Thứ sáu 04/10/2024 06:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

30 năm đổi mới kinh tế: Khát vọng sống và hành trình đột phá tư duy

09:54 | 27/12/2015

2 thập niên nữa kể từ bây giờ, 50 năm sau Đổi mới, Việt Nam sẽ nằm ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới, có thể trở thành một quốc gia thịnh vượng hay không... đang phụ thuộc vào các quyết sách tại thời điểm tới đây - trong mùa xuân thứ 30 của hành trình đột phá tư duy.

Giấc mơ thịnh vượng

Ngay vào lúc này, các chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) trong Tổ biên tập Báo cáo Việt Nam 2035 đang nỗ lực bước hoàn thiện cuối cùng sau 2 năm triển khai.

Đây là bản báo cáo được chờ đợi, vì nó không chỉ chứa đựng những nghiên cứu, quan điểm của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và WB cho chặng đường đi tới của nền kinh tế Việt Nam, mà còn chứa đựng hàng ngàn ý tưởng, kế sách và cả giấc mơ về một Việt Nam thịnh vượng của người dân gửi gắm qua hệ thống trao đổi trực tuyến. Trực tiếp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và bà Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa đã tham gia cuộc trao đổi này trong gần một năm.

Chính bởi vậy, sự hoàn tất của Báo cáo Việt Nam 2035 không phải là điểm kết thúc, mà chính là điểm khởi đầu cho những hành động cụ thể, biến giấc mơ thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam thành hiện thực.

Vấn đề nằm ở chỗ, những hành động này, theo quan điểm của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phải có yếu tố đột phá vượt trội.

Vì ở kịch bản lạc quan nhất là trong giai đoạn 2015-2035, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP bình đầu người với mức 7%, có thể 6% ở giai đoạn 2015-2020 và 8% ở giai đoạn còn lại, thì đến năm 2035, mức độ thịnh vượng trung bình của người Việt Nam vẫn thua xa Hàn Quốc, bằng một nửa Nhật Bản, bằng một phần ba so với Singapore ở thời điểm năm 2011. Và nếu như có được tốc độ tăng trưởng trên, thì kinh tế Việt Nam phải mất tới 10-17 năm để vượt qua mức mà Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia đã đạt được cách đây 4 năm.

“Với kịch bản khả thi cao là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở mức 5%, nếu không có những yếu tố đột phá vượt trội, cụ thể là quyết định lựa chọn đúng con đường để phát triển, thì nỗi lo tụt hậu xa hơn sẽ gần như không thể hóa giải”, ông Trần Đình Thiên nói. Và như vậy, đương nhiên giấc mơ về một khu vực kinh tế tư nhân năng động, sáng tạo và là động lực phát triển của nền kinh tế sẽ mãi chỉ là mơ.

Tuy ông Thiên cũng thừa nhận, không dễ để chọn đúng, nhưng nền kinh tế Việt Nam đang ở thời điểm để có thể làm được với dựa trên tư duy và bối cảnh rất khác với 30 năm trước, đó là nhu cầu chơi một sân chơi, luật chơi với thế giới.

Việt Nam tiến hành cải cách kinh tế chậm hơn khá lâu so với hầu hết các nước trong khu vực, nghĩa là có lợi thế đi sau tuyệt đối, có cơ hội học hỏi các mô hình phát triển, gần Việt Nam nhất là cách thức Đông Á (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc) hay Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia…), có thể tránh quãng thời gian mày mò và quan trọng là có thể tiếp cận nhanh với những cái mới nhất để đi nhanh hơn.

Cái mới nhất trong lúc này là Việt Nam đã cam kết theo những đẳng cấp rất cao so với thể trạng của mình, quyết định chọn cách bám theo cấu trúc cao hơn, cho phép nền kinh tế có thêm không gian để đổi mới, sáng tạo và để vươn nhanh hơn.

Nhưng điều này cũng có nghĩa nền kinh tế Việt Nam chấp nhận bước vào cuộc cạnh tranh của hội nhập, của thị trường vận động theo quy luật đào thảo khắc nghiệp nếu không thay đổi.

Nhìn lại 30 năm qua, mỗi bước tiến chân của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế khi nhà nước lui chân thường mạnh mẽ hơn nhờ động lực những cam kết hội nhập. Có thể nhắc tới 3 dấu mốc quan trọng. Đó là năm 1995, Việt Nam tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) sau khi trở thành thành viên của ASEAN. Năm 2001, Hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam (BTA) được ký kết, mở ra hơn một thập kỷ xuất siêu liên tục của Việt Nam sang quốc gia bên kia bờ Thái Bình Dương, để đến năm 2014 Việt Nam trở thành nước xuất khẩu số một vào thị trường Mỹ trong 10 nước ASEAN. Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trước đó, một loạt văn bản pháp quy liên quan đến đầu tư - kinh doanh được sửa đổi, đáp ứng yêu cầu từ các thành viên WTO với nước gia nhập mới.

Đây cũng chính là dấu mốc của những điểm bắt đầu xu thế tăng tốc trong đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Thương hiệu Việt trong các ngành này dày thêm sau mỗi thời điểm hiệu lực của các cam kết.

