Việc chi thu nhập tăng thêm dựa trên nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tạo thêm động lực đối với cán bộ, công chức thành phố.
Không khí đón Tết Nguyên đán sắp tới trở nên phấn khởi hơn với cán bộ, công chức TP.HCM khi năm 2018 vừa qua là lần đầu tiên được thụ hưởng chính sách chi thu nhập tăng thêm dựa trên việc thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Một số viên chức cho rằng việc chi thu nhập tăng thêm chính là thay đổi dễ nhìn thấy nhất của TP.HCM từ lúc thực hiện nghị quyết 54 của Quốc Hội.
Mong chính sách kéo dài
Công tác tại Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội quận 10, bà Vũ Thị Dung cho biết với mức lương của mình, nếu hoàn thành tốt công việc sẽ nhận thêm 6-7 triệu đồng mỗi quý. Với bà Dung, khoản thu nhập này rất đáng kể so với đồng lương công chức hiện tại.
“Không chỉ tôi mà mọi người khi nhận được thu nhập tăng thêm đều cảm thấy vui và động viên nhau cố gắng làm việc thật tốt để có thể được đánh giá ở mức cao nhất. Mong sao việc này được duy trì lâu dài”, bà Dung hồ hởi.
Khoản thu nhập tăng thêm đối với công chức, viên chức TP.HCM rất đáng kể.
Đồng nghiệp của chị Dung, ông Ngô Minh Nhu, chuyên viên văn phòng UBND và HĐND quận 10, cũng chia sẻ mong muốn tương tự với hy vọng chính sách chi thu nhập tăng thêm của TP.HCM sẽ kéo dài để cải thiện thu nhập khi lương công chức chỉ đủ để trang trải cơ bản cho cuộc sống.
Năm 2019, mức nhân tối đa tăng gấp đôi lên 1,2 lần mà lương cơ bản cũng tăng nên khoản tăng thêm sẽ càng lớn hơn”. Ông Ngô Minh Nhu, chuyên viên văn phòng UBND và HĐND quận 10 |
Tuy nhiên, ông Nhu chia sẻ ngoài việc có thêm nhiều động lực trong công việc hàng ngày, bản thân cũng cảm thấy lo lắng nếu trong một quý không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì sẽ mất đi khoản thưởng đáng giá vì công việc chính của khối văn phòng là phối hợp với các ban ngành, đoàn thể nên có thể bị ảnh hưởng công việc bởi các đơn vị khác.
Đảm bảo đánh giá công bằng, khách quan
Theo quy trình, cán bộ, công chức, viên chức của TP.HCM đầu tiên sẽ tự đánh giá bản thân, bước tiếp theo là đồng nghiệp đánh giá lẫn nhau và cuối cùng thủ trưởng đơn vị sẽ đánh giá cấp dưới của mình.
Có 4 mức xếp loại với tổng điểm tối đa là 100. Trong đó, người được đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm còn hoàn thành và không hoàn thành thì không có phần thu nhập này. Tỷ lệ số người được hưởng không bị khống chế, đồng nghĩa nếu 100% công chức, viên chức được xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì đều được nhận thêm tiền.
Theo bà Đinh Thị Lan, Trưởng phòng Nội vụ quận Bình Thạnh, việc đánh giá công chức, viên chức hiện tại ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của mọi người nên việc thực hiện càng chặt chẽ, khách quan hơn.
Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện theo nghị quyết 03/2018 của HĐND TP.HCM dựa trên nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc Hội. Ảnh: Hoài Thanh.
Bà Lan khẳng định không có sự cả nể, xuề xòa trong quá trình đánh giá lẫn nhau giữa các cá nhân vì mỗi người đều phải ký tên xác nhận vào phiếu và chịu trách nhiệm về chính kiến của mình. Hơn nữa, người đứng đầu đơn vị sẽ quyết định khách quan trong việc đưa ra đánh giá cuối cùng.
“Nếu không đồng tình với kết luận đánh giá của thủ trưởng đơn vị, người được đánh giá vẫn có quyền khiếu nại lên thủ trưởng cấp cao hơn và quyết định của người này là quyết định cuối cùng”, bà Lan nói thêm.
Ông Võ Văn Tiến, Chánh văn phòng UBND quận 10, cũng cho biết việc đánh giá kết quả công việc của công viên chức trong quận luôn được quán triệt theo tinh thần minh bạch, dân chủ, khách quan, công khai, không cào bằng.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các tiêu chí cụ thể, sâu sát hơn nữa để kết quả đánh giá ngày càng phản ánh chính xác hiệu quả công việc”, ông Tiến chia sẻ.
Vẫn còn vướng mắc
Bên cạnh những kết quả thuận lợi, một số quận cũng nhận định vẫn còn những khó khăn sau thời gian đầu triển khai chính sách chi thu nhập tăng thêm và đang chờ đợi hướng dẫn của UBND TP.HCM trong thời gian tới.
Một số vướng mắc có thể kể đến như cán bộ không chuyên trách có thời gian nghỉ trong một quý trên 22 ngày hay những người làm việc theo diện hợp đồng của nghị định 68/2000 hiện chưa được hưởng thu nhập tăng thêm; không được xét đánh giá hiệu quả công việc; chưa có hướng dẫn đánh giá, cán bộ, công chức của hội chữ thập đỏ, công chức, viên chức trong thời gian tập sự…
Với quy định về thời gian nghỉ không quá 22 ngày trong một quý, các giáo viên trong thời gian nghỉ hè, những người chuyển công tác, nghỉ thai sản, vừa học vừa làm, đi học tập trung sẽ không được nhận phần thu nhập tăng thêm.
Còn đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng quy định của nghị định 68/2000, tinh thần nghị quyết của HĐND là các đơn vị quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ để chia sẻ thu nhập tăng thêm theo hiệu quả công việc.
“Chia sẻ tức là tính trong nguồn khoán của đơn vị cho nên đây cũng là một khó khăn”, bà Lan cho biết.
Đã chi hơn 3.200 tỷ đồng cho năm 2018
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết dự kiến kinh phí chi thu nhập tăng thêm của năm 2018 là 3.243 tỷ đồng. Trong số này, chi cho khối thành phố là 1.262 tỷ đồng, khối quận, huyện là 1.981 tỷ đồng.
Kinh phí chi thu nhập tăng thêm cho quý II, quý III của năm 2018 đã được giải ngân và nhiều cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn TP.HCM đã thực lãnh. Hiện các quận, huyện đang bắt đầu tổ chức đánh giá kết quả công việc quý IV/2018.
Cũng theo Sở Tài chính, kinh phí chi thu nhập tăng thêm của TP.HCM trong năm 2019 dự kiến là 7.236 tỷ đồng, khối thành phố dự chi 1.954 tỷ đồng, khối quận huyện dự chi 5.382 tỷ đồng.
Sở dĩ kinh phí dự kiến tăng hơn gấp đôi trong năm nay vì theo lộ trình, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa trong năm nay là 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ, tăng gấp đôi so với mức 0,6 lần năm 2018.
Theo Việt Đức/Zing.vn