Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, cơ quan này đặt mục tiêu tài trợ 6 tỉ USD/năm cho chống biến đổi khí hậu vào năm 2020.
Lũ lụt ở Việt Nam.
Theo Chủ tịch ADB Takehiko Nakao, với việc đặt mục tiêu tài trợ 6 tỉ USD/năm cho chống biến đối khí hậu, chi phí của ADB cho hoạt động này sẽ tăng khoảng 30% vào năm 2020.
Trong số 6 tỉ USD, 4 tỉ USD được dự kiến chi cho việc giảm nhẹ thông qua mở rộng hỗ trợ cho năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, giao thông bền vững, và xây dựng các thành phố thông minh. 2 tỉ USD sẽ dành cho thích ứng thông qua các cơ sở hạ tầng có sức chống chịu tốt hơn, nông nghiệp thích ứng khí hậu, và chuẩn bị tốt hơn cho các thảm họa liên quan đến khí hậu.
“Các nhà lãnh đạo thế giới họp mặt tại New York vào cuối tuần này sẽ cam kết đạt được 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) có tính lịch sử vào năm 2030 và ADB sẵn sàng là một phần quan trọng của những nỗ lực toàn cầu để tài trợ cho các mục tiêu này. Không ở đâu chống biến đổi khí hậu lại quan trọng hơn ở châu Á và Thái Bình Dương, nơi mực nước biển dâng lên, sông băng tan chảy, và thời tiết cực đoan như lũ lụt và hạn hán đang gây thiệt hại về sinh kế và cướp đi nhiều mạng sống” - ông Nakao phát biểu.
Được biết, Mục tiêu Phát triển Bền vững 13 (SDG13) đặc biệt kêu gọi hành động khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu và các tác động của nó. Ngoài ra, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu là quan trọng đối với hầu hết các mục tiêu khác, trong đó có chấm dứt đói nghèo, đạt được an ninh lương thực và nước, cung cấp tiếp cận đến năng lượng, và xây dựng các thành phố bền vững.
Cuối năm nay, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris, cộng đồng quốc tế dự kiến sẽ hoàn thành một thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới và cách thức để tài trợ cho thỏa thuận này.
Ngoài việc tăng cường tài trợ cho chống biến đổi khí hậu của riêng mình, ADB sẽ tiếp tục khai thác các cơ hội mới và các sáng kiến đồng tài trợ với các đối tác khu vực công và tư nhân. Ví dụ, ADB sẽ tìm cách huy động tài chính ưu đãi từ Qũy Khí hậu Xanh (Green Climate Fund), đang đi vào hoạt động, cho các dự án thích ứng của ADB tại các nước nghèo hơn. ADB sẽ khai thác đầu tư theo thể chế thông qua các quỹ vốn chủ sở hữu tư nhân như các đối tác khí hậu châu Á do ADB tài trợ (ADB-sponsored Asia Climate Partners). ADB cũng sẽ phát hành thêm trái phiếu xanh như một nguồn quan trọng nhằm tài trợ cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu.
Cũng theo ông Nakao, tầm quan trọng của công nghệ trong chống biến đổi khí hậu, và nói rằng ADB sẽ điều chỉnh hệ thống đấu thầu của mình để tạo điều kiện tích hợp công nghệ sạch hơn và hiện đại hơn vào các dự án của ADB. ADB cũng sẽ tăng cường các quan hệ đối tác với các Trung tâm công nghệ hàng đầu trên toàn thế giới nhằm cung cấp cho các quốc gia thành viên của mình những kiến thức và chuyên môn mới nhất về biến đổi khí hậu.
Có thể thấy rằng, khoản tài trợ bổ sung chống biến đổi khí hậu của ADB là một khoản tài trợ mới và phản ánh ưu tiên của Ngân hàng đối với lĩnh vực chống biển đổi khí hậu như một yếu tố phát triển quan trọng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Và theo thông tin từ ADB thì toàn bộ nguồn vốn gia tăng trong tài trợ chống biến đổi khí hậu sẽ được trích từ gói cho vay thương mại kết hợp giữa Quỹ Phát triển châu Á và Nguồn vốn vay thông thường được phê duyệt vào tháng Năm năm 2015. Gói tài trợ kết hợp này sẽ nâng tổng mức phê duyệt cho vay và viện trợ không hoàn lại hàng năm lên 50% tương đương với 20 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2017.
Khoản tài trợ mới này đánh dấu lần đầu tiên ADB phê duyệt một mục tiêu đầu tư rõ ràng dành cho biến đổi khí hậu.
Theo Thanh Ngọc/Năng lượng mới
Theo