Với mức tăng trưởng thị trường trái phiếu năm 2012 gần 43%, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Á về tốc độ, song xét về quy mô, quán quân vẫn là Nhật Bản. Điều này cho thấy tính hấp dẫn của thị trường trái phiếu nội địa với dòng vốn nước ngoài.
Quy mô thị trường trái phiếu đồng nội tệ của Việt Namhiện đang ở mức 25 tỷ USD.
Báo cáo Asia Bond Monitor gần đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, thị trường trái phiếu nội tệ của các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á vẫn tiếp tục tăng trong năm 2012.
Các thị trường Đông Á mới nổi bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Trong đó, Việt Nam là thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhất trong số các quốc gia mới nổi ở khu vực Đông Á trong năm 2012. Mức tăng trưởng thị trường trái phiếu của Việt Nam năm vừa rồi là 42,7% so với cuối năm 2011, phần lớn do mở rộng nhanh chóng thị trường trái phiếu chính phủ.
Theo số liệu của ADB, thị trường trái phiếu đồng nội tệ của Việt Nam trong quý IV tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, tăng 42,7% lên 25 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và tăng 17,6% so với quý trước. Thị trường trái phiếu chính phủ tăng 54,6% so với cùng kỳ năm trước lên 24 tỷ USD, phần lớn nhờ vào tăng lượng phát hành trái phiếu kho bạc và trái phiếu lên 71,5%. Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại có tỉ lệ ký kết chỉ đạt 47,6% so với cùng kỳ, ở mức 1 tỷ USD, tiếp tục giảm đều kể từ tháng 3/2011.
Các thị trường Philippines và Malaysia tăng tương ứng là 20,5% và 19,9%, trong khi thị trường Ấn Độ tăng mạnh 24,3% lên 1.000 tỷ USD. Nhật Bản vẫn chiếm giữ thị trường lớn nhất ở châu Á ở mức 11.700 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc đạt mức 3.800 tỷ USD.
Tổng cộng, đến cuối năm 2012, các nước khu vực Đông Á mới nổi còn 6.500 tỷ USD dư nợ trái phiếu nội tệ so với 5.700 tỷ USD vào cuối năm 2011. Điều này đánh dấu mức gia tăng hàng quý là 3% và tăng hàng năm là 12,1% tính theo đồng nội tệ. Các thị trường doanh nghiệp, mặc dù nhỏ hơn so với các thị trường trái phiếu chính phủ, vẫn thúc đẩy sự tăng lên này, theo đó đạt 6,2% theo quý và 18,6% theo năm lên 2.300 tỷ USD.
Giới đầu tư bắt đầu rót tiền vào nhóm các nước Đông Á mới nổi kể từ đầu những năm 1990. Dòng tiền này ngày một tăng lên trong những năm gần đây do lãi suất thấp và tăng trưởng kinh tế chậm hoặc thậm chí đã ở mức âm ở các nền kinh tế phát triển - trong khi tại những nền kinh tế mới nổi khu vực Đông Á tăng trưởng lại đạt mức cao, đồng tiền của các nước này tăng giá trị.
Đầu tư từ nước ngoài ngày càng tăng, sở hữu nước ngoài ở hầu hết các thị trường trái phiếu tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi Đông Á tăng vào nửa cuối năm 2012. Ví dụ, tại Indonesia, các nhà đầu tư nước ngoài giữ 33% dư nợ trái phiếu chính phủ vào cuối năm 2012, trong khi tỉ lệ các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu chính phủ Malaysia đạt 28,5% vào cuối tháng 9/2012.
Theo quan sát của ADB, Chính phủ của các nước mới nổi ở khu vực Đông Á đang ngày càng chọn bán các trái phiếu dại hạn vốn tạo lòng tin trước các luồng vốn bất ổn định. Đây là một dấu hiệu khác của việc tin tưởng mạnh vào thị trường ở các nền kinh tế trong khu vực này. Điều này đặc biệt đúng đối với trường hợp của Indonesia và Philippines. Ngược lại, kỳ hạn trái phiếu có xu hướng ngắn hơn ở các thị trường trái phiếu doanh nghiệp của khu vực Đông Á.
Thế nhưng, cùng với tính hấp dẫn là có thêm nguy cơ bong bóng giá tài sản, ADB cảnh báo. Ông Thiam Hee Ng, Chuyên gia Kinh tế cao cấp thuộc Văn phòng Hội nhập kinh tế khu vực của ADB nói: "Các nước Đông Á mới nổi linh hoạt hơn rất nhiều so với trước đây nhưng các Chính phủ vẫn cần cẩn trọng đối với việc gia tăng dòng vốn mà không làm tăng quá mức giá tài sản, và rằng, họ đang chuẩn bị đối phó với khả năng đảo ngược về dòng vốn khi các nền kinh tế của Mỹ và châu Âu tăng trở lại".
Theo Dantri
Theo baoxaydung.com.vn