Bồn trong giai đoạn ác liệt sau chiến dịch Mậu Thân. Lúc đó, hai chú cháu cứ thế chỉ biết đứng nhìn hình bóng o dần dần rời xa lũy tre làng Thái Học (xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc).

Khu di tích lịch sử Truông Bồn tọa lạc tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam)

Trong tiếng Nghệ, "Truông" là danh từ để chỉ một đoạn đèo dốc chạy giữa hai vách núi hiểm trở. Truông Bồn dài khoảng 5km, đường đi lầy, hẹp, núi đồi xen kẽ vực sâu. Trong chiến tranh, đây từng là tọa độ chết. Có những ngày cao điểm năm 1968, máy bay Mỹ đánh phá lên tới 131 lần, Truông Bồn suốt ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn. Ở nơi này, mặt đường như bờ ao. Hố và hố đong đầy bóng tối.

Năm đó, bà o tôi tròn 20 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thì con gái, đúng như lời ca bất tử: "Cô gái miền quê ra đi cứu nước. Mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn...". Những cô gái Lam Hồng đi san rừng, bạt núi, sửa đường sau những loạt bom rơi, làm hoa tiêu sống giữa bom gào đạn xối để từng đoàn xe thẳng tới chiến trường.

Trên mặt đất có biết bao khoảng trời tươi đẹp, nhưng ở Truông Bồn là khoảng trời của hàng ngàn hố bom. Nhìn xuống hố bom, mưa đọng lại từng khoảng trời nho nhỏ. Mỗi khoảng trời đó chan chứa những mảnh ký ức của biết bao con người bằng xương, bằng thịt đã sống và chiến đấu, nay hòa vào lòng đất mẹ.

Giữa hai đỉnh núi một khoảng trời đã vỡ. Sáu ngày sau khi tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Bốn đến đơn vị, tin dữ báo về gia đình. Trưa ngày 6/6/1968, Đại đội 332 đang làm nhiệm vụ cứu đoàn xe chở hàng gồm 12 chiếc của Tiểu đoàn 502, Đoàn 559, thì trúng đợt tập kích của máy bay. Tiểu đội TNXP lúc đó có 7 người, tất cả đều hy sinh tại chỗ.

Những gì đơn vị gửi lại gia đình tôi là chiếc ba lô, áo trấn thủ, mũ cứng và bộ áo quần màu cỏ úa... Thương bà o quá! Những đêm trăng thanh gió mát, mối tình ở quê vẫn đợi bà o ngày về.

Ông nội tôi là người đã giới thiệu cho tôi cuốn tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy" - gối đầu giường của biết bao thế hệ thanh niên. Đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc trong cuộc đời và luôn nhớ mãi câu nói nổi tiếng của nhân vật Pavel: "Cái quý nhất của con người ta là sự sống bởi đời người chỉ sống có một lần. Vậy thì tất cả đời ta, tất cả sức ta hãy sống vì những sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, đó là sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng loài người".

Hẳn là vì lẽ đó, khi mà tổ quốc, quê hương bị bom đạn quân thù xới lên từng tấc đất, biết bao nhiêu cuộc đời tươi trẻ đã chấm dứt để cho cuộc đời khác sau này mãi được tươi xanh. Có những cái chết đã hóa thành bất tử. Thế hệ trẻ chúng tôi luôn mãi tự hào vì cùng giống nòi, dòng máu với những người giản dị và bình tâm để rồi "họ đã làm ra Đất Nước".

Vùng cán xoong - Tuyến lửa Khu 4 từng có một con đường tuổi hai mươi, từng có một Truông Bồn mưa bom bão đạn, nơi lớp lớp TNXP xả thân, dốc sức đảm bảo giao thông thông suốt, chuyển tải hàng hóa, phục vụ chiến đấu và xây dựng. Đây là nơi hội tụ linh hồn của 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, trong đó có những sự hy sinh oanh liệt, trở thành huyền thoại như 13 chiến sĩ TNXP Đại đội 317 bị bom Mỹ vùi lấp vào tháng 10/1968…

Nơi đó cũng có bà o của tôi, nữ tiểu đội trưởng cùng 6 TNXP Đại đội 332, đã ngã xuống ở tuổi hai mươi.

Chiến trận không phải là nơi dành cho phụ nữ xông pha. Nhưng ở đất này, đến phần mềm mại, dịu dàng nhất của cả dân tộc cũng bước vào mưa bom bão đạn, bởi đây là cuộc chiến tột cùng sinh tử. Biết bao gia đình Việt Nam đã phải nén hàng triệu nỗi đau riêng để có một niềm vui chung cho cả dân tộc. Cái giá của độc lập, tự do, thống nhất to lớn biết chừng nào.

"Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Những tuổi 20 làm sao không tiếc,

Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc ?

Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em…" (trích bài thơ Khúc bảy - Thanh Thảo)

Những câu chuyện xưa nhưng chưa bao giờ cũ, luôn cho mỗi con người ngày nay một khoảng lặng để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, để chiêm nghiệm về cuộc đời, về lẽ sống, về cách sống và trách nhiệm trước Tổ quốc, non sông.

Theo Nguyễn Văn Thực/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load