(Xây dựng) - Những cảnh quan nước tuyệt đẹp và thú vị dưới đây chắc chắn khiến bạn mê mẩn và ao ước được một lần tới thăm.
Hồ đa sắc Grand Prismatic Spring
Grand Prismatic Spring thuộc vườn quốc gia Yellowstone là hồ nước nóng lớn nhất nước Mỹ và đứng thứ 3 trên thế giới. Hồ có chiều rộng và sâu 49m. Vòng nước màu xanh sáng ở giữa lòng hồ là nơi tụ nhiệt với sức nóng lên tới 87°C.
Màu sắc rực rỡ của hồ được sắp xếp một cách tự nhiên từ xanh, hồng, cam… là kết quả của các thực vật tảo và sắc tố vi khuẩn.
Hồ Spotted, Canada
Hồ Spotted ở British Columbia, Canada có nhiều màu sắc và có thể nhìn thấy nổi bật ngay cả khi nhìn từ đường cao tốc. Hồ Spotted cũng được biết đến là một nơi để chữa bệnh tuyệt vời nhờ những chất khoáng có trong nước hồ. Các đốm tròn xuất hiện vào mùa hè khi phần lớn nước trong hồ bốc hơi. Người dân địa phương coi đây là hồ thiêng và gọi hồ bằng cái tên Kliluk. Trong Thế chiến I, muối trong hồ còn được dụng để chế tạo bom.
Hồ Retba, Senegal
Retba có nồng độ muối rất cao, bởi vậy mọi người có thể dễ dàng nổi lên trên mặt hồ. Hồ nằm ở gần bờ biển Đại Tây Dương của Senegal. Màu hồng rực rỡ của Retba được tạo thành từ một loài vi tảo muối ưa nhiệt có tên là Dunaliella salina. Loài này sản sinh ra sắc tố đỏ để giúp hấp thụ ánh sáng mặt trời. Màu sắc là yếu tố đặc biệt của hồ và nổi bật vào mùa khô.
Thác Máu, Nam Cực
Nổi bật giữa những lớp băng trắng xóa lạnh lẽo ở miền đông Nam Cực là các thác nước màu đỏ tươi chảy từ các khe nứt của dòng sông băng Taylor Glacier. Nguồn gốc của thác Máu là một hồ nước mặn bị mắc kẹt dưới dòng sông băng khổng lồ xuất hiện ít nhất là 2 triệu năm trước.
Nhiệt độ của nước trong hồ là -5 độ C, nước rất mặn. Độ mặn gấp 2 đến 3 lần so với nước biển bình thường. Chính vì vậy mà nó không bao giờ đóng băng, nước chỉ có thể từ từ thẩm thấu vào băng khiến cho chúng có sắc đỏ đặc biệt. Thác Máu là một sông băng gỉ giàu chất sắt.
Sông Caño Cristales ở Colombia
Con sông nằm ở một vùng xa xôi trên dãy núi Serranía de la Macarena. Trong một khoảng thời gian ngắn giữa tháng Chín và tháng Mười Một, dòng sông đặc biệt này chuyển màu và mang đến những màu sắc sống động và rực rỡ như màu đỏ, xanh dương, xanh lá cây và màu cam, được tạo ra bởi một loài thực vật đặc hữu, Macarenia Clavigera, nở trong nước - cũng như rêu và tảo.
Hồ nước nóng Boiling, Dominica
Tọa lạc ở vị trí rất cao trong Vườn Quốc gia Morne Trois Pitons, Boiling là suối nước nóng tự nhiên lớn thứ 2 trên thế giới. Nơi ít nóng nhất của hồ Boiling cũng có nhiệt độ lên tới hơn 80 độ C, đặc biệt tại giữa hồ, nước liên tục sôi sục. Người ta không thể tìm được biện pháp nào kiểm soát nhiệt độ bởi đây là kết quả của một vết nứt trong lòng hồ, khiến dung nham nóng chảy rò rỉ ra ngoài.
