Qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu trong 3 lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu lĩnh vực tài chính - ngân hàng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó hoàn thiện thể chế được cho là có kết quả rõ nét nhất.
Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu năm 2013, nhưng trên thực tế hoạt động này đã được tiến hành triển khai trước đó, từ 2011.
Những kết quả tích cực
Qua 3 năm thực hiện, công cuộc tái cơ cấu kinh tế đã đem lại nhiều kết quả tích cực: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự trữ ngoại hối gia tăng, tỷ giá tiếp tục giữ ổn định,…
Việc thực hiện tái cơ cấu đã giúp cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế có cải thiện, tăng trưởng kinh tế có xu hướng phục hồi, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng CNH-HĐH, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được cải thiện (hệ số ICOR giảm từ 6,7 giai đoạn 2008-2010 xuống còn 5,5 giai đoạn 2011-2013), năng suất lao động năm 2013 tăng 10,1% so với năm 2010… Kết quả tái cơ cấu trong 3 lĩnh vực trọng tâm đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó hoàn thiện thể chế được cho là có kết quả rõ nét nhất.
Đối với tái cơ cấu đầu tư công, cùng với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, việc cân đối và phân bổ vốn đầu tư công được thực hiện theo kế hoạch trung hạn trên cơ sở xác định danh mục dự án, chương trình đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời chú trọng giải quyết vấn đề đầu tư dàn trải, xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản cùng với việc rà soát hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư.
Trong tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện cơ chế về quản lý DNNN. Triển khai thực hiện nhiều văn bản pháp luật theo hướng tăng cường quản lý nhà nước và xác định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm, phát huy tính tự chủ và công khai minh bạch của doanh nghiệp trong kinh tế thị trường theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Hàng loạt các quy định đã được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả của các DNNN như: Nghị định 50/2013/NĐ-CP về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng; Nghị định 51/2013/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với viên chức quản lý; Nghị định 61/2013/NĐ-CP về quy chế giám sát tài chính, đánh giá kết quả hoạt động và công khai thông tin tài chính; Nghị định 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với DNNN và Nghị định 99/2013/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào DN...
Hiện nay, cơ quan hữu trách đang nghiên cứu, soạn thảo gần 30 đề án, văn bản quy phạm pháp luật, trong đó một số quy định thiết lập thể chế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty; tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước…
Cùng với đó các DNNN đã tiến hành xây dựng các đề án tái cơ cấu, thực hiện rà soát, phân loại và xác định danh mục ngành nghề kinh doanh chính, thực hiện thoái vốn đối với các khoản đầu tư ngoài ngành, tiến hành chuyển đổi hình thức hoạt động, đã chú trọng và hướng tới áp dụng các mô hình quản trị hiện đại…
Về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, ngành Ngân hàng đã tiến hành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cùng với việc thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, trong đó đã hình thành Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý về tiền tệ ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện cùng với việc tăng cường thanh tra, giám sát ngân hàng, xác định thực trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo. Các biện pháp quản lý thị trường vàng đã góp phần đưa các nguồn lực dưới dạng dự trữ vàng vào quá trình sản xuất.
Việc thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm đã được tiến hành trên các khía cạnh nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao tính minh bạch trên thị trường, tăng cường quản trị rủi ro, phát triển thị trường trái phiếu,…
Cần giải pháp đột phá, rõ nét hơn
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được cũng cho thấy những hạn chế đòi hỏi cần phải được giải quyết trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiến độ tái cơ cấu trong các lĩnh vực còn chậm so với yêu cầu, chưa có đột phá mạnh mẽ về thể chế nên các biện pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế còn mang tính ngắn hạn, việc thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô chưa thúc đẩy phân bổ và sử dụng các nguồn lực hiệu quả, bền vững.
Thứ hai, trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế mới chỉ chú trọng 3 nội dung tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm, trong khi đó vấn đề tái cơ cấu ngành và vùng lại chưa được chú trọng và có giải pháp rõ nét.
Thứ ba, tái cơ cấu đầu tư công chưa có một đề án toàn diện, cụ thể. Việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công thời gian qua mới chỉ mang tính ngắn hạn theo các Nghị quyết của Chính phủ. Hơn thế, nhiều văn bản quan trọng có liên quan như: Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh,… chưa được ban hành.
Thứ tư, tái cơ cấu DNNN còn chậm, chủ yếu là chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các DNNN. Chưa tạo động lực và áp lực mạnh để các DNNN đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Việc thoái vốn gặp nhiều khó khăn do quy định về bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư trong bối cảnh kinh tế suy giảm, điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi…
Thứ năm, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) chưa góp phần mạnh mẽ vào việc lành mạnh hoá thị trường tài chính. Năng lực hoạt động của các NHTM vẫn là vấn đề cần phải chú trọng quan tâm. Việc xử lý nợ xấu mới ở giai đoạn bước đầu đòi hỏi cần phải tiến hành mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời tăng cường kiểm soát vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng.
Thứ sáu, các biện pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm mặc dù đã được triển khai mạnh mẽ nhưng thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều tồn tại, quy mô vốn hoá thị trường còn thấp so với những năm trước và mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo Chinhphu.vn
Theo