Trong báo cáo dự báo kinh tế thế giới hàng tháng vừa công bố, bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế (EIU), thuộc tạp chí Nhà kinh tế, cho rằng có nhiều diễn biến giúp làm dịu phần nào những rủi ro đối với kinh tế toàn cầu, song cho rằng 2012 sẽ là một năm bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo EIU, diễn biến đáng chú ý nhất trong những tuần gần đây là tác động tích cực của việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bơm gần 500 tỷ euro vào hệ thống ngân hàng châu Âu.
Các khoản cho vay giá rẻ, không giới hạn trong 3 năm của ECB dành cho các ngân hàng tại khu vực đồng euro (Eurozone) đã giúp giảm áp lực vốn đối với các ngân hàng và làm lãi suất trái phiếu chính phủ, đặc biệt là của Italia và Tây Ban Nha, giảm xuống, qua đó giúp nợ nần của những nước này dường như ổn định hơn.
Đầu tháng 2/2011, lãi suất các khoản vay thông thường giữa các ngân hàng thương mại, một thước đo mức độ căng thẳng của thị trường tài chính, cũng ở mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Những yếu tố trên đã làm giảm áp lực đối với Mỹ, quốc gia có các mối quan hệ tài chính chặt chẽ với châu Âu. ECB dự kiến sẽ tiến hành thêm một đợt cho vay kỳ hạn 3 năm nữa vào cuối tháng 2 này.
Trước những động thái của ECB và phản ứng của các thị trường, EIU đã hạ thấp khả năng Eurozone tan vỡ từ 40% xuống 30%. Tuy vậy, EIU vẫn duy trì khả năng Eurozone tan rã ở mức trên để nhấn mạnh rằng mối đe dọa đối với sự tồn tại của đồng tiền chung này vẫn chưa qua.
Các cuộc đàm phán đầy lo âu về việc cứu trợ Hy Lạp và những cảnh biểu tình bạo lực là lời nhắc nhở rằng có nhiều điểm có thể gây ra sự suy giảm đột ngột trong tâm lý của các nhà đầu tư. Eurozone tan rã có thể dẫn đến một sự đình đốn tại châu Âu và một cuộc suy thoái nghiêm trọng cho phần còn lại của thế giới.
Tất cả những điều trên có nghĩa là 2012 sẽ là một năm bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu, sự phục hồi vốn chậm chạp sau cuộc khủng hoảng 2008-2009 sẽ tiếp tục bị cản trở. Ngoài những thách thức châu Âu đang phải đối mặt, nền kinh tế Mỹ, dù nhiều chỉ số đang cải thiện, vẫn trong tình trạng yếu kém. Với việc giá xăng dầu tăng trở lại, lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể dễ dàng suy giảm. Trung Quốc cũng tăng trưởng chậm lại, tạo ra nhiều thách thức khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
EIU dự báo GDP thế giới năm 2012 sẽ tăng trưởng 3,1% tính theo ngang giá sức mua (PPP), trong khi nhóm các nền kinh tế lớn và phát triển nhất thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 1%, trong đó kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,8%, châu Âu giảm 0,7% và Nhật Bản tăng 1,9%.
EIU cho rằng các nền kinh tế ngoài Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ hoạt động tốt hơn, nhưng chịu ảnh hưởng từ việc nhu cầu của châu Âu giảm. Dự báo năm 2012, kinh tế khu vực châu Á và Australia sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 6%, so với 6,5% năm 2011, với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lùi xuống 8,2%, từ mức 9,2% năm 2011, trong khi Ấn Độ chỉ tăng 6,3%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các khu vực khác cũng chậm lại trong năm 2012, trong đó tăng trưởng của khu vực Mỹ Latinh đạt 3,6%, Đông Âu 2,3%, khu vực cận sa mạc Sahara (châu Phi) 3,8% và khu vực Trung Đông-Bắc Phi đạt 4%.
EIU cũng dự báo kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong những năm tiếp theo, đạt tốc độ tăng trưởng 3,9% trong năm 2013, 4,1% năm 2014 và 4,3% năm 2015./.
TTXVN
Theo baoxaydung.com.vn