Thứ sáu 29/03/2024 06:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

30 năm chuyện Quốc phục của người Việt

09:19 | 15/08/2022

Đến bao giờ nước ta có lại được bộ Quốc phục để cho những người làm công tác đối ngoại sánh vai cùng bộ quốc phục của các nước?

Mấy hôm nay cộng đồng mạng nói nhiều đến bộ áo dài, khăn xếp của một vị đại sứ Việt Nam mặc trong buổi lễ trình Quốc thư. Người bảo chẳng giống ta, người thì nói như vậy cho khỏi "đụng hàng". Nếu quan tâm theo dõi trang phục mà các vị đại sứ nước ta mặc trong các lễ trình quốc thư gần đây thì đúng là đa dạng, nhiều kiểu. Người theo lễ phục châu Âu, nơ đen, nơ trắng. Người thì mặc áo dài khăn xếp. Ngay với áo dài, khăn xếp mỗi người lại theo một kiểu khác nhau. Người mặc áo dài tay chẽn, người mặc áo dài tay thụng, người thì áo dài kiểu của người chủ lễ trong Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương. Có người lại mặc áo dài chẽn nách thụng tay như trong phim cổ trang của Trung Quốc. Bên cạnh lời khen, mọi người lên án, mỉa mai khá nhiều.

Tôi nghĩ là quá oan cho các vị đại sứ!. Cho dù cũng có vị vượt ra quá xa với nhận biết của mọi người về áo dài Việt.

Theo tôi, cứ tạm coi chuyện trang phục chưa thống nhất này là do "hoàn cảnh đất nước". Hồi mới lập nước (giai đoạn 1945-1946), ngân khố trống rỗng và bộn bề công việc nên có thể chuyện trang phục chưa phải là ưu tiên cao nhất. Chính phủ lúc đó ra mắt quốc dân đồng bào, trang phục nhiều kiểu khác nhau như chúng ta thấy qua những bức hình lịch sử lưu giữ đến ngày nay.

Rồi sau đó có một thời lãnh đạo các cấp thường mặc bộ đồ "đại cán" - vải kaki may theo kiểu Tôn Trung Sơn có cải biên, và dần bộ đồ này trở thành như lễ phục.

Sang thập niên 1960, giao lưu với các nước xã hội chủ nghĩa "anh em" tăng lên, số người đi về nhiều. Sang Liên Xô và các nước Đông Âu thì lại phải mặc Âu phục, dần dần bộ complete với cà vạt trở thành thông dụng, được nhiều người đi nước ngoài mặc, rồi cũng được coi như lễ phục. Cán bộ hồi đó nghèo, không đủ tiền may sắm. Bộ Tài chính có cả một kho quần áo complet và cà vạt để cho những người được cử đi công tác nước ngoài mượn.

Thời kỳ đó trang thiết bị ở các công sở rất nghèo nàn. Điều hòa nhiệt độ hầu như không có. Nếu mặc bộ đồ "đại cán" hoặc bộ complet mà tiếp khách trong mùa hè thì không ai chịu nổi. Bộ Ngoại giao mới có qui định thêm lễ phục mùa hè là quần dài, áo sơ mi trắng cộc tay, bỏ ngoài quần (áp dụng từ 16/4 đến 15/10 hàng năm). Cho nên mọi người thấy ảnh các vị lãnh đạo của ta trước đây thường mặc áo trắng cộc tay trong các ngày lễ. Sau năm 1975 thì bộ đồ "đại cán" xuất hiện ít dần. Bộ đồ complet với cà vạt trở thành lễ phục của nam, giống như ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

30 nam chuyen quoc phuc cua nguoi viet
Công chức ngành văn hóa Thừa Thiên Huế mặc áo dài đến công sở, tháng 9/2020 (Ảnh: CTV).

Với áo dài khăn xếp, từng có giai đoạn ở miền Bắc, nhất là sau cải cách ruộng đất và chiến dịch cải tạo công thương nghiệp, bị coi là tàn tích của chế độ phong kiến. Trên nhiều bức tranh cổ động lúc đó, người địa chủ bị đấu tố là người đàn ông mặc áo dài đội khăn xếp, còn người nông dân đấu tố thì quần nâu áo ngắn. Dường như áo dài khăn xếp trở thành biểu tượng của một chế độ!. Tuy nhiên, trong thực tế đây lại là trang phục truyền thống có tính phổ biến sâu rộng của một thời đối với người dân Việt Nam. Nhiều thế hệ người dân Việt đã trân quý cái áo dài khăn xếp như là trang phục cho những dịp lễ nghi trang trọng. Có những người nông dân nghèo vẫn cố gắng giành dụm chắt bóp, sắm cho được một cái áo dài khăn xếp để khi có việc ra đình làng mới lấy mặc. Bộ quần áo nâu chỉ là bộ mặc thường ngày ở nhà. Những bà con dân tộc ít người ở miền Trung, khi về Huế có việc đều khoác cái áo dài đội khăn xếp, mặc dù theo phong tục vẫn phải đóng khố không mặc quần. Nhìn lại. thật là long đong vất vả cho bộ quần áo có một thời được coi như "quốc phục". Nó đã bị cuốn hút vào công cuộc đấu tranh quan điểm!.

