Thứ sáu 19/04/2024 17:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Agribank khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh dịch Covid-19

16:29 | 11/07/2021

(Xây dựng) – Hiện nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cùng ngành Ngân hàng đã và đang đưa ra nhiều giải pháp khuyến khích và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, góp phần quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược trên và duy trì thông suốt các hoạt động tài chính ngân hàng, huyết mạch của nền kinh tế đất nước.

agribank khuyen khich thanh toan khong dung tien mat trong boi canh dich covid 19
Agribank thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh dịch Covid-19 (Ảnh: Agribank).

Tăng cường các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử

Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh và mạnh trong thời gian qua có ý nghĩa lớn về mặt phát triển kinh tế - xã hội trước những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, giúp tăng thích ứng nhanh, hồi phục nhanh, trước những biến cố khó lường của xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới cũng như tại Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt đã thể hiện rõ ưu thế về tính an toàn, hạn chế sự lây lan, truyền nhiễm, đó cũng là lời giải thích thuyết phục cho xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ các hoạt động thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt như hiện nay.

Thực tế, theo số liệu từ Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas): 5 tháng đầu năm 2021, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, tương ứng với hơn 8 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020. Tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tại các điểm bán hàng (POS) và tổng giá trị thanh toán thẻ, ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến Napas tăng trưởng tương ứng là 50% và 125% so với cùng kỳ năm 2020.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt được Agribank chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua và được khách hàng nhiệt tình hưởng ứng. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thanh toán không dùng tiền mặt là lựa chọn chủ yếu của hầu hết khách hàng. Agribank luôn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất khi thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh: Internet Banking, Emobile Banking, ngân hàng tự động Autobank CDM, thanh toán qua thẻ Visa, thanh toán qua liên kết với các ví điện tử, thanh toán qua POS…

Sự an toàn, tiết kiệm thời gian, giảm được nhiều rủi ro so với thanh toán bằng tiền mặt, thuận tiện trong khi phải trả các khoản lớn, số tiền lẻ… đã khiến các kênh thanh toán điện tử được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Bên cạnh đó, khi khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng Agribank và thực hiện các hoạt động thanh toán qua các kênh ngân hàng điện tử, qua POS… thường xuyên được hưởng các chương trình khuyến mại hấp dẫn từ Agribank. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, Agribank là ngân hàng đầu tiên thực hiện miễn phí chuyển tiền trong nước qua các kênh ngân hàng điện tử mà không cần bất cứ điều kiện nào về số dư tài khoản. Với chính sách miễn phí chuyển tiền, Agribank đang thể hiện sự đồng hành và sẻ chia với khách hàng trong bối cảnh khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

Tính đến cuối năm 2020, tổng số tài khoản thanh toán tại Agribank đạt trên 15,56 triệu tài khoản (tăng 14,7%, tăng hơn 2 triệu tài khoản so với năm 2019, cao hơn mức bình quân của toàn ngành khoảng 10% - 11%). Trong đó đặc biệt là dịch vụ Agribank Emobile banking có trên 12,17 triệu khách hàng sử dụng (tăng 23,4%, tăng 2,3 triệu khách hàng). Tỷ lệ khách hàng có tài khoản thanh toán sử dụng dịch vụ Emobile banking đạt 78,2% (năm 2018 đạt 62,4%, năm 2019 đạt 72,7%). Số khách hàng sử dụng dịch vụ internet banking đạt 255 ngàn khách hàng (tăng 11%) với hơn 01 triệu giao dịch chuyển khoản.

Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại cho các khách hàng vùng sâu vùng xa

Thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang phát triển mạnh mẽ tại khu vực thành phố, tuy nhiên tại vùng sâu vùng xa, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt còn gặp không tít khó khăn, bởi vẫn còn một số lượng không nhỏ người dân khu vực này chưa có tài khoản ngân hàng. Agribank là ngân hàng chủ lực đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn và trong nhiều năm qua Agribank đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại của người dân tại vùng sâu vùng xa, tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực này.

Dịch vụ ngân hàng lưu động được Agribank triển khai rộng khắp trên tất cả các vùng miền của đất nước, giúp thu hẹp khoảng cách giữa ngân hàng và người dân. Khách hàng hoàn toàn có thể mở thẻ, đăng ký sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, thanh toán hóa đơn, gửi tiền tiết kiệm, chuyển tiền… qua dịch vụ ngân hàng lưu động của Agribank. Từ đây, số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng hiện đại không ngừng gia tăng, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng dần trở nên gần gũi với người dân vùng xa.

Agribank triển khai sâu rộng dịch vụ ngân hàng lưu động, hệ thống mạng lưới chi nhánh rộng lớn phủ sóng khắp tất cả các vùng miền trên cả nước với trên 2300 chi nhánh và phòng giao dịch cùng với đề án phát triển thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn... đang tạo điều kiện thuận lợi để người dân vùng sâu vùng xa tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại và bắt nhịp xu thế thanh toán không dùng tiền mặt.

Mục tiêu đề ra trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia là phấn đấu tới năm 2025, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20 - 25%/năm… đang dần trở thành hiện thực với sự chung tay của các tổ chức tài chính ngân hàng trong đó có Agribank. Dịch bệnh Covid-19 tạo ra những thách thức cho nền kinh tế, nhưng đây cũng là khoảng thời gian cho thấy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra sâu rộng và mạnh mẽ hơn, đảm bảo sự phát triển của các kênh cung ứng và tiêu thụ sản phẩm dịch vụ góp phần ổn định và phát triển kinh tế đất nước./.

Nhật Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load