Thứ sáu 29/03/2024 05:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ai cũng đều muốn được "thẳng lưng" tiến về phía trước

09:37 | 17/06/2021

"Nền kinh tế Việt Nam thực tế đã cực kỳ thành công trong thu hút FDI rồi. Vấn đề của chúng ta bây giờ và tương lai là tạo ra giá trị tăng cao hơn. Điều này muốn có được thì nội lực là rất quan trọng".

ai cung deu muon duoc thang lung tien ve phia truoc

Quan điểm này được TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - nêu tại cuộc trả lời phỏng vấn Dân trí mới đây.

Theo đó, cùng với sự kiện chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Covid-19 cũng được coi là chất xúc tác khiến cuộc dịch chuyển sản xuất, chuỗi cung ứng trở nên nhanh hơn và Việt Nam phần nào hưởng lợi.

Tuy nhiên, Việt Nam không phải là lựa chọn duy nhất và sự cạnh tranh cũng rất mạnh mẽ. Chính vì vậy, vị chuyên gia cho rằng, "đừng vội mừng hay quá kỳ vọng!" - hay nói cách khác, đừng nên nhìn vào những cam kết, vào số vốn đăng ký để rồi chủ quan và thỏa mãn. Vấn đề nằm ở lượng vốn đã giải ngân, nằm ở các dự án đã thực hiện hóa, và quan trọng hơn nữa là đóng góp của những dự án đó với kinh tế chung.

Trong khi đó, với lĩnh vực kinh tế tư nhân - đang được cho là động lực của nền kinh tế, thì số lượng vẫn còn khiêm tốn, chưa đến 1 triệu doanh nghiệp (theo ông Du). Quy mô doanh nghiệp nhìn chung hạn chế.

Quan sát các cuộc thảo luận của các nhà kinh tế trong những năm qua, thấy rằng, đang có những ý kiến trái chiều về chính sách ưu đãi cho FDI hay doanh nghiệp nội.

Một bên cho rằng, kinh tế phải cần thêm nguồn vốn ngoại, phải trải thảm đỏ mời các tập đoàn lớn của thế giới, từ đó sẽ có lợi cho xuất nhập khẩu, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động, chuyển giao được khoa học công nghệ…

Ngược lại, cũng có ý kiến chỉ trích các địa phương đã quá "nuông chiều" các đại gia ngoại mà bỏ quên doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp FDI nào cũng có đóng góp hay chủ yếu là lợi dụng ưu đãi về thuế suất, quỹ đất, giá điện, giá nhân công rẻ…?

Người viết cho rằng, mỗi góc nhìn đều cho thấy những vấn đề nhất định trong thu hút FDI. Quả đúng rằng, các doanh nghiệp ngoại góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới, đi lên của nền kinh tế, thế nhưng, biệt đãi quá mức là không nên. Đã có những bài học đau xót về môi trường, những phi vụ gian lận, trốn thuế… để lại hệ lụy lâu dài.

Đến cuối cùng, trong tất cả những vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh, đến cơ chế cho cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp nội, cần thiết nhất vẫn chính là tạo nên một "sân chơi bình đẳng".

"Không nên phân biệt doanh nghiệp nội hay ngoại. Trước đây có thời kỳ chúng ta ưu tiên số 1 là doanh nghiệp Nhà nước, sau đó là FDI… Bây giờ nên tạo ra sân chơi bình đẳng đúng nghĩa".

"Nhiệm vụ của nhà nước là tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp có thể cạnh tranh với hệ thống chính sách, quy định, tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Luật Doanh nghiệp đó, tất cả đều phải tuân thủ".

Những quan điểm này của TS. Huỳnh Thế Du rất đáng để lưu tâm. Đồng ý rằng tùy vào từng thời kỳ, chúng ta có những chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện của nền kinh tế. Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, đã có ưu đãi, biệt đãi, có phân biệt lớn - nhỏ, doanh nghiệp ưu tiên - ít ưu tiên… thì dễ sinh ra "xin - cho" và có thể là tiêu cực.

Mà thử hỏi có doanh nghiệp nào (kể cả nội và ngoại) lại muốn phải hoạt động trong một cơ chế như vậy? Ai cũng vậy thôi, đều muốn "thẳng lưng" phát triển đi lên, tiến về phía trước.

Do vậy, yếu tố tiên quyết để một nền kinh tế khỏe thì phải có một môi trường kinh doanh "sạch". Muốn tạo nên những doanh nghiệp mạnh thì phải có một cơ chế chính sách minh bạch, rõ ràng, chuẩn bị được lực lượng lao động giàu chất lượng. Khi đó, tự các doanh nghiệp ngoại sẽ tìm đến "làm tổ", các doanh nghiệp đều bình đẳng đi lên.

Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load