Hiện nay tình trạng thi công các công trình nhà cao tầng nhất là những công trình có tầng hầm thường xuyên gây nứt, lún nhà người dân ở bên cạnh. Thời gian vừa qua trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xảy ra nhiều trường hợp này và thiệt hại vẫn là những người dân.
Các vết nứt do thi công xây dựng nhà cao tầng ảnh hưởng nhà bên cạnh.
Thiệt hại nhiều nhưng đền ít
Công trình xây dựng nhà cao tầng của ông Đỗ Lương và bà Nguyễn Thị Bình khởi công xây dựng năm 2010 tại địa chỉ số 181-183 Lê Duẩn được Sở Xây dựng Đà Nẵng cấp giấy phép xây dựng trên lô đất có diện tích 267m2 có quy mô xây dựng gồm 6 tầng cộng 1 tầng hầm và ca bin cầu thang. Trong quá trình thi công đã gây nứt tường, lún nền, nứt dầm, nứt trụ của một số nhà dân bên cạnh trong đó nhà ông Huỳnh Trọng Nghĩa tại số 179 Lê Duẩn, Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nhất. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình ông Nghĩa đã nhiều lần kiến nghị về mức độ ảnh hưởng của công trình đối với gia đình ông. Nhưng đến nay đã 1 năm, tính từ thời gian kiến nghị, nhà ông Nghĩa ngày càng bị nặng nhưng chủ đầu tư cũng như các cơ quan liên quan vẫn không có phương án giải quyết triệt để về mức độ thiệt hại công trình xây dựng gây ra.
Theo kết quả giám định của cơ quan giám định Vinacontrol Đà Nẵng thì: Nhà ông Nghĩa nền nhà phía tây nứt, lún dài 16,4m, ngang 0,6m, độ lún khoảng 10mm, hố trụ nứt nẻ nhiều đoạn khoảng 3m; cầu thang lên tầng 1 nứt tường gạch theo bản cầu thang dài 3m, khe nứt 3mm; nhà bếp tường nứt 2 mặt dài 2,13m, khe nứt 6mm, nứt gạch men tường bếp cao 1,2m; tường phía đông hở ra khỏi trụ 2mm, cao 2,7m; đoạn cầu thang nứt ngang 2,6m; tầng 3 tường dày 20mm nứt ngang sâu 0,5mm, dài 1,2m.
Với mức độ ảnh hưởng như thế không biết vì lý do gì Vinacontrol Đà Nẵng đã đưa ra phương án đổ bê tông làm ổn định nền đất, đục các vết nứt xây lại và chi phí sửa chữa chỉ có 67 triệu đồng. Và liệu với khoảng chi phí này gia đình ông Nghĩa có đủ sửa chữa hay không và hướng sửa chữa như Vinacontrol Đà Nẵng đưa ra liệu có đảm bảo chất lượng cho công trình hay không hay với cách sửa chữa này chỉ để đối phó tình huống khi đền bù xong, công trình xây dựng của ông Lương hoàn thành nhà ông Nghĩa có hư hỏng không phải do công trình xây dựng gây nên?
Mức độ ảnh hưởng công trình
Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với một số KTS, kỹ sư xây dựng có kinh nghiệm lâu năm trong nghề và họ cho rằng: Hệ thống móng, dầm, trụ của một ngôi nhà giống như bộ xương của cơ thể con người, khi bộ xương bị yếu, bị rạn nứt thì khả năng nâng đỡ cơ thể cũng sẽ yếu đi và nặng thì sẽ không thể nâng đỡ được. Đối với một ngôi nhà phần móng rất quan trọng, việc phần móng đã bị rỗng thì cách sửa chữa đòi hỏi phải kỳ công và tốn kém mới đảm bảo an toàn cho ngôi nhà. Khi phần móng bị rỗng ngôi nhà không bị hư hỏng ngay mà trong thời gian nữa nền đất bị nước mưa và có thêm một tác động mạnh ví dụ như đào đường, làm đường thì khi đó ngôi nhà sẽ bị hư hỏng nặng và có nguy cơ sụp. Khi hỏi về chi phí sửa chữa cho những công trình này thì KTS Lê Văn Hiển cho rằng đối với công trình này việc sửa chữa đòi hỏi phải đảm bảo về mặt kỹ thuật chi phí rất lớn nhưng chỉ sử dụng trong một thời gian.
Theo ông Huỳnh Trọng Nghĩa chủ nhà bị hư hỏng thì: Nhà chúng tôi được xây dựng kiên cố có sự liên kết các dầm với nhau nên hiện nay về phần thân nhà bị rạn nứt tường khắp nơi. Hiện chúng tôi không biết liệu sức chịu đựng ngôi nhà được bao lâu nữa khi nền nhà của chúng tôi đã bị rỗng, móng nhà bị yếu như thế này ở lại không yên tâm. Với mức đền bù thấp không đủ để sửa nền, sửa tường chứ nói gì đến việc sửa chữa móng.
Và ông Nghĩa cũng cho rằng: Sự việc xảy ra không ai mong muốn, gia đình chúng tôi cũng muốn sự hợp tác giữa hai bên để khắc phục nhưng với cách khắc phục trên và thái độ không hợp tác của chủ công trình thì chúng tôi nhờ các cơ quan chức năng liên quan và khởi kiện ra toà.
Miền Trung
Theo baoxaydung.com.vn