Việc dời 1.402 cơ sở gây ô nhiễm tại TP.HCM đáng lẽ kết thúc vào năm 2005 nhưng tiến độ này bị trì hoãn kéo dài, hiện còn 698 cơ sở và vẫn còn 6 doanh nghiệp gây ô nhiễm trầm trọng vẫn chưa di dời.
Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 sẽ chuyển về quận 9 (TP.HCM), đồng nghĩa chuyển ô nhiễm từ khu dân cư này sang khu dân cư khác. Ảnh: T.T
Theo báo cáo của ông Đào Anh Kiệt- Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, tại kỳ họp lần thứ 18 khóa 8 HĐND TP.HCM, theo Nghị quyết năm 2002 của HĐND TP.HCM, việc dời 1.402 cơ sở gây ô nhiễm kết thúc vào năm 2005. Nhưng khi thực hiện, tiến độ bị trì hoãn kéo dài đến năm 2007, đến nay còn 698 cơ sở và vẫn còn 6 doanh nghiệp gây ô nhiễm trầm trọng vẫn chưa di dời.
Đó là các “đại gia”: Công ty TNHH Nước mắm Việt Hương Hải; Công ty TNHH MTV Dệt Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Thương mại Petrolimex; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bình Triệu; Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn. Công ty TNHH Sản xuất giấy và Bao bì Thăng Long. Trong số này chỉ có Công ty Giấy bao bì Thăng Long là của tư nhân, 5 doanh nghiệp còn lại là doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Nguyên nhân những đơn vị trên vẫn còn nằm trong khu dân cư, theo ông Kiệt, ngoài chủ quan của Sở Tài nguyên – Môi trường trong tham mưu, quan trọng nhất là sự “ù lì” của các DNNN. “Chính vì 5 DNNN này “ù lì” nên đơn vị còn lại phân bì. Ngoài ra, còn có nguyên nhân không kém phần quan trọng là các đơn vị trên không thể dời đi đâu vì ô nhiễm quá nặng. Đơn cử như Công ty TNHH Nước mắm Việt Hương Hải xin về Cần Giờ nhưng không được địa phương đón nhận vì… quá hôi, nên ở lì” – ông Kiệt giải thích.
Ngoài 6 “đại gia” gây ô nhiễm nêu trên, theo đại biểu Cao Thanh Bình- Trưởng phòng Dân nguyện Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM, còn có Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 đóng ngay chân cầu Rạch Chiếc, quận Thủ Đức, gây ô nhiễm trầm trọng. “Từ năm 2003, Thủ tướng đã có quyết định di dời Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1. Nhưng đến nay đã 12 năm, nhà máy này vẫn chưa có động thái tích cực di dời. Hiện nhà máy có trạm nghiền tại phường Phú Hữu (quận 9), ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân nơi đây nên bà con phản ứng dữ dội vì quá ô nhiễm. Theo đề xuất của nhà máy, khi chuyển về quận 9 sẽ nâng công suất, như vậy ô nhiễm càng tăng lên gấp bội. Không thể chuyển ô nhiễm từ khu dân cư này sang khu dân cư khác được. Tại sao không đưa ra khỏi địa bàn TP.HCM hoặc đưa vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3?”-đại biểu Bình chất vấn.
Theo Sở Tài nguyên – Môi trường, lộ trình đưa 698 cơ sở sản xuất và những “đại gia” gây ô nhiễm trên ra khỏi khu dân cư là từ nay đến năm 2017. “Từ nay đến đầu năm 2016, đưa 24 cơ sở tại khu phố 4 (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) vào 4 khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, Hiệp Phước, Đông Nam và An Hạ. Đến năm 2017, việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sẽ hoàn tất”- ông Kiệt nói.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM khẳng định đến nay Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 gần như là bãi đất trống, như vậy không khác nào quy hoạch trên giấy tờ. Chỉ riêng đầu tư hạ tầng đã mất cả năm, nếu đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm hiện đại phải mất nhiều năm nữa, và như vậy lộ trình do Sở Tài nguyên – Môi trường đưa ra hoàn toàn không khả thi.
Theo Tân Tiến/Dân Việt
Theo