Trỗi dậy quá nhanh, chỉ tập trung phát triển trong nước, ác cảm đối với việc thành lập liên minh là 3 trong số những nguyên nhân khiến Trung Quốc có ít đồng minh.
Qua cuốn hồi ký mới xuất bản, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kể lại sự việc tại Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2010 rằng ông Dương Khiết Trì, khi đó còn là ngoại trưởng Trung Quốc, lớn tiếng: "Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ". Ông Dương nói vậy do bà Clinton đã khẳng định Mỹ "có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải, tiếp cận các vùng biển chung ở châu Á, tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông".
Đối với Trung Quốc, phát biểu của bà Clinton là lời lẽ khiêu khích. Tuy nhiên không quốc gia nào ủng hộ quan điểm của Trung Quốc. Thay vào đó, 12 láng giềng của Trung Quốc ra thông báo ủng hộ quan điểm của bà Clinton.
Trong quyển sách Still Ours to Lead, học giả Bruce Jones cho biết Mỹ có hơn 50 đồng minh, tức là 1/4 các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên "số lượng đồng minh chiến lược của Trung Quốc lại thấp hơn nhiều".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ tại Bắc Kinh hôm 9/7. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ tại Bắc Kinh hôm 9/7. Ảnh: Reuters
Trong bài viết trên báo Washington Post ngày 8/7, nhà phân tích Ali Wyne - đồng tác giả cuốn Lý Quang Diệu - Bàn về Trung Quốc, Mỹ và thế giới (xuất bản 2013) - nêu lên 5 nguyên nhân để lý giải hiện tượng Trung Quốc đơn độc.
Nguyên nhân lịch sử
Kinh nghiệm từ Chiến tranh Lạnh về sự đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc có ác cảm về liên minh. Năm 1982, Trung Quốc tuyên bố theo đuổi "chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình". Từ đó đến nay, Feng Zhang - học giả tại Đại học quốc gia Australia (ANU) - cho biết Trung Quốc "luôn phủ nhận liên minh là một nguyên tắc chính sách đối ngoại, cho rằng đây là di sản từ Chiến tranh Lạnh và không phù hợp với Trung Quốc". Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ thực hiện "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc xem mạng lưới liên minh của Mỹ trong khu vực là công cụ kiềm chế sự trỗi dậy của họ.
Nguyên nhân tư tưởng
Sự khác biệt về bản chất nhà nước, chính sách trấn áp những người bất đồng và chính sách với các dân tộc thiểu số là rào cản ngăn Trung Quốc xây dựng liên minh với các nước khác.
Quan điểm “cá lớn trong ao nhỏ”
Suốt quá trình lịch sử, các nước luôn phải cảnh giác với Trung Quốc do quy mô về dân số và lãnh thổ cùng vị trí địa lý. Những hành vi của Trung Quốc trong các năm gần đây càng khiến người ta mất niềm tin về sự "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc trong khu vực, như việc tự tuyên bố biên giới trên biển chiếm tới 80% Biển Đông, gia tăng các hành động gây sức ép và cưỡng chế để khẳng định chủ quyền đối với các vùng tranh chấp.
Trung Quốc hầu như chỉ tập trung phát triển trong nước
Trong khi hành vi gây hấn với các láng giềng ngày càng leo thang, Trung Quốc liên tục xây dựng mối quan hệ thương mại với các nước ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Họ thiết lập quan hệ đối tác kinh tế trên toàn thế giới nhưng lại không chú ý đến bản chất chính phủ mà họ hợp tác. Do vậy, một khoảng trống lớn tồn tại giữa các thỏa thuận thương mại và một liên minh bền vững, bởi liên minh bền vững yêu cầu tối thiểu những giá trị chung và sự đồng điệu về các nhu cầu chiến lược.
Trung Quốc đang trỗi dậy quá nhanh
Nhà phân tích Daniel Kliman tại Quỹ German Marshall gần đây đã so sánh quá trình trỗi dậy của Trung Quốc trong 30 năm qua (1982 – 2012) với Mỹ (1870 – 1900), Đức (1870 – 1900), Liên Xô (1945 – 1975) và Nhật Bản (1969 – 1990) dựa trên các tiêu chí tăng trưởng kinh tế và chi tiêu thương mại, quân sự.
"Trong 30 năm qua, Trung Quốc vươn lên xa hơn và nhanh hơn mọi cường quốc nào trong nhóm mà tôi so sánh", ông Kliman nhận định. Mọi sự vươn lên với cường độ như vậy hiển nhiên khiến người ta quan ngại, đặc biệt khi giới quan sát cho rằng Trung Quốc muốn trở thành siêu cường của thế giới.
Theo Minh Anh/zing.vn
Theo