Sau năm 1990, quan hệ đối ngoại được mở rộng, đặc biệt là với các nước tư bản phát triển ở Tây và Bắc Âu. Trong các dịp lễ hội lớn, các dịp trình quốc thư, theo qui định lễ tân của các quốc gia đó người tham dự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức lễ phục: lễ phục châu Âu hoặc Quốc phục. Nếu theo lễ phục châu Âu thì xuất hiện vấn đề phức tạp, khó khăn. Bộ complet với cà vạt chỉ là bộ đồ business suite (bộ đồ làm việc), khi lễ tân cho phép mới được mặc. Còn lễ phục có hai loại, trang trọng nhất là white tie rồi đến black tie (lễ phục trang trọng nhất với áo đuôi tôm, quần, áo sơ mi, áo gilê, nơ…), với mỗi loại lại có quy định rất chặt chẽ và phải đồng bộ từ quần áo đến giày cũng các phụ kiện kèm theo. Đối với dân mình thì thật phiền toái. Đặt may rất đắt tiền và lâu, mấy khi dùng đến. Những người làm công tác ngoại giao thường phải thuê. Đi thuê cũng lại tốn tiền, mỗi lần cho một người mất khoảng 1.000USD. Thuê cho vừa với người mình cũng là khó, người họ người mình to nhỏ quá xa nhau!. Những lúc như vậy mọi người đều mong muốn có một bộ Quốc phục.

Thấy bức xúc của những người làm công tác đối ngoại, từ năm 1994, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo Bộ Văn hóa Thông tin lúc đó nghiên cứu để ban hành qui định về Quốc phục, tuy nhiên bàn nhiều mà vẫn không quyết định được. Lại đụng về vấn đề quan điểm.

Tháng 6/1995, tôi tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thăm các nước Bắc Âu và Anh quốc. Khi thăm Anh, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Aberdeen, một thành phố ở miền đông bắc Scotland. Đón đoàn tại sân bay có ông thị trưởng Aberdeen và dàn nhạc toàn nam giới của thành phố. Tất cả mọi người ra đón đều mặc váy kẻ ô ngắn trên đầu gối và áo vét thêu, quốc phục của Scotland. Tối hôm đó chúng tôi về Edinburgh, thủ đô của Scotland, dự tiệc của thị trưởng, mọi người Scotland vẫn mặc quốc phục đó. Sau buổi tiệc, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với chúng tôi: "Các anh thấy không, cho dù phát triển đến đâu, họ vẫn giữ được truyền thống của họ. Quốc phục vẫn là quốc phục. Ta thì nghiên cứu mãi không xong!".

Một kỷ niệm khác, vào tháng 10/1995 đoàn Việt Nam đi dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hợp Quốc. Đoàn dừng ở Cuba trước khi sang New York. Mấy lần liền tôi thấy nữ cán bộ phụ trách lễ tân bận rộn điện đàm với cơ quan đại diện của ta ở New York. Tôi hỏi "Có việc gì mà căng thẳng vậy?". Chị cho hay "lại vẫn chuyện lễ phục trong dạ tiệc chào mừng". Chuyện là lễ tân của Liên Hợp Quốc quy định hai hình thức: Quốc phục của quốc gia người tham dự hoặc lễ phục phương Tây trang trọng nhất, White tie. Phía ta không chấp nhận mặc White tie và cũng không Quốc phục vì chưa có quy định về Quốc phục. Cuối cùng phía ta đề nghị mặc bộ complet và cà vạt như thường lệ. Phía bạn không chấp nhận. Cuối cùng thỏa thuận đoàn ta mặc bộ complet sẫm màu thường mặc và thắt nơ đen.

Buổi đó tôi không tham dự. Sau đó tôi hỏi nữ cán bộ bên lễ tân "Buổi dạ tiệc thế nào?". Chị nói: "Đau quá anh ơi, đoàn ta mặc chẳng giống ai, lại gần giống đám phục vụ, họ cũng áo vét nơ đen, nhìn họ lại còn sang hơn ta vì quần áo họ may đẹp hơn ta!". Thật là một chuyện để nhớ!.

Sau những chuyến đi đó, những năm 1996-1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại chỉ đạo Bộ Văn hóa Thông tin sớm ban hành qui định về quốc phục. Các cơ quan lại nghiên cứu, hội thảo. Ý kiến lại trái chiều, quan điểm lại khác nhau. Mọi việc cứ trôi theo thời gian.

Từ ngày Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng ban hành qui định về Quốc phục đến nay đã gần 30 năm. Ba mươi năm chúng ta chưa chọn được một mẫu quần áo mà dân ta đã từng mặc để làm Quốc phục. Ba mươi năm rồi mà các nhà ngoại giao vẫn mỗi người tùy theo cảm hứng của mình, tự nghĩ cho mình một kiểu quần áo và gọi đó là "Quốc phục". Làm sao ta trách các vị đại sứ được. Trách ai? Lại đổ cho hoàn cảnh nước ta chăng?.

Đến bao giờ ta có lại được bộ Quốc phục để cho những người làm công tác đối ngoại sánh vai cùng bộ quốc phục của các nước. Để cho những người làm công tác đối ngoại dễ mặc, dễ đi, dễ đứng và dễ nói!

Biết đến bao giờ? Gần ba mươi năm đã qua, kể từ ngày Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao nhiệm vụ.

Theo Võ Hồng Phúc/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load