Dấu mốc tiếp theo cho bước thăng hoa mới của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ là thời điểm hiệu lực của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA giữa Việt Nam và EU hay TPP. Vì bản chất của những cam kết này vẫn là tự do hơn, thị trường hơn, nhưng đầy tham vọng trong ràng buộc cải cách chính sách quan trọng. Đây chính là nền tảng quan trọng để các khu vực doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và đúng quy luật và kỷ luật của thị trường.

Có lẽ phải nhắc tới cảm xúc đầu tiên sau khi đọc toàn văn nội dung Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đó là thất vọng. “Nội dung quá chung chung. Không có những yêu cầu cụ thể liên quan đến cải cách thể chế trong nước”, ông Cung sốt ruột chia sẻ.

Cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác, ông đặt kỳ vọng lớn vào cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế theo hướng thị trường nhờ áp lực của TPP, nhất là trên các lĩnh vực cải cách doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công liên quan đến quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, minh bạch hóa, cải cách hành chính và thuận lợi hóa thương mại…

Nhưng, ông không tìm được điều này trong TPP: “Tôi đã đọc rất kỹ. Ví như trong chương về doanh nghiệp nhà nước, TPP chỉ nhấn mạnh đến bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước của ta với doanh nghiệp của các nước thành viên TPP thôi, chứ bất bình đẳng, giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân trong nước, thì về cơ bản, không có trong các nội dung tương ứng”. Ông lo cách quy định này có thể gây ra những bước cản đà chạy của khu vực doanh nghiệp tư nhân đang cần phải tăng tốc để bắt kịp đòi hỏi mới của nền kinh tế hội nhập sâu. Thậm chí, mục tiêu lớn nhất của tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đó là tạo điều kiện để khu vực này được quản trị và hoạt động đầy đủ theo quy luật và kỷ luật của thị trường cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng khi thiếu áp lực buộc phải thay đổi từ bên ngoài.

Song điều này lại không đồng nghĩa với sự bi quan. “Tôi nói thất vọng với một hàm ý đó là thách thức lớn, nhưng nếu được hóa giải thì cơ hội cải cách là không giới hạn”, ông Cung lý giải.

Có thể hiểu, cho dù các điều khoản của TPP không tạo sức ép trực tiếp cho cải cách, nhưng nhu cầu vươn lên trong nội tại nền kinh tế Việt Nam, để sòng phẳng trong sân chơi TPP, với ít nhất là 11 thành viên sáng lập còn lại là đòi hỏi tất yếu. Vì chỉ khi đó, chúng ta mới không còn phải bàn tới các cơ chế đặc biệt dành cho thành viên yếu hơn trong lộ trình thực hiện các cam kết. Và cũng chỉ khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước, bất kể thuộc thành phần sở hữu nào, mới tận dụng được phần to trong miếng bánh cơ hội từ hội nhập dành cho Việt Nam – mà nhiều nghiên cứu đang tính có thể tích lũy thêm 8% cho GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2035.

Khát vọng thay đổi

Trở lại câu chuyện của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải về “buổi sớm mai” của doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng hiện tại, tình thế cũng đã thay đổi.

“Doanh nghiệp Việt Nam phải làm khác, nếu không muốn bị dạt ra rìa hội nhập, không muốn nền kinh tế Việt Nam quanh quẩn mãi ở nhóm 4 nước CLMV kém phát triển nhất ASEAN", ông Dương rút ruột chia sẻ với những đồng nghiệp trẻ tuổi của mình.

Nhưng đòi hỏi làm khác mà ông Dương chỉ ra lại rất khó thực hiện. Đó là phải quên đi những lợi thế có được trong bối cảnh chưa hội nhập, môi trường kinh doanh còn nhiều khúc mắc, còn nhiều cái có thể lợi dụng để kiếm tiền.

Với không ít doanh nghiệp Việt Nam, đây chính là “năng lực cạnh tranh cốt lõi” của họ. Nếu phải quên đi các lợi thế này, họ sẽ không thể tồn tại.

Nhưng ông Dương đúng khi đặt nặng trách nhiệm lên vai cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, bởi với gần 20 năm lăn lộn với thương trường, trải qua đủ cung bậc hỉ nộ ái ố của môi trường kinh doanh Việt Nam trong bước tìm đường hòa nhập vào thị trường thế giới, ông nhìn thấy rất rõ thế yếu của doanh nghiệp Việt Nam trên các bàn đàm phán. Ngay cả trong sự nở rộng của khu vực doanh nghiệp tư nhân những năm qua, có nhiều “người khổng lồ, chân đất sét”.

Tất nhiên, không dễ để thay đổi nhanh khi nguồn lực và năng lực của nhiều doanh nghiệp còn quá nhỏ. Hơn thế, thể trạng yếu ớt của doanh nghiệp Việt Nam hiện tại có một phần lý do quan trọng là tính không ổn định, không nhất quán của môi trường thể chế.

