(Xây dựng) - Cách đây 60 năm, ngày 29/4/1958 theo Nghị quyết của kỳ họp thứ III Quốc hội (khóa I) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa đã quyết định thành lập Bộ Kiến trúc, nay là Bộ Xây dựng. Theo đó, Ủy ban Hành chính tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập Ty Kiến trúc, tiền thân của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc ngày nay.
Ông Nguyễn Văn Chiến |
Trải qua 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, ngành Xây dựng Vĩnh Phúc đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Ngành, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, viết nên những trang sử truyền thống vẻ vang.
Sau khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập kể từ ngày 01/01/1997 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Xây dựng Vĩnh Phúc đã nhanh chóng ổn định tổ chức, phát triển nhanh lực lượng. Đến năm 2003 toàn ngành có 10 DN Nhà nước và 1 Trung tâm quy hoạch xây dựng và kiểm định chất lượng xây dựng công trình, 2 Cty quản lý đô thị thuộc cấp huyện và hàng trăm doanh nghiệp xây dựng thuộc các thành phần kinh tế. Năm 2005 đã thực hiện cổ phần hóa 8 DN, còn lại 2 Cty cấp thoát nước và vệ sinh môi trường chuyển sang DN hoạt động công ích. Đến nay số DN xây dựng thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh lên tới trên 800 DN. Sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là sau 21 năm tái lập tỉnh, nhiệm vụ của ngành Xây dựng rất nặng nề, trước yêu cầu xây dựng tái thiết tỉnh lỵ. Về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn thiếu như điện, đường, trường, trạm, các công trình phục vụ công cộng, khu ở tái định cư, khu giãn dân; do đó yêu cầu đặt ra cho ngành Xây dựng nhiều việc phải tập trung thực hiện. Trước yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành Xây dựng đã phát huy truyền thống vẻ vang của mình, bám sát nhiệm vụ chính trị mà Đại hội tỉnh Đảng bộ Vĩnh Phúc các nhiệm kỳ đã đề ra; ngành đã không ngừng phát triển lực lượng, nâng cao năng lực quản lý, nâng cao sức cạnh tranh, tập trung sức đẩy mạnh toàn diện các lĩnh vực công tác quản lý nhà nước về xây dựng. Đặc biệt đã tập trung đẩy mạnh công tác quản lý quy hoạch, coi công tác quy hoạch phải đi trước một bước và là nhiệm vụ trọng tâm để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế -xã hội, nhằm thu hút, kêu gọi các nguồn lực đầu tư của tỉnh. Có thể nói ngành Xây dựng đã góp phần tích cực vào việc thay đổi bộ mặt kiến trúc xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt ở mức cao và tạo sự thay đổi vượt bậc, thúc đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH của tỉnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI xác định mục tiêu Vĩnh Phúc trở thành TP vào những năm 20 của thế kỷ XXI. Mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 xác định “Đến năm 2020, về cơ bản mạng lưới kết cấu hạ tầng đã hoàn chỉnh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ trong các giai đoạn tiếp theo, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa hướng tới phát triển Vĩnh Phúc trở thành TP vào những năm 20 của thế kỷ XXI”.
Trong những năm qua, ngành Xây dựng đã tham mưu để Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, HĐND tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 - 2020. Đó là cơ sở để từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đô thị theo quy hoạch được phê duyệt. Đến nay, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu nhất định. Về hạ tầng đô thị cũng được phát triển mạnh, các trục đường giao thông huyết mạch của tỉnh được đầu tư như: Các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ qua đô thị và một số tuyến đường mới đã được xác định tuyến và chuẩn bị đầu tư; theo đó là phát triển nâng cấp nhà máy nước Vĩnh Yên, Phúc Yên, cung cấp nước sạch cho TP Vĩnh Yên, TX Phúc Yên và các khu công nghiệp Khai Quang, Bình Xuyên. Công tác quản lý và phát triển VLXD trên địa bàn cũng không ngừng được quan tâm để phục vụ cho nhu cầu phát triển của tỉnh. Đến nay Vĩnh Phúc đã có quy hoạch phát triển VLXD đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch thăm dò khoáng sản làm VLXD đến năm 2020, quy hoạch cát sỏi đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Công tác quy hoạch nông thôn mới, Vĩnh Phúc là một trong các tỉnh hoàn thành sớm nhất trong cả nước. Thực hiện quy hoạch nông thôn mới đến nay tỉnh ta đã có 02 huyện và 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 91/112 đạt tiêu chí nông thôn mới.
Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng liên tục được hoàn thiện, bổ sung các chính sách về quản lý dự án đầu tư, đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng để đảm bảo công trình đầu tư có hiệu quả, tiết kiệm và chống thất thoát lãng phí vốn trong đầu tư, nhất là nguồn vốn Nhà nước. Đặc biệt từ năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về quản lý chất lượng công trình nhằm chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ chất lượng công trình trong các lĩnh vực khảo sát xây dựng, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình; quản lý về an toàn, giải quyết sự cố thi công, khai thác sử dụng và bảo hành công trình. Năm 2014, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 đã ban hành Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, sau đó các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Xây dựng cũng được ban hành để thực hiện Luật Xây dựng. Đây là sự thay đổi căn bản cách tiếp cận, đổi mới tư duy về quản lý các dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng công trình; là công cụ hữu hiệu để tăng cường sự kiểm soát của Nhà nước về chất lượng các dự án, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và vốn Nhà nước ngoài ngân sách. Theo đó, ngành Xây dựng Vĩnh Phúc đã tham mưu cho tỉnh, ban hành nhiều văn bản pháp quy cụ thể hóa Luật, Nghị định về xây dựng của Chính phủ và thông tư của Bộ Xây dựng. Vai trò quản lý nhà nước về xây dựng đã được nâng cao.
Công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được Sở Xây dựng thẩm định đảm bảo thời gian và chất lượng, tăng hiệu quả đầu tư của dự án, giúp chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thực hiện đúng các quy định về đầu tư xây dựng, lựa chọn được phương án đầu tư tối ưu. Qua công tác thẩm tra, thẩm định phát hiện nhiều sai sót trong hồ sơ thiết kế, dự toán như tính toán thiết kế chưa đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, áp dụng đơn giá, bù giá vật tư chưa theo nội dung công bố. Qua đó đã chấn chỉnh công tác quản lý thiết kế, quản lý chi phí của Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đi vào nề nếp, giúp chủ đầu tư lựa chọn đúng đơn vị tư vấn đủ năng lực thiết kế. Hạn chế đáng kể các lãng phí trong khâu thiết kế, tiết kiệm và làm tăng hiệu quả vốn đầu tư xây dựng, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư.
Công tác tư vấn thiết kế, quản lý dự án công trình đã có nhiều tiến bộ, từng bước nâng cao về trang thiết bị kỹ thuật và năng lực chuyên môn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng của tỉnh. Công tác quản lý xây dựng cơ bản ở cấp huyện được chú trọng và phân cấp mạnh cho cơ sở. Các huyện, TP cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng làm tốt công tác thẩm tra, phê duyệt, kiểm tra công tác chuẩn bị đầu tư, cấp phép và giám sát xây dựng. Do đó trong nhiều năm qua không có tình trạng sự cố lớn trong thi công xây dựng.
Ghi nhận công lao của Ngành trong những năm qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Xây dựng, các ngành Trung ương và UBND tỉnh đã tặng cho ngành Xây dựng Vĩnh Phúc nhiều phần thưởng cao quí như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998), Huân chương Lao động hạng Nhì (2003); Huân chương Lao động hạng Nhất (2008); Huân chương Độc lập hạng Ba (2013); nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Bộ Xây dựng, Bộ VHTT&DL, của Tổng LĐLĐ Việt Nam, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, của Công đoàn Xây dựng Việt Nam, LĐLĐ tỉnh và của Trung ương Đoàn TNCSHCM. Gần 1.000 CBCNV trong ngành đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Xây dựng".
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của Ngành, trong thời gian tới, ngành Xây dựng tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển đô thị, thực hiện tốt chương trình phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị và chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2030-2050; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Tích cực nghiên cứu đề xuất phát triển các khu công nghiệp và đô thị mới trên địa bàn tỉnh. Tập trung QHCT các khu đô thị mới, khu tái định cư và đất dịch vụ cho các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, nghiên cứu quy hoạch các khu du lịch, quy hoạch chi tiết nông thôn mới... Phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu: Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh giàu có và phồn vinh và trở thành TP đô thị loại I vào những năm 20 của thế kỷ XXI.
Nguyễn Văn Chiến
Phó bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Vĩnh Phúc
Theo