Cánh đồng muối Salar de Uyuni, Bolivia
Với diện tích 10,582 km2, Salar de Uyuni là cánh đồng muối lớn nhất thế giới. Những đụn muối nằm xem kẽ tạo thành điểm nhấn đặc biệt cho nơi đây.
Trong mùa mưa, sa mạc muối bị ngập bởi nước từ hồ nước láng giềng và biến thành một tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời. Khu vực này cũng là một nguồn chính khai thác lithium của Bolivia.
“Ruộng bậc thang” đá vôi Pamukkale, Thổ Nhĩ Kỳ
Những hồ nước màu ngọc lam len lỏi trong các ruộng bậc thang đá vôi từng bị lắng đọng do dòng chảy của các suối nước nóng giàu khoáng chất.
Cũng được gọi là lâu đài bông, những ruộng bậc thang Pamukkale nằm bên cạnh thành phố La Mã cổ xưa Hieropolis. Cả hai đều đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Hồ Pitch, Trinidad
Hồ La Brea Pitch với thứ nước lầy màu đen là trầm tích tự nhiên của hắc ín lớn nhất trên thế giới. Các hồ nước được cho là nằm giữa hai vết đứt gãy địa chất, dầu dưới lòng đất cũng thấm lên trên qua hai vết đứt gãy này.
Những hạt nước nhỏ lơ lửng trong hắc ín là nơi sinh sống của nhiều vi sinh vật. Nơi đây cũng được coi là kho tàng lưu giữ hóa thạch của nhiều loài động vật bị mắc kẹt trong nhựa dính.
Hồ Loktak, Ấn Độ
Loktak là hồ nước ngọt lớn nhất vùng đông bắc Ấn Độ, còn được gọi với cái tên là Floating vì có số lượng lớn những thảm thực vật tạo thành các đảo tròn liền kề nhau, nổi trên bề mặt hồ. Thoạt nhìn từ xa, trông chúng như những tảng băng trôi.
Không chỉ cung cấp nước cho thủy điện, hồ Loktak còn rất giàu đa dạng sinh học và là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng như trăn Ấn Độ hay vượn hoolock.
Hồ chứa Manicouagan, Canada
Được gọi là “Con mắt của Quebec”, hồ Manicougan hình thành từ một thiên thạch tấn công mặt đất vài trăm triệu năm về trước.
Phần trung tâm của hồ được nhô cao và điểm cao nhất của nó được gọi là núi Babel. Hồ có diện tích gần 2.000 km2.
Quần thể hồ Plitvice, Croatia
Nằm trong một công viên quốc gia tại Croatia, quần thể hồ Plitvice với 16 hồ nhỏ liên kết với nhau tạo thành các tầng thác nước tuyệt đẹp. Các hồ nước được ngăn cách bởi các đập đá vôi tự nhiên.
Vườn Quốc gia hồ Plitvice đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1979. Công viên này cũng rất đa dạng sinh học với động vật quý hiếm như mèo rừng, chồn hôi châu Âu và chó sói.
Hồ miệng núi lửa Kelimutu ở Indonesia
Trên đỉnh núi lửa Kelimutu ở Indonesia có ba hồ nước với màu sắc, nhiệt độ và thành phần hóa học khác nhau.
Các hồ này thay đổi màu sắc theo chu kỳ từ xanh dương sang xanh lá, đỏ, đen, thậm chí cả màu chocolate nâu và trắng.
Suối nước nóng Champagne, New Zealand
Giống như một ly sâm panh, suối nước nóng Champagne luôn sủi tăm do các bọt khí CO2 trong lòng hồ. Các suối nước nóng được hình thành khoảng 900 năm trước đây, và có nhiệt độ bề mặt nước khoảng 74°C.
Phần rìa suối có màu cam rực rỡ rất giàu silica với các trầm tích của asen và antimon sulfua. Ngoài ra, các rìa đá bao quanh hồ cũng chứa trầm tích của thuỷ ngân, tali, vàng và bạc.
Hồng Nhung (Theo BBC)
Theo