Nguyên nhân tai nạn; số phận các nạn nhân; lý do chiếc máy bay chở gần 300 hành khách của Malaysia Airlines bị bắn rơi là những câu hỏi lớn xung quanh sự cố ở miền đông Ukraina.
Sáng nay, người dân Malaysia đón nhận thông tin về sự cố MH17 ngay sau khi thức dậy. Sự cố hàng không thứ hai xảy ra với họ hơn 4 tháng sau khi chuyến bay số hiệu MH370 biến mất bí ẩn trên đường từ Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc. Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo về vụ việc trên truyền hình lúc 4h sáng ngày 18/7 và gọi "đây là ngày thảm thương trong một năm bi thảm".
Nguyên nhân tai nạn?
Chính quyền Ukraina cáo buộc lực lượng vũ trang đang kiểm soát miền đông Ukraina bắn rơi phi cơ của Malaysia Airlines (MAS) bằng một quả tên lửa từ hệ thống phòng không Buk do Nga phát triển. Trong khi đó, phe nổi dậy đổ lỗi máy bay chiến đấu Ukraina bắn rơi chiếc MH17 khi nó di chuyển qua miền đông nước này.
Hiện trường vụ tai nạn.
Các chuyên gia Mỹ tin rằng, một quả tên lửa đất đối không đã bắn rơi chiếc máy bay chở 298 người của Malaysia Airlines khi nó đang bay từ Amsterdam, Hà Lan về Kuala Lumpur, Malaysia. Tuy nhiên, người ta chưa thể xác định vị trí quả tên lửa được phóng lên và lực lượng đứng đằng sau vụ tấn công.
Thời điểm máy bay 'trúng tên lửa'?
Phần càng hạ cánh của chiếc máy bay trơ trụi sau vụ tai nạn.
Chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines rời Amsterdam, Hà Lan lúc 18h15 phút tối qua theo giờ Malaysia. Lúc 23h30 phút (22h30 phút theo giờ Việt Nam), MAS chính thức thông báo họ mất liên lạc với chuyến bay số hiệu MH17 khi nó di chuyển qua khu vực miền đông Ukraina. 4h30 phút sáng nay, hai giờ trước thời điểm MH17 hạ cánh theo lịch trình, Thủ tướng Malaysia Najib Razak công bố hung tin trên truyền hình. Malaysia cho biết họ sẽ cử một đội y tế tới Kiev để hỗ trợ giải quyết vụ tai nạn. Thời điểm chính xác chiếc máy bay gặp nạn vẫn là ẩn số.
MH17 rơi ở đâu?
Các hãng truyền thông quốc tế cho biết, chiếc Boeing 777 của MAS rơi xuống ngôi làng Grabovo, cách biên giới Nga khoảng 40 km. Phóng viên Reuters nhìn thấy mảnh vỡ chiếc máy bay sơn màu đỏ và xanh của MAS. Thi thể các nạn nhân nằm la liệt khắp nơi. Xác phi cơ bị phá hủy đến mức không thể nhận diện.
Mảnh vỡ chiếc Boeing 777 sơn màu xanh và đỏ, tương đồng với logo của Malaysia Airlines.
Hiện trường vụ tai nạn xảy ra gần thành phố Donetsk. Interfax cho biết chiếc máy bay biến mất khi đang di chuyển ở độ cao 10 km so với mặt đất, độ cao lý tưởng của những chiếc Boeing 777. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế nhấn mạnh, chiếc Boeing 777 của MAS không xâm phạm vùng cấm bay.
Nhân thân của những người xấu số?
Mảnh vỡ chiếc máy bay nằm ven một tuyến đường.
Malay Mail của Malaysia khẳng định, chiếc máy bay gặp nạn khi đang chở 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn. Hiện tại, quốc tịch của các hành khách trên chuyến bay gặp nạn chưa chính thức được công bố. Tuy nhiên, người đứng đầu MAS ở châu Âu cho biết 154 hành khách là người Hà Lan, 27 người Australia, 23 người Malaysia, 11 người Indonesia, 6 người Anh, 4 người Đức, 4 người Bỉ, 3 người Philippines và một người Canada. Toàn bộ 15 thành viên tổ bay là người Malaysia.
Vì sao MH17 'bị bắn hạ'?
Nhiều thông tin cho rằng chiếc MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi do nhầm lẫn. Thông tin trên trang mạng xã hội do một chỉ huy quân sự của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng cho biết lực lượng nổi dậy Ukraina đã bắn rơi "một máy bay vận tải hạng nặng" của quân đội Ukraina ở khu vực MH17 trúng tên lửa. Nhiều người cho rằng phe nổi dậy bắn nhầm chiếc Boeing 777 của Malaysia vì nghĩ nó là máy bay của chính phủ Ukraina.
Một phần thân khác cháy đen sau tai nạn.
Tác động của sự cố tới công nghiệp hàng không như thế nào?
Sau vụ máy bay chở khách của Malaysia gặp nạn, các hãng hàng không đang tìm cách tránh không phận Ukraina. Một chuyến bay khác của MAS là MH21, cất cánh từ Paris, Pháp tới Kuala Lumpur buộc phải đi vòng để tránh đi qua nơi chiếc MH17 gặp nạn.
Một mảnh vỡ máy bay rơi gần khu dân cư.
Nhiều hãng hàng không Mỹ tự đề xuất phương án tránh di chuyển qua biên giới Nga – Ukraina. Các hãng hàng không Anh tránh xa khu vực đông nam Ukraina. Cơ quan kiểm soát không lưu của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đóng cửa toàn bộ không phận phía đông Ukraina và lập các đường bay hoàn toàn không đi qua quốc gia Đông Âu này.
Theo