(Xây dựng) - Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2016), Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam có kế hoạch cho một lễ kỷ niệm trọng thể nhân sự kiện này. Đây là một hoạt động lớn trong năm 2016, để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại lịch sử hình thành, phát triển; ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội Việt Nam đã đạt được trong 70 năm qua.
Bác Hồ chụp ảnh cùng các đại biểu Quốc hội khóa I.
Nhìn lại 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã trải qua một chặng đường vẻ vang, xây dựng một chỗ đứng vững chắc trong lòng dân, không ngừng lớn mạnh và phát triển, ngày càng khẳng định vững chắc, vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực hiện tốt chức năng cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Trong mỗi giai đoạn thăng trầm của cách mạng, Quốc hội giúp khơi dậy ý chí và tinh thần đoàn kết trong toàn dân, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Cách đây 70 năm, chỉ sau mấy tháng giành được độc lập, ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã diễn ra thành công. Hàng triệu người vừa thoát khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân đã nô nức đi bỏ phiếu, bầu ra Quốc hội đầu tiên. Sự kiện này đã đi vào lịch sử nước nhà, là một bước tiến nhảy vọt, đánh dấu việc khai sinh Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là Quốc hội của nước CHXHCN Việt Nam.
Ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, Quốc hội vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng; hội tụ đại biểu khắp mọi miền đất nước, từ những nhà cách mạng đầy nhiệt huyết đến đại diện các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp; các thành phần dân tộc, tôn giáo… Quốc hội là biểu tượng của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đại đoàn kết toàn dân tộc, hiện thân của dân tộc Việt Nam.
Trong điều kiện cùng với nhân dân cả nước thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến, Quốc hội khóa I là một nhiệm kỳ đặc biêt, hoạt động kéo dài gần 15 năm (1946-1960). Trong nhiệm kỳ đó, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Đây là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là đạo luật cơ bản đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế Nhà nước cách mạng trong thời kỳ mới.
Tiếp đó, trong thời kỳ đấu tranh thống nhất nước nhà vô cùng ác liệt, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 1959 tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, khi non sông đã thu về một mối, ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI đã được tiến hành trên cả nước. Kể từ đây, chúng ta có một Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, vào quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Qua 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn năng lực là cơ quan đại biểu cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện các quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu để cải tiến và đổi mới. Nhằm góp phần thiết thực vào tiến trình hoàn thiện bộ máy cũng như tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của nước ta.
Trên cơ sở những thành tựu và hạn chế của giai đoạn phát triển vừa qua có thể thấy Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Quốc hội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa và không ngường đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Và việc gần gũi, gắn bó với nhân dân, nắm bắt đầy đủ, hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của nhân dân, nguyện vọng của nhân dân chính là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn. Góp phần nâng cao uy tín, vai trò của Quốc hội, thu hút sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến xây dựng và tăng cường niềm tin của cử tri, của nhân dân đối với Quốc hội.
Với những kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn suốt 70 năm qua, pháp huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc; luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tuyết Hạnh
Theo