Nhưng điều quan trọng hơn, những doanh nhân này đang nhìn thấy vị trí của mình trong nền kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới trên đường đi lên, nhưng ngã ba tới là hai ngã rẽ - như cảnh báo của GS. Trần Văn Thọ, Đại học Wasada (Nhật Bản). Một là tận dụng được các cơ hội của hội nhập để vững bước đi lên, hai là sẽ đi ngang và rơi vào sự trì trệ của bẫy thu nhập trung bình.

Các doanh nhân đã gọi đây là tình thế “không có đường lùi, không có đường khác”. Họ đang trong tâm thế thay đổi, muốn thay đổi để trụ vững và vượt lên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Chỉ có điều, đúng như lời một chuyên gia kinh tế đã từng nói, doanh nghiệp là bộ mặt của nền kinh tế, nhưng lại không phải là người quyết định, mà là nhà nước.

Thực tế 30 năm Đổi mới cho thấy, những bước ngoặt lịch sử của kinh tế Việt Nam nhiều khi chứa đựng sức mạnh tự cường, sức mạnh dân tộc hơn là sức mạnh vật chất.

Chính khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng đã lớn lên bằng khát vọng sống và mong muốn được cống hiến vì sự phồn vinh của dân tộc Việt Nam. Họ từng bước khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế, bên cạnh những bước cải cách lớn của khu vực doanh nghiệp nhà nước, cùng góp sức vào cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực tế cũng đã chứng minh, Việt Nam muốn trở thành con hổ hay rồng, khu vực kinh tế tư nhân có thực sự là động lực phát triển hay không không thể chỉ trông vào sức ép từ bên ngoài, mà phải tuỳ thuộc vào chúng ta có muốn thay đổi tư duy theo hướng những tư duy phổ biến của thế giới hay không.

Câu trả lời là chúng ta có khát vọng vươn lên, không muốn đứng một mình ngoài thế giới. Trong mùa xuân thứ 30 của Đổi mới, người dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đang tin vào điều kiện hội tụ, làm nên những kỳ tích mới, tiếp tục hun đúc và nâng cánh cho khát vọng sống và vươn lên...

Ý kiến - Nhận định:

Ông Jonathan Dunn, Đại diện thường trú của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam

Tiến hành cải cách nhanh hơn và chất lượng hơn sẽ giúp tăng thêm niềm tin, giảm rủi ro tài khóa phát sinh từ khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước nhằm tạo ra công ăn việc làm và những cơ hội cho lực lượng lao động đầy nhiệt huyết và tăng nhanh của Việt Nam.

(Trích phát biểu tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam năm 2015)

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam

Liên hợp quốc rất lạc quan về tương lai của Việt Nam, vì đất nước của các bạn được trời phú cho tài nguyên quý giá nhất - đó là những con người của tinh thần, tham vọng và sự khéo léo. Việt Nam đã được công nhận trên toàn thế giới là quốc gia đạt được thành tích cao đối với các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, và giờ đây hoàn toàn có khả năng trở thành tấm gương tương tự trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

(Trích phát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam năm 2015)

 

Theo Bảo Duy/Báo Đầu tư

Theo

Cùng chuyên mục
  • Lùi thời điểm mở hồ sơ tài chính gói thầu hơn 11.400 tỷ đồng tại sân bay Long Thành

    (Xây dựng) - Theo lịch trình, 9h ngày 27/9, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ tiến hành mở hồ sơ đề xuất tài chính Gói thầu 4.8. Tuy nhiên, sau 2 tiếng chờ đợi, ACV đã có văn bản thông báo lùi thời điểm này cho tới ngày 3/10 với lý do “để có thời gian cho chủ đầu tư và bên mời thầu xem xét, giải quyết các kiến nghị của nhà thầu”.

  • Hà Nội: Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm đạt trên 376 nghìn tỷ đồng

    (Xây dựng) – Chiều 3/10, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024. Theo đó, 9 tháng đầu năm, Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về hầu hết các lĩnh vực, trong đó tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% theo dự toán.

  • Thêm doanh nghiệp FDI chuẩn bị đầu tư vào Quảng Ninh

    (Xây dựng) - Tính đến thời điểm tháng 9/2024, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Quảng Ninh năm 2024 đạt hơn 2 tỷ USD. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm mà tỉnh Quảng Ninh đề ra là tập trung thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm hoàn thành mục tiêu thu hút ít nhất 3 tỷ USD vốn FDI vào địa bàn tỉnh trong năm nay.

  • Rà soát, hoàn thiện các quy định về hoạt động tín dụng chính sách

    (Xây dựng) - Ngày 3/10, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 449/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

  • Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm đạt 578,47 tỷ USD

    (Xây dựng) – Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tính đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 81,09 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 39,91 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 41,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại 9 tháng năm 2024 xuất siêu 20,79 tỷ USD.

  • Khai mạc Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024

    (Xây dựng) – Ngày 3/10, Bộ Xây dựng tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024 tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia. Chủ đề của sự kiện năm nay là “Phát triển công trình xanh: Chuyển biến từ chính sách đến hành động